Mẹ nhốt con vào chuồng lợn
“Đó. Nó trong đó. Trước chuồng này tôi nhốt lợn, giờ thì bán lợn để nhốt con” - bà Nhẫn nói trong tủi nhục.
81 tuổi, bà Phạm Thị Nhẫn ở xóm 5, xã Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) hàng ngày chăm con mắc bệnh thần kinh trong chuồng mà trước đây gia đình dùng để nhốt lợn.
Bà Nhẫn có 4 người con (2 trai, 2 gái). Hai cô con gái đều lấy chồng xa, anh con trai cả cùng vợ mưu sinh ở thành phố Phủ Lý. Gia cảnh túng quẫn, một mình bà và người con điên dại sống trong căn nhà lọt thỏm dưới chân núi đá vôi. Mấy chục năm nay, bà ở vậy chăm con, chẳng còn mấy mặn mà với cuộc sống bên ngoài.
Bà con chòm xóm xung quanh biết quá rõ hoàn cảnh của bà, nhưng không ai dám đến gần vì con trai bà hễ gặp người là đánh.
Anh Việt con bà Nhẫn trong chuồng lợn
Bà Nhẫn đau đớn kể: “Gia đình đưa con đi trại nào nó cũng tìm cách trốn trại. Khốn khổ lắm mới tìm được nó. Khi về nhà thì nó hung dữ, bao người vì nó mà vạ lây. Nó lên cơn, thì gặp ai cũng đánh. Mấy lần nó đè ngửa tôi ra bóp cổ không thương tiếc, cũng may có hàng xóm đến kịp đẩy mạnh nó ra, nếu không thì tôi đã chết dưới đôi tay của con mình”.
Anh con trai Vũ Xuân Việt sinh năm 1962, là con thứ 3 trong nhà. Năm 12 tuổi, Việt bị cảm nhập tâm, không nói được. 5 lần, 7 lượt chữa trị ở các bệnh viện tuyến dưới rồi lại tuyến trên nhưng bệnh tình ngày càng nặng.
Không thể cất tiếng nói, mọi hành động đều khua múa. Nằm viện một thời gian, Việt trở nên thay đổi tính nết, thường xuyên trốn viện và đánh người. Thấy bệnh của Việt ngày càng kỳ quặc, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa đi trại để tránh sự cố rủi ro.
Bà Nhẫn chỉ có thể âu yếm con một cách rón rén
Cùng cực, gia đình phải đưa Việt vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Nam. Nhưng vào được một thời gian Việt lại trốn ra ngoài, rồi lưu lạc khắp nơi khi thì lên Yên Bái, lúc thì Lào Cai.
Khoảng thời gian Việt lưu lạc là lúc gia đình bà Nhẫn trăm mối tơ vò. Bố Việt, ông Vũ Xuân Tý là bộ đội phải chạy đôn, chạy đáo, nhờ anh em đồng đội ở khắp nơi tìm con.
“Khổ lắm, nhục lắm, nhưng không còn cánh nào khác. Không nhốt nó vào đây, có ngày nó giết người lúc nào không hay. Không ai chấp người điên, người tâm thần, nhưng không sợ hãi sao được khi cơn điên loạn ập đến bất thình lình” - bà Nhẫn nhìn con oà khóc.
Trong bốn bức tường vôi tối tăm, ẩm thấp người đàn ông ngồi thu mình, mặt cúi gằm, dưới nền gạch lênh láng phân.
Bà Nhẫn thò cánh tay qua song cửa sắt khẽ lay gọi: "Chú Việt ơi, có người đến thăm chú đây này. Anh Việt không hề nhúc nhích. Tôi tiến lại gần, bỗng giật bắn mình, khựng lại. Người đàn ông chồm dậy, hú lên những tiếng rùng rợn."
Nhìn anh Việt bị giam cầm trong “căn phòng” chật hẹp, không chăn màn, giường chiếu, dưới nền đất, phân lênh láng tôi thực sự không dám tin con người ấy đã sống như vậy suốt 32 năm qua. Việt không nói được, âm thanh duy nhất là tiếng hú nghe đến lạnh cả người.
Bà Nhẫn vội vã lấy thau múc nước như cố để làm vợi đi mùi hôi hám sộc ra: “Khổ thân con tôi lắm. Nó sống mà không nhận biết được một cái gì. Tủi lắm, nhục lắm”.
Không dám vào trong chuồng với con, người con trai cả của bà Nhẫn thiết kế cho bà một chiếc vòi phun nước. Cứ thế, ngày hai lần bà dùng nó để lo chuyện vệ sinh cho con.
“Nó nằm dưới nền đất lạnh lắm, thương nó, đưa chăn vào cho nó nhưng khổ nỗi nó cắn xé rách bươm, có khi nuốt cả vải tắc nghẹn nên không thể để một thứ gì vào trong đấy cả. Đến bữa cơm tôi lại luồn qua khe cửa sắt, lâu rồi cũng thành quen, nó ăn xong rồi “vãi” luôn tại đấy. Khổ lắm có ngày phải tắm cho nó vài lần mà vẫn không hết mùi” - bà tủi hổ.