Mẹ nghèo nuốt nước mắt nhìn con đập phá, 5 tuổi vẫn chưa biết gọi tiếng “mẹ ơi”
Gần 5 tuổi, nhưng bé N. chưa 1 lần cất tiếng gọi “mẹ ơi”. Khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn, nhưng cô bé mang trong mình căn bệnh tự kỷ kèm theo rối loạn cảm giác, rối loạn hành vi, tăng động, khiến người mẹ nghèo bao năm khóc cạn cả nước mắt.
Chị Mai nghẹn ngào kể về hành trình chữa bệnh của con.
5 năm chỉ mong con gọi được tiếng “mẹ ơi”
Cuối tháng 7, trong những ngày hè nắng oi ả, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm ở tổ dân phố số 2 Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, (Chương Mỹ, Hà Nội), nơi gia đình chị Kiều Thị Xuân Mai đang sinh sống.
Gia đình chị Mai sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở giữa khu phố. Nói là đại gia đình bởi trong ngôi nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ấy có tới 7 con người đang sinh sống. Họ gồm vợ chồng chị Mai, 2 người con cùng bố, mẹ già và em chồng chị Mai.
Ngồi ở giữa nhà là bé H.K.B.N (gần 5 tuổi) chốc chốc lại bốc muối ăn một cách vô thức. Dù đã gần 5 tuổi nhưng bé không biết khóc, biết cười. N. không chỉ mắc chứng bệnh tự kỷ đơn thuần mà còn kèm theo rối loạn cảm giác, rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý…
Ngôi nhà chị Mai sinh sống cùng ông bà nội.
Ngồi bóp chân cho con gái, chị Mai nhớ lại, năm 2012 chị và chồng kết hôn sau đó sinh được một bé gái là H.K.C (7 tuổi), cuộc sống gia đình tuy không khá giả nhưng đầm ấm, hạnh phúc.
Đến năm 2016, vợ chồng chị Mai vui mừng đón thành viên thứ 2, chào đời. Ngày đi siêu âm, nghe bác sỹ nói thai nhi là bé gái, cả gia đình hai bên nội ngoại đều vui mừng khôn siết.
Suốt những ngày tháng mang thai, chị Mai đi khám, bác sỹ cũng không phát hiện gì bất thường của thai nhi. Bản thân chị trong quá trình mang thai cũng không ốm đau hay mắc bệnh tật.
Bé N. chào đời hoàn toàn khỏe mạnh và bụ bẫm. Thế nhưng, tai họa bắt đầu ập đến khi N. được 18 tháng tuổi, bé có nhiều biểu hiện không giống như những đứa trẻ cùng trang lứa.
N. bị ngã chảy máu chân nhưng không biết đau, không biết sợ, đánh cũng không khóc. Đáng nói, ở tuổi này nhưng N. không bập bẹ âm tiết, chỉ ú ớ khua tay, múa chân loạn xạ, đập phá mọi đồ đạc trong nhà…
Thấy vậy, gia đình chị Mai đã đưa bé xuống Bệnh viện Nhi Trương ương thăm khám và được bác sĩ cho biết bé mắc phải căn bệnh tự kỷ.
“Nghe tin xong, vợ chồng tôi như chết lặng vì thương con. Hai vợ chồng quyết tâm đưa con đi chữa trị gần 2 năm nhưng không đem lại kết quả nhiều. Khi chụp cắt lớp lại phát hiện con có những cơn động kinh. Chỉ cần một cơn co giật của con là mọi sự cố gắng của vợ, chồng tôi, thầy cô, bác sĩ lại trở về con số 0”, chị Mai nghẹn ngào nói.
5 năm trôi qua, kể từ khi bé N. chào đời, điều mà chị Mai mong mỏi nhất là muốn nghe con gọi được 1 tiếng mẹ ơi nhưng điều đó lại rất xa vời. Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai nhiều lần rơi nước mắt. Nhìn gương mặt chị khắc khổ, lo toan khiến chị già hơn so với tuổi 34.
Gần 5 tuổi nhưng bé N. vẫn chưa biết nói, biết cười.
Nằm trong vòng tay của mẹ, bé N. liên tục cau có, khó chịu, thậm chí nhảy bổ chạy ra ngoài vứt mọi đồ đạc trong nhà vì đói.
“Cháu ăn khỏe lắm cô ạ, cháu có có thể ăn đến khi nào ngủ mới thôi. Hễ đến giờ ăn, không cho cháu ăn là cháu phá phách hết mọi thứ đấy”, chị Mai chua xót nói.
Nói rồi, N. lại tiếp tục quẫy đạp mọi thứ xung quanh, chốc lại hét vang lên “ê”, “a”, chỉ khi được mẹ cho ăn mới chịu dừng lại.
