"Mẹ không mang mũ bảo hiểm, con về làm sao?"

"Tôi bảo con lên xe để về nhưng cháu không chịu lên xe và nói “Mẹ không mang mũ bảo hiểm, con về làm sao? Cô giáo bảo đi xe máy mà không đội mũ là không an toàn, là vi phạm pháp luật”, một phụ huynh học sinh lớp 2 chia sẻ.

Ngày 7.4, thông tin từ Đội Tham mưu, Phòng CSGT (PC67), Công an TP.Hà Nội cho biết, trong hai ngày 6-7.4 triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến việc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và trẻ em từ 6 tuổi trở lên, lực lượng CSGT Hà Nội đã nhắc nhở gần 246 trường hợp phụ huynh chở học sinh trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Đồng thời, kiểm tra và xử lý 88 trường hợp là sinh viên, học sinh vi phạm tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.
 
"Mẹ không mang mũ bảo hiểm, con về làm sao?" - 1
Lực lượng cảnh sát giao thông nhắc nhở hàng trăm trường hợp phụ huynh chở học sinh trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đa số các phụ huynh và học sinh bị cảnh sát dừng xe nhắc nhở vì không mang mũ bảo hiểm đều viện dẫn lý do không mang mũ vì “vội”, “quên” hoặc “nhà gần” nên chủ quan không mang...
 
“Em đã được nhà trường tuyên truyền về đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, nhưng do em đi gần nên chủ quan không mang mũ. Em sẽ rút kinh nghiệm lần sau ra đường sẽ đội mũ”, nữ sinh Uyển Nhi, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa nói lý do sau khi bị CSGT nhắc nhở vì đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.
 
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều học sinh và phụ huynh có ý thức trong việc tuân thủ pháp luật, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
 
Đang đi đón con theo học lớp 2 ở Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Huyền Thường (ở phường Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, việc đội mũ bảo hiểm không chỉ là chấp hành luật giao thông, mà còn để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và con em.
 
“Có lần tôi đi làm về vội quá chỉ đội mỗi mũ bảo hiểm của tôi đi đón con. Khi tới nơi, tôi bảo con lên xe để về nhưng cháu không chịu lên xe và nói “Mẹ không mang mũ bảo hiểm, con về làm sao? Cô giáo bảo đi xe máy mà không đội mũ là không an toàn, là vi phạm pháp luật”. Tôi khá bất ngờ về ý thức của cháu. Tôi bảo con nói đúng lắm và khen con ngoan, biết nghe lời cô giáo. Sau đó, tôi nhờ một phụ huynh cùng lớp trông hộ cháu rồi chạy ra một cửa hàng gần đó mua luôn mũ cho cháu”, chị Thường kể.

"Mẹ không mang mũ bảo hiểm, con về làm sao?" - 2
Nhiều học sinh đi xe đạp điện vẫn vô tư đầu trần tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tất cả các trường trên địa bàn TP.Hà Nội kiên quyết thực hiện, yêu cầu 100% học sinh đến tuổi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.
 

“Các nhà trường tại Hà Nội đã yêu cầu tất cả phụ huynh, học sinh ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Nếu không chấp hành nghĩa là học sinh có ý thức chấp hành kém, vi phạm nhiều lần nhà trường sẽ xem xét hạ hạnh kiểm… Năm nay, việc xử phạt sẽ không chỉ liên quan tới học sinh mà còn quy trách nhiệm cho nhà trường. Trường nào có học sinh bị xử phạt thì sẽ bị trừ điểm thi đua toàn trường. Trong các tiêu chí thi xét thi đua có tiêu chí về giáo dục ý thức chấp hành pháp luật… Nếu có nhiều em vi phạm, điều đó có nghĩa là nhà trường giáo dục các em chưa tốt”, ông Thống nói.

Tuy nhiên, ông Thống cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trong nhất trong việc tạo cho các em học sinh có thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi đến trường vẫn là vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho các em, chứ không phải các biện pháp xử lý hành chính hay kỷ luật.
 
“Tai nạn giao thông không chừa một ai. Vì vậy, ngoài nhà trường và các lực lượng thực thi pháp luật thì vai trò của gia đình trong việc giáo dục các con tuân thủ Luật Giao thông là rất quan trọng.

Các bậc phụ huynh phải làm gương cho các con, phải tạo thói quen cho các con khi ra đường phải đội mũ giống như việc mỗi sáng thức dậy phải đánh răng. Chúng ta phải nhắc nhở các con, khi ra đường ngồi trên xe đạp điện, xe gắn máy thì dứt khoát phải đội mũ bảo hiểm.

Việc đội mũ bảo hiểm không chỉ để đảm bảo an toàn cho các con khi tham gia giao thông, mà còn là cách thức rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật cho các con ngay từ khi còn nhỏ”, ông Thống nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN