Làm rõ việc nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 của CDC Hà Nội
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã chỉ đạo lập báo giá nâng khống hệ thống Realtime PCR từ 4 tỷ lên 7 tỷ đồng, "vẽ" ra việc mua bán lòng vòng để giảm biên độ chênh lệch giá và hưởng 10% giá trị sản phẩm để trúng thầu.
Lập báo giá nâng khống hệ thống Realtime PCR từ 4 tỷ lên 7 tỷ đồng
Theo kết quả điều tra, ngày 14-2-2020, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19, trong đó bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội số tiền hơn 214,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp TP năm 2020. Sở Y tế Hà Nội sau đó giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung hơn 31,1 tỷ đồng, trong đó giá dự toán mua các thiết bị của gói thầu số 15 là hơn 9,54 tỷ đồng, giao CDC Hà Nội làm Chủ đầu tư.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện quy định trên.
Trước đó, ngày 1-2, Nguyễn Nhật Cảm gọi điện cho bà Hiền (CDC Quảng Ninh) tham khảo Hệ thống Realtime PCR tự động do CDC Quảng Ninh mua, đưa vào sử dụng để CDC Hà Nội lập dự toán mua và được bà Hiền giới thiệu Nguyễn Văn Chiến (Nhân viên kinh doanh của Công ty GETZ).
Chiều 1-2, Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Ngọc Nhất, Nhân viên Công ty Vitech, cổ đông Công ty Suran gọi điện cho Nguyễn Thanh Tuyền, Trưởng nhóm kinh doanh Công ty Phương Đông xin báo giá Hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen - Đức do Công ty Phương Đông nhập khẩu, phân phối và Tuyền cho biết giá 7 tỷ đồng.
Sau đó, Chiến và Nhất đến gặp Nguyễn Nhật Cảm để giới thiệu, tư vấn về Hệ thống Realtime PCR của hãng Vela, với giá dự trù là 6,5 tỷ đồng và Hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen với giá dự trù là 7 tỷ đồng.
Nguyễn Nhật Cảm quyết định lựa chọn mua Hệ thống Realtime PCR của hãng Vela. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội không duyệt mua của hãng Vela vì hệ thống không đồng bộ, yêu cầu CDC Hà Nội mua Hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen. Chiến đề nghị Tuyền để Chiến đứng ra bán, nhưng Tuyền không đồng ý và muốn trực tiếp bán cho CDC Hà Nội.
Hai bị can Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền.
Cũng trong ngày 5-2, Nguyễn Thanh Tuyền đã liên hệ với Nguyễn Nhật Cảm và cho biết Hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen đã có sẵn hàng; Cảm đã yêu cầu Tuyền gửi báo giá cho Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC. Tuyền yêu cầu Trần Quốc Đạt, Nhân viên Công ty Phương Đông làm 3 báo giá gửi cho Quỳnh. Trong đó, 1 báo giá Hệ thống Realtime PCR tự động 7 tỷ đồng có chữ ký của Giám đốc, đồng thời chỉnh sửa lại thành 2 bản báo giá khác của Công ty Ý Tưởng Việt và Công ty Thành Công với mức giá lần lượt là 7,15 và 7,25 tỷ đồng chuyển cho Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Sáng 6-2-2020, Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền gặp nhau tại quán cà phê, thống nhất giao cho Nhất đứng ra thực hiện các thủ tục mua Hệ thống Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông với mức giá khoảng 4 tỷ đồng để bán cho CDC Hà Nội; Tuyền sẽ về xin Công ty mức giá tốt nhất (giảm giá so với mức giá 4 tỷ đồng) và báo lại giá sau; Nhất sẽ nhờ Nguyễn Văn Chiến hỗ trợ về mặt kỹ thuật lắp đặt.