Căn bệnh tự kỷ kèm theo tăng động, động kinh khiến N. không thể làm chủ hành vi nhận thức, thường xuyên quậy phá, chạy đi khắp nơi nếu không có người trông coi.
Vay lãi ngày để chữa bệnh cho con
Chị Mai buồn bã kể về gia đình.
Không những thế, cuộc sống của N. suốt 3 năm qua đều phải phụ thuộc vào thuốc, không có thuốc, bé sẽ không chịu được. Do vậy, hết đợt điều trị này đến đợt điều trị khác, cứ khoảng 1 tháng đến 1,5 tháng chị Mai lại đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
“Bệnh của con phải điều trị ngoại trú nên mỗi lần đưa con ra viện tôi phải thuê nhà trọ để hai mẹ con ở lại, có đợt thì 3 tuần, có đợt lại 4 tuần, chi phí mỗi lần như vậy lại mất 10 triệu đồng”, chị Mai buồn bã nói.
Cứ mỗi lần như vậy, gia đình chị Mai lại gom góp, vay mượn anh, em, họ hàng tiền bạc để đưa N. đi điều trị. Thậm chí, vợ chồng chị Mai phải đi vay cả lãi ngày để lấy tiền chữa bệnh cho con.
Chị Mai từng là công nhân công ty may, có thu nhập ổn định, nhưng từ khi N. đổ bệnh, chị phải chọn công việc chạy chợ để có thời gian chữa bệnh cho con nên kinh tế eo hẹp, tiền kiếm được chẳng đáng là bao.
Tất cả mọi chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học cho con gái đầu, thuốc men cho con gái út và khoản tiền học dành cho trẻ tự kỷ đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của chồng chị.
Công việc của chồng chị Mai sau dịch COVID-19 lại không ổn định, hôm đi làm, hôm nghỉ, hơn chục ngày nay thất nghiệp ở nhà không lương vì công ty không có việc.
Giấy xác nhận khuyết tật của bé N.
“Buồn lắm cô ạ, giờ con gần 5 tuổi, xinh xắn, đáng yêu nhưng trí não không khác gì bé mấy tháng tuổi, vẫn đi vệ sinh tự do, khi ăn phải có người bón”, chị Mai nói.
Có những lúc chị Mai bất lực nhìn con, nhìn đống "sản phẩm" của con lênh láng khắp nhà mà giụa giàn nước mắt.
Hiện tại, tiền can thiệp thuốc men, điều trị của con chị Mai đã quá sức của hai vợ chồng. Chồng chị Mai muốn buông tay, để con ở nhà vì không có điều kiện chữa trị nữa.
“Chỗ nào vay được vợ chồng tôi đã vay, chỗ nào nợ đã nợ, nhưng thật sự tôi không thể cầm lòng để con như vậy được”, gạt nước mắt, chị Mai nói.
Nhiều khi chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, buông xuôi vì cảm thấy cố gắng nuôi dạy, chữa trị thế nào đi chăng nữa thì con mình cũng không thoát khỏi bệnh tự kỷ.
“Tôi đã từng nghĩ ôm con bé út xuống sông tự vẫn luôn cho rồi nhưng lại nghĩ đến chồng và con gái lớn tôi không đành lòng ích kỷ như vậy, cố gắng gượng được ngày nào hay ngày đó”, chị Mai thở dài.
Nhìn con gái với khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên lòng chị Mai quặn thắt. Chị bảo, giá như chị có thể thay con gánh hết những bệnh tật thì tốt biết mấy.
Sắp đến ngày điều trị tiếp theo của N. nhưng vì điều kiện khó khăn, giờ đây kiếm được khoản sinh hoạt phí hằng ngày đã khó chứ huống gì nói đến chuyện cho N. đi chữa bệnh lòng chị Mai lại càng nặng trĩu.
Hai mẹ con chị Mai.
Trao đổi với PV, cán bộ Phòng Lao động Thương binh - xã hội thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, trường hợp của cháu N. rất thương tâm.
“Bé N. bị tự kỷ kèm theo tăng động, giảm chú ý, chúng tôi đã xác định mức độ khuyết tật của bé ở mức độ khuyết tật nặng và bé được hưởng chế độ hơn 1 năm nay với mức 700 nghìn đồng/tháng”, vị cán bộ này thông tin.
Theo cán bộ, Phòng Lao động Thương binh - xã hội thị trấn Xuân Mai, ở địa phương, hoàn cảnh gia đình chị Mai ở mức trung bình, hai vợ chồng làm công việc tự do.
"Mỗi lần nhìn con tôi không cầm được nước mắt. Tôi tủi cho số phận của con và biết rằng chặng đường phía trước...
Nguồn: [Link nguồn]