Metro 1 ráo riết thử nghiệm an toàn, tháo mâu thuẫn với nhà thầu
Để kịp vận hành chạy thử vào tháng 7, hàng loạt công tác thử nghiệm an toàn, nghiệm thu của tuyến metro 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có báo cáo về tiến độ thực hiện, các vướng mắc tồn đọng và kiến nghị phương án giải quyết cho dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Đẩy tiến độ thử nghiệm an toàn, nghiệm thu
“Trong tháng 4, bàn giao trước hai đoàn tàu và thiết bị cho Tư vấn chung NJPT để tiến hành công tác đào tạo sớm nhân sự vận hành tuyến cho Công ty HURC1 (vận hành chính thức đoàn tàu và thiết bị của dự án). Tiếp tục tiến hành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), đánh giá an toàn hệ thống, chuẩn bị nghiệm thu hoàn thành dự án” - báo cáo của MAUR nêu các công việc cần hoàn thành trong tháng này.
Về công tác an toàn, MAUR cho biết hiện tại đơn vị tư vấn đánh giá an toàn độc lập (ISA Consultant) đang chủ động thực hiện công việc. “ISA Consultant đã hoàn thiện và nộp 6/13 báo cáo về đánh giá an toàn và đang tiếp tục triển khai công việc của mình. Tuy nhiên, thử nghiệm cuối cùng để cấp chứng chỉ an toàn hệ thống còn phụ thuộc vào quá trình chạy thử. MAUR mong muốn NJPT và các nhà thầu hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Tư vấn ISA hoàn thành dự án” - MAUR nêu trong báo cáo.
Ngoài ra, các báo cáo do ISA trình đã được gửi chính thức cho các bên liên quan để phối hợp chuẩn bị công tác thẩm định an toàn.
Bên cạnh việc thử nghiệm an toàn thì hiện nay MAUR đang cùng các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để mời Hội đồng kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng tiến hành kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành.
Về công tác nghiệm thu PCCC, nhà thầu vẫn đang phối hợp Tư vấn PCCC và các bên liên quan để hoàn chỉnh các góp ý của Cục PCCC.
Trước đó, qua kiểm tra đợt 1 của Cục Cảnh sát PCCC – Bộ Công an, có một số hạng mục của gói thầu CP3 nằm trong khu vực nhà ga như chiếu sáng, biển hiệu... cần được hoàn thành triệt để để đáp ứng yêu cầu nghiệm thu PCCC.
“Tuy các nhà thầu xây lắp đã có công văn đề nghị nhà thầu Hitachi phối hợp hoàn thiện những hạng mục nhỏ nêu trên nhưng phía nhà thầu vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, làm ảnh hưởng tiến độ chung của nội dung này ” - MAUR lý giải.
Metro 1 đang chạy đua với yêu cầu công việc để có thể đưa đoàn tàu vào vận hành đúng tiến độ. Ảnh: Đ.T
Gỡ vướng mắc với nhà thầu
MAUR cho biết hiện còn nhiều vướng mắc với nhà thầu của dự án cần được tháo gỡ như vấn đề bàn giao sớm thiết bị, hạ tầng của dự án phục vụ đào tạo, thử nghiệm, vận hành thử (Trial-Run).
Về việc này, MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản có ý kiến với nhà thầu Hitachi nhanh chóng phối hợp một cách tích cực để bàn giao sớm hai đoàn tàu, phòng đào tạo AFC, phòng mô phòng lái tàu để MAUR, NJPT và HURC1 nhanh chóng đào tạo nhân sự theo yêu cầu tiến độ của dự án.
“Các bên có liên quan nhanh chóng thống nhất nội dung trên nguyên tắc bên nào sử dụng thiết bị sẽ chi trả tiền điện cho việc sử dụng của mình; bên sử dụng thiết bị của bên khác cần có trách nhiệm bảo dưỡng khi sử dụng và đền bù khi gây ra hư hỏng để thúc đẩy tối đa việc đào tạo” - MAUR nêu giải pháp.
Các khó khăn liên quan đến gói thầu CP3, MAUR đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hitachi để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện một cách hiệu quả và thực chất.
“Đề nghị nhà thầu HTC nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ các công việc, đặc biệt là ITC (một công tác chuyên môn trong Metro 1) phải hoàn thành vào cuối tháng 5” - báo cáo đề xuất.
Về mâu thuẫn liên quan hợp đồng bảo dưỡng 5 năm, MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) quan tâm, làm việc với lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Hitachi để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của dự án metro số 1.
“Trong trường hợp Tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi không thể đạt được thỏa thuận chung về vấn đề này, chúng ta cần cân nhắc việc lựa chọn một đơn vị đủ năng lực khác để thực hiện” - MAUR kiến nghị.
Về khúc mắc này, trong năm 2023, MAUR và Liên danh NJPT đã nhiều lần mời đại diện trụ sở chính của Công ty Hitachi cùng tham gia họp với nhà thầu Hitachi để có phương án thúc đẩy công tác đàm phán. Tuy nhiên, nhà thầu Hitachi vẫn tránh né không hợp tác và bảo lưu quan điểm.
“Trong các cuộc họp và qua các văn bản trao đổi về hợp đồng bảo dưỡng, nhà thầu Hitachi vẫn bảo lưu quan điểm về hợp đồng bảo dưỡng này là một hợp đồng độc lập, viện dẫn sai lệch các từ ngữ trong hợp đồng để từ chối và giảm bớt trách nhiệm của nhà thầu đối với công tác bảo dưỡng theo hợp đồng và đề xuất mức giá cao hơn gấp 3,5 lần so với giá cơ sở trong hợp đồng gốc” - MAUR chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ngày 16-4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio liên quan đến các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn TP.HCM. Trong buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị hai bên tập trung vào tiến độ dự án tuyến metro số 1, trong đó trao đổi cụ thể và có định hướng rõ ràng để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động. Theo ông Mãi, từ nay đến giữa tháng 7-2024, hai bên cần tập trung cao độ khối lượng công việc để đến giữa tháng 7 sẽ tiến hành chạy thử, đầu quý IV sẽ vận hành chính thức tuyến metro số 1. Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị hai bên cần lấy mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thiện và chạy tàu để tập trung hoàn thiện thủ tục, công việc, song song với giải quyết những vướng mắc. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhận định đây là dự án quan trọng mang tính biểu tượng của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, các bên đều có quyết tâm sẽ đưa dự án vào vận hành sớm. Do vậy, ông Yamada Takio cũng đề nghị hai bên cần thành lập Ban giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng từ Ban Phân xử (DAB) để sớm giải quyết những vướng mắc mang tính khách quan để sớm đưa dự án vào hoạt động như mục tiêu và mong muốn. |
TP HCM - Để chuẩn bị tiếp nhận, khai thác thương mại Metro số 1, đơn vị vận hành đề xuất ngân sách chi gần 110 tỷ đồng để tổ chức chạy thử nghiệm.
Nguồn: [Link nguồn]