Chi cho Nguyễn Nhật Cảm 10% giá trị sản phẩm để trúng thầu
Để trúng thầu, Nhất sẽ chi cho Nguyễn Nhật Cảm khoảng 10% giá trị sản phẩm; số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ đi toàn bộ chi phí thực hiện (phí mượn pháp nhân nhà thầu, chi phí mua vật tư, nhân công vận hành, đào tạo công việc chạy thử ứng dụng, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp...). Nhất và Tuyền sẽ chia đôi mỗi người 50%; Nhất chịu trách nhiệm thoả thuận và đưa khoản chi phí 10% nêu trên cho Cảm.
Bị can Đào Thế Vinh.
Ngày 6-2, Nhất nhắn tin hẹn gặp Nguyễn Nhật Cảm và khoảng 16h cùng ngày, Nhất cùng Tuyền đến gặp Cảm tại phòng làm việc để trao đổi về kỹ thuật, chuyên môn của sản phẩm và cam kết có thể giao hàng trong 1-2 tuần. Nguyễn Nhật Cảm đàm phán xin giảm giá và yêu cầu 3 năm bảo hành nhưng Tuyền cương quyết giữ giá 7 tỷ đồng. Đồng thời, Tuyền trao đổi với Cảm về việc Công ty Phương Đông sẽ không tham gia thẩu trực tiếp vì công ty có nhiều đơn hàng, không đủ nhân viên để thực hiện và sẽ giao cho Nhất thực hiện.
Cảm đồng ý đề nghị Nhất đưa nhà thầu đủ năng lực về kỹ thuật và nhân sự để thực hiện gói thầu với giá bán không thay đổi là 7 tỷ đồng, 3 năm bảo hành. Sau đó, Nhất trao đổi riêng với Cảm nội dung: sau khi việc mua bán hoàn tất sẽ chi cho Cảm 15% (trước VAT) giá trị của Hệ thống máy. Sau đó, Nguyễn Ngọc Nhất đã gặp và bàn bạc với Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty MST việc tham gia bán Hệ thống Realtime PCR và Máy tách chiết do Công ty Phương Đông nhập khẩu cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng. Thực hiện việc trên, Vinh sẽ được hưởng chi phí 1,5% giá trị hợp đồng.
Ngày 20-2-2020, Đào Thế Vinh, Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Văn Chiến và Trần Quốc Đạt tham dự cuộc họp của Hội đồng chuyên gia về thông số kỹ thuật sản phẩm các gói thầu của CDC Hà Nội do Nguyễn Nhật Cảm chủ trì. Hội đồng lần lượt thông qua từng mục hàng hóa mua sắm của CDC Hà Nội. Đến 3 sản phẩm là tủ lạnh - 86°C, tủ lạnh - 20° đến - 30°C, tủ mát 2 đến 14°C được Công ty BCE báo giá nhưng không đáp ứng được thời gian giao hàng trong 14 ngày, Đào Thế Vinh đã đứng ra đề xuất được cung cấp sản phẩm theo yêu cầu và được chấp nhận.
Bị can Nguyễn Vũ Hà Thanh.
Sau đó, Vinh thống nhất với Nhất gộp Hệ thống Realtime PCR tự động, tách chiết DNA/RNA tự động và 3 tủ lạnh để cung cấp cho CDC Hà Nội theo gói thầu số 15. Khi nộp hồ sơ dự thầu, Vinh ký 2 Báo giá đề ngày 17-2, trong đó báo giá Hệ thống Realtime PCR tự động là 7 tỷ đồng, Máy tách chiết DNA/RNA tự động là 1,2 tỷ đồng; báo giá 3 tủ lạnh là 1,34 đồng, bằng giá dự toán của CDC Hà Nội.
"Vẽ" ra việc mua bán lòng vòng để giảm biên độ chênh lệch giá
Để giảm biên độ chênh lệch về giá mua vào, bán ra trước khi bán sản phẩm cho CDC Hà Nội, Đào Thế Vinh sử dụng pháp nhân Công ty Hưng Long (Công ty do vợ Vinh đứng tên) mua Hệ thống Realtime PCR tự động và Máy tách chiết DNA/RNA tự động của Công ty Phương Đông với giá hơn 4,1 tỷ đồng, bán cho Công ty KD với giá hơn 5,2 tỷ đồng rồi sử dụng pháp nhân Công ty MST của Vinh mua lại với giá hơn 7,8 tỷ đồng để bán cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng (đúng như thỏa thuận từ trước).
