Metro Cát Linh - Hà Đông bớt ‘cô đơn’ khi có tuyến Nhổn - ga Hà Nội
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trước đây, trên mạng xã hội gọi tuyến Cát Linh - Hà Đông là "ngôi sao cô đơn", đến nay tuyến này bớt cô đơn hơn vì đã có metro Nhổn - ga Hà Nội. Vì thế, tới đây sẽ thay đổi phương thức và cách làm.
Tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với thanh niên vào chiều 14/10, đại biểu Lê Trà My, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn ra ngày càng phức tạp.
Theo cán bộ Đoàn phường Thanh Xuân Bắc, thời gian qua, TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội để góp phần giảm phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, việc liên kết với 2 tuyến metro còn hạn chế, gây khó khăn cho người muốn đi lại bằng loại phương tiện hiện đại này.
“Trong thời gian tới, thành phố tính toán như thế nào để phát huy hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị hiện nay?”, đại biểu Lê Trà My nêu băn khoăn.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường làm rõ những vấn đề liên quan đến việc xây dựng mạng lưới đường sắt trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Trung Sơn
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao nhiệm vụ làm rõ vấn đề trên. Ông Thường cho rằng, thành phố đang phát triển nên ùn tắc giao thông là vấn đề hiện hữu.
Theo ông Thường, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô. Tốc độ tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn mỗi năm từ 4-5%, riêng ô tô tăng 10%, nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông mỗi năm chỉ khoảng 0,28%.
“Sau rất nhiều cố gắng trong việc đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt hơn 12%. Như vậy, vẫn còn kém xa so với quy hoạch giao thông của Thủ đô là từ 16-20%. Việc này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường vượt quá ngưỡng thiết kế”, ông Thường nói và cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 33 điểm ùn tắc.
Cần 50 tỷ USD cho 14 tuyến metro
Ông Thường có cùng quan điểm với cán bộ Đoàn phường Thanh Xuân Bắc về giải pháp căn cơ nhất hiện nay là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị mới có thể giải quyết được ùn tắc giao thông.
Theo ông Thường, trong quy hoạch giao thông trước đây, thành phố có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 417km. Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch giao thông, nâng số tuyến đường sắt đô thị lên 14 tuyến, với gần 600km.
Hà Nội đang nỗ lực xây dựng thêm các tuyến metro. Ảnh: Hoàng Hà
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nêu thực tế hiện nay, để làm một tuyến đường sắt đô thị mất từ 15-20 năm. Với sự cố gắng rất lớn của thành phố, đến nay trên địa bàn Thủ đô có 2 tuyến hoạt động gồm: Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao.
“Trước đây, trên mạng xã hội gọi tuyến Cát Linh - Hà Đông là 'ngôi sao cô đơn'. Đến nay tuyến này bớt cô đơn hơn vì đã có tuyến Nhổn - ga Hà Nội”, ông Thường nói.
Cũng theo ông Thường, để làm được một tuyến đường sắt đô thị mất rất nhiều thời gian và tốn kém, khoảng 100 triệu USD/km. Do vậy, nếu làm 417km đường sắt đô thị như quy hoạch trước đây cần khoảng 40 tỷ USD, còn nếu làm 600km như đề án đang được xây dựng cần khoảng 50 tỷ USD.
“Đây là con số rất lớn, không chỉ là nguồn lực mà còn cả phương thức, cách làm. Với sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng đề án đầu tư tổng thể mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố”, ông Thường cho hay.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để phát huy hết tiềm năng thì mạng lưới đường sắt đô thị phải liên thông với nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi đầu tư hiện nay thành phố chỉ có thể làm từng tuyến một. Do vậy, ngành giao thông Hà Nội đưa ra giải pháp điều chỉnh mạng lưới xe buýt gom hành khách cho các tuyến tàu điện.
Việc phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) là chìa khóa để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, tạo...
Nguồn: [Link nguồn]