Máy bay móp đầu, nứt kính có thể do mưa đá
Máy bay Vietnam Airlines bị nứt kính buồng lái, móp đầu có thể do gặp mưa đá và nhiễu động mạnh, theo báo cáo của Vietnam Airlines.
Sáng 21/5, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo báo cáo ban đầu của Vietnam Airlines, chiều 19/5, máy bay A321 trên hành trình từ Nội Bài đi Cần Thơ, khi đến độ cao trên 3.000 m và tiếp tục lên 5.000 m thì gặp nhiễu động mạnh, mưa đá gây nứt kính buồng lái phía ghế cơ phó. Phát hiện sự cố, phi công đã giảm tốc độ, đưa máy bay quay về sân bay Nội Bài an toàn.
Qua kiểm tra, máy bay bị lõm phần mũi với đường kính khoảng 40 cm, rạn nứt kính lái phía trước ghế cơ phó. Hiện nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vẫn đang chờ nhà chức trách hàng không xác minh.
Hành trình chuyến bay VN1207 trên trang Flightradar24.
Theo một chuyên gia hàng không, ở độ cao 3.000-5.000 m, kích thước hạt mưa đá sẽ lớn hơn khi rơi xuống mặt đất. Xung đột giữa hạt đá, kết hợp với tốc độ cao của máy bay có thể gây ra vết lõm trên thân, mũi máy bay. Tình huống máy bay va chạm với chim trời hay gặp mưa đá không phải hiếm gặp trong hàng không.
Cũng trong tối 19/5, một máy bay từ Vinh đến sân bay Tân Sơn Nhất bị rạn kính buồng lái phía trước ghế ngồi của cơ trưởng và có vết máu dính trên kính nên được xác định là va phải chim trời.
Một tuần qua, do tác động của không khí lạnh từ Trung Quốc tràn xuống kết hợp hội tụ gió trên độ cao 1.500-3.000 m, miền Bắc và miền Trung xuất hiện mưa giông, sấm sét. Tại Thanh Hóa, sét làm hai phụ nữ tử vong khi đi trên đường lúc trời mưa giông. Tại Quảng Bình, sét đánh chết 8 con bò.
Năm 2022 từng xảy ra nhiều vụ máy bay va chạm với chim. Thợ máy tìm thấy vết máu chim tại vành, cánh quạt động cơ số 2 và chóp radar ở mũi máy bay A321 trên hành trình từ Tuy Hòa đến Tân Sơn Nhất. Chiếc A321 bay từ Phú Quốc về Tân Sơn Nhất bị móp viền phía trước cánh trái tàu bay, xung quanh dính máu chim. Phương tiện phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra.
Nguồn: [Link nguồn]
Máy bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Cần Thơ, khi đến tỉnh Nam Định phải quay trở lại do va đập vật thể lạ gây móp phần mũi.