Thực chất chỉ có việc Vinh mua Hệ thống Realtime PCR tự động và Máy tách chiết DNA/RNA tự động của Công ty Phương Đông với giá hơn 4,1 tỷ đồng để bán cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng, không có việc mua bán sản phẩm giữa Công ty Hưng Long, Công ty KĐ và Công ty MST.
Bị can Nguyễn Thị Kim Dung.
Khoảng đầu tháng 3-2020, sau khi Nhất cùng bộ phận Văn phòng Công ty MST hoàn tất hồ sơ dự thầu để Công ty MST ký Hợp đồng với CDC Hà Nội, Nguyễn Văn Chiến cùng một số nhân viên kỹ thuật của Công ty Phương Đông và Công ty MST tiến hành bàn giao, lắp đặt, vận hành và hướng dẫn sử dụng nghiệm thu thiết bị cho CDC Hà Nội.
Quá trình mua Hệ thống Realtime PCR tự động, Máy tách chiết DNA/RNA tự động theo gói thầu số 15, Nguyễn Nhật Cảm đã chỉ đạo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu, với giá 9,54 tỷ đồng như thỏa thuận từ trước.
Thẩm định giá không đúng quy định, ghi lùi ngày
Ngày 21-2, CDC Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với Công ty Nhân Thành do Nguyễn Trần Duy (SN 1980) làm Tổng Giám đốc để yêu cầu thẩm định giá 4 gói thầu, trong đó có gói thầu số 15 và ngày 24-2, Công ty Nhân Thành ban hành Chứng thư thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá đưa ra đúng bằng giá do CDC Hà Nội đưa ra, trong đó xác định giá trị gói thầu số 15 là 9,54 tỷ đồng, bằng với báo giá của Công ty MST.
Bị can Nguyễn Trần Duy.
Thực tế, Công ty Nhân Thành nhận được yêu cầu thẩm định giá ngày 25-2 và phát hành Chứng thư thẩm định giá cho CDC Hà Nội vào ngày 27-2 song đã ghi lùi vào ngày 24-2-2020. Việc ban hành Chứng thư thẩm định giá không đúng quy định, không có giá trị pháp lý đã vi phạm các Thông tư của Bộ Tài chính về thẩm định giá, đồng thời khi CDC Hà Nội làm thủ tục thanh toán phí thẩm định cho Công ty Nhân Thành đã gây thiệt hại cho Nhà nước 44 triệu đồng.
Mặc dù chưa có Chứng thư thẩm định giá, xác định giá gói thầu nhưng ngày 24-2-2020, Nguyễn Nhật Cảm ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu gói thầu số 15 và thành lập Tổ thẩm định các gói thầu; cùng ngày, Tổ chuyên gia có Tờ Trình và Tổ Thẩm định có Báo cáo thẩm định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Nguyễn Nhật Cảm ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Chưa xác định giá gói thầu theo Chứng thư thẩm định giá nhưng ngày 25-2, Tổ chuyên gia lập hồ sơ yêu cầu có Tờ Trình và Tổ Thẩm định có Báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu gói thầu số 15. Cùng ngày, Nguyễn Nhật Cảm ký quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu gói thầu số 15 và ra Thông báo mời Công ty MST lập hồ sơ tham gia gói thầu...
Hành vi của Nguyễn Nhật Cảm và các đối tượng liên quan đã vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 89 Luật Đầu thầu năm 2013, khoản 1 Điều 55 Nghị định 63 ngày 26-6-2014 của Chính phủ; khoản 1 Điều 13 Luật kế toán năm 2015, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu hồi được toàn bộ số tiền trên.
Kết luận điều tra xác định ông Nguyễn Nhật Cảm có nhiều sai phạm trong chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]