Máy tính bảng khiến học sinh mất nhiều kỹ năng xã hội
Công trình nghiên cứu cho thấy việc lệ thuộc và thiết bị điện tử khiến học sinh kém nhạy cảm hơn trong giao tiếp xã hội.
Ngày 25/8, tờ Science World Report của Mỹ cho hay các nhà nghiên cứu ở Đại học California, Los Angeles đã phát hiện ra rằng các học sinh ít sử dụng các thiết bị công nghệ số như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi có khả năng đọc cảm xúc của con người tốt hơn rất nhiều so với bạn bè có thói quen này.
Ông Patricia Greenfield, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học California cho biết: “Hiện có rất nhiều người đang quan tâm đến lợi ích của các thiết bị công nghệ số trong giáo dục mà quên đi cái giá phải trả của nó”.
Ngày càng có nhiều học sinh trở nên lệ thuộc vào các thiết bị điện tử (Ảnh minh họa)
Ông giải thích: “Một trong những cái giá phải trả đó là độ nhạy cảm đối với các tín hiệu cảm xúc, hay khả năng hiểu được cảm xúc của người khác ở học sinh. Việc thay thế giao tiếp xã hội bằng giao tiếp trên màn hình khiến cho các em mất đi các kỹ năng xã hội cần thiết”.
Kết luận này được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi đánh giá hai nhóm học sinh lớp 6 ở trường trung học Nam California. Trong chương trình nghiên cứu, họ mời 51 em học sinh tới sống cùng nhau suốt 5 ngày tại Viện Pali, một khu vực nghiên cứu khoa học gần gũi với tự nhiên của trường đại học. Sau đó, họ mời tiếp 54 em khác cũng tới sống 5 ngày ở viện này.
Trước khi thực hiện chương trình nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá khả năng đọc cảm xúc của các em bằng cách cho các em xem nhiều bức ảnh với các khuôn mặt vui, buồn, giận dữ, sợ hãi khác nhau.
Tại Viện Pali, các học sinh không được phép sử dụng bất cứ thiết bị điện tử nào. Trong hai ngày đầu tiên, các em cảm thấy rất khó thích nghi với chính sách nghiêm ngặt này.
Thay vào việc cắm đầu vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, các em được yêu cầu xem những đoạn video các diễn viên đang tương tác với nhau để mô tả cảm xúc của từng nhân vật.
Việc không dùng thiết bị điện tử sẽ giúp các em cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội (Ảnh minh họa)
Trong những đoạn video này có cảnh một học sinh tự tin và hào hứng nộp bài kiểm tra cho giáo viên, trong khi một bạn khác thì lại tỏ vẻ lo lắng. Trong một đoạn video khác, một học sinh tỏ ra buồn bã khi bị các bạn cho ra rìa trong các cuộc trò chuyện.
Sau 5 ngày ở Viện Pali và thực hiện các bài trắc nghiệm trên, các học sinh này đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong khả năng đọc cảm xúc của người khác. Các em giờ đây đã có thể nhận biết được nét mặt và các tín hiệu không lời của người đối diện nhanh nhạy và chính xác hơn rất nhiều so với các bạn vẫn thường xuyên sử dụng máy tính bảng, điện thoại.
Nhà nghiên cứu Yalda Uhls, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Truyền thông Số Trẻ em thuộc Đại học California nhận xét: “Các em không thể học được những tín hiệu cảm xúc không lời trên màn hình thiết bị số giống như ngoài đời thực. Nếu các em không luyện tập các giao tiếp mặt đối mặt mỗi ngày, các em có thể mất đi những kỹ năng xã hội vô cùng quan trọng”.
Chương trình nghiên cứu này sẽ được xuất bản trên tạp chí Computers in Human Behavior vào tháng 10 tới đây.