Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”?

Góc quan tài là độ cao mà vận tốc tối thiểu của máy bay chạm ngưỡng vận tốc tối đa, khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi.

Vụ chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích bí ẩn trên vùng biển Java của Indonesia có nhiều điểm tương đồng với thảm họa hàng không khi máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France gặp nạn ở Brazil năm 2009.

Theo các chuyên gia hàng không, những sai sót của phi công được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa trong vụ tai nạn của Air France 447, và chiếc QZ8501 cũng trải qua một chuỗi sự kiện giống hệt như máy bay của Air France trước khi chiếc máy bay này đâm xuống Đại Tây Dương.

Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”? - 1

Mảnh vỡ của chiếc Air France 447 được tìm thấy trên Đại Tây Dương

Toàn bộ 228 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn của Air France 447, tất cả đều là hậu quả của việc máy bay rơi vào những cơn bão nhiệt đới trong quá trình bay.

Trong vụ tai nạn ở AirFrance 447, sau khi gặp sự cố trong điều kiện mưa bão, chiếc máy bay của hãng Air France vọt lên độ cao bất thường, giống như chiếc QZ8501 tăng độ cao trước khi mất tích, khi phi công quyết định tăng độ cao từ 9.700 mét lên 11.500 mét.

Theo thông tin từ hãng AirAsia, chiếc máy bay mất tích của họ đã tìm cách thay đổi hành trình bay để tránh một vùng thời tiết xấu mà họ quan sát được.

Phi công của chiếc QZ8501 đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu, đề nghị tăng độ cao của máy bay và rẽ trái để tránh một vùng thời tiết phức tạp. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay bất ngờ biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Jakarta.

Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”? - 2

Vị trí chiếc máy bay QZ8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu

Quyết định tăng độ cao của phi công đã khiến những chuyên gia có kinh nghiệm thắc mắc, bởi nó có thể khiến máy bay bay qua những cơn bão hình thành ở độ cao 12.000 mét vốn cực kỳ nguy hiểm.

Những dữ liệu ban đầu cho thấy sau khi tăng độ cao, chiếc Airbus A320 này đã giảm vận tốc xuống mức thấp đến nỗi gần như đứng yên, và điều này khiến các chuyên gia hàng không nghi ngờ rằng hệ thống máy tính trên máy bay đã hiển thị tốc độ sai do hiện tượng đóng băng các cảm biến vận tốc bên ngoài máy bay.

Dù tối tân đến đâu, không chiếc máy bay nào có thể bay qua những đám mây bão cực lớn bên trong tâm của những cơn bão. Những luồng gió thẳng đứng tại khu vực này có thể gây ra sức hủy diệt đối với cả những chiếc máy bay lớn nhất.

Các radar thời tiết hiện đại ngày nay có thể giúp phi công bay vòng qua các cơn bão để giúp họ thoát nạn trong gang tấc. Tuy nhiên nhiều phi công đã phàn nàn rằng sức ép về kinh tế và nhiên liệu từ các hãng hàng không giá rẻ đã buộc họ phải cắt giảm tính năng hiện đại này.

AirAsia là một hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng ở khu vực, và không loại trừ khả năng hệ thống radar thời tiết trên máy bay đã không giúp được phi công trong việc bay vòng tránh các cơn bão đang hình thành trên biển.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc quyết định tăng độ cao lên gần mức trần cho phép của máy bay cũng có thể gây ra nguy cơ máy bay bị “khựng” và rơi xuống bởi một hiện tượng đặc biệt gọi là “góc quan tài”.

Theo thuật ngữ của ngành hàng không, khoảng độ cao khiến cho máy bay dễ có nguy cơ bị mất tốc độ và rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được này gọi là “góc quan tài” (coffin corner), và mỗi loại máy bay lại có một loại “góc quan tài” riêng.

Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”? - 3

Hình ảnh minh họa về "góc quan tài" của máy bay

Một phi công của Vietnam Airlines từng giải thích: “Ở mỗi độ cao, máy bay luôn phải giữ vận tốc trong khoảng từ tốc độ tối thiểu đến tốc độ tối đa. Khi càng lên cao, biên độ giữa tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa càng bị thu hẹp, và khi hai mốc này bằng nhau, máy bay sẽ không thể kiểm soát được. Lúc đó, phi công phải hạ độ cao để có thể kiểm soát lại được máy bay”.

Vụ tai nạn máy bay của hãng Air France 447 đã làm thay đổi quy trình huấn luyện phi công trên thế giới, trong đó các hãng hàng không nhấn mạnh vào việc nhận ra những hạn chế của hệ thống máy tính kiểm soát phần lớn thời gian bay của máy bay và quay trở lại với khả năng tự xoay xở của phi công trong các tình huống khẩn cấp.

Chuyên gia hàng không Charles Bremner của Úc cho rằng nếu phi công vẫn quá phụ thuộc vào công nghệ và hệ thống máy tính trên máy bay, việc các cảm biến tốc độ bị đóng băng và việc tăng độ cao lên “góc quan tài” có thể khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát và rơi nhanh chóng.

Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Indonesia đang dốc toàn lực để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, nhưng điều kiện địa hình và khí hậu phức tạp đang cản trở đáng kể nỗ lực của họ. Gần 2 ngày sau khi QZ8501 mất tích, hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về số phận của các hành khách và phi hành đoàn trên máy bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Máy bay AirAsia của Malaysia gặp nạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN