Máy bay mất tích: Lỗ hổng an ninh từ hộ chiếu giả
Việc 2 hành khách lên được máy bay bằng hộ chiếu giả thể hiện lỗ hổng an ninh nghiêm trọng ở sân bay.
Ngày 9/3, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo họ đã bắt tay vào điều tra vụ máy bay Beoing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích trên Biển Đông sau khi có những nghi ngại về nguy cơ khủng bố đã xảy ra trên chiếc máy bay này.
Tờ Los Angeles Times cho biết FBI đã điều các đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật đến Malaysia để hỗ trợ điều tra nguyên nhân tại sao chiếc máy bay này lại biến mất một cách đột ngột như vậy trên màn hình radar mà không có bất cứ tín hiệu cấp cứu nào.
FBI cho biết họ quyết định tham gia điều tra vì trên chiếc máy bay này có 3 hành khách là công dân Mỹ, trong đó có 1 trẻ em.
Máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines
Một quan chức FBI giấu tên cho biết: “Họ đã cho phép chúng tôi tham gia điều tra vụ này. Tuy nhiên đến nay những gì đã xảy ra với chiếc máy bay đó vẫn còn là một bí ẩn.”
Các nhân viên điều tra của FBI cho hay họ đang xem xét khả năng đã xảy ra tấn công khủng bố trên chiếc máy bay này, xuất phát từ thông tin có 2 hành khách trên máy bay đã sử dụng hộ chiếu giả ăn cắp của một công dân Ý và một công dân Áo.
Tuy nhiên quan chức FBI trên nhấn mạnh: “Hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào chứng tỏ đây là một vụ khủng bố, những cuốn hộ chiếu ăn cắp này chưa phải là bằng chứng của hành động tấn công khủng bố.”
FBI cho biết các nhân viên của họ sẽ hỗ trợ nhà chức trách Malaysia xem xét lại toàn bộ băng ghi hình hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Kuala Lumpur.
Sau khi xem băng hình và lọc ra những hình ảnh đáng ngờ, họ sẽ sử dụng các công nghệ chống khủng bố hiện đại của mình để so sánh các hình ảnh đó với những nghi phạm Al Qaeda và các tổ chức khủng bố khác.
Tuy nhiên quan chức trên nói rõ rằng hiện vẫn chưa có nguồn tin tình báo nào về việc các tổ chức khủng bố trên thế giới có liên quan đến vụ tai nạn này, và vẫn chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm đối với số phận của chiếc máy bay xấu số.
Trong khi đó, một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng nếu đúng là có 2 kẻ khủng bố sử dụng hộ chiếu giả lên máy bay rồi đánh bom hoặc cướp máy bay lao xuống biển thì đây sẽ là vụ đầu tiên như vậy trong lịch sử, bởi “chúng tôi chưa từng thấy vụ nào như vậy”.
Quan chức này lưu ý rằng các biện pháp an ninh ở sân bay Malaysia không quá chặt chẽ như ở Mỹ, nơi hộ chiếu và các loại giấy tờ thông hành khác đều được quét qua hệ thống cơ sở dữ liệu máy tính để có thể ngay lập tức phát hiện ra các hộ chiếu giả mạo.
Có 2 người bí ẩn đã dùng hộ chiếu giả để lên máy bay
Ông này tỏ ra thận trọng: “Hiện chúng tôi chưa khẳng định được 2 cuốn hộ chiếu giả đó có ý nghĩa như thế nào, tuy nhiên điều dễ nhận thấy là chúng đã chỉ ra một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng.”
Mặc dù vậy, ông này cũng nhắc lại rằng những người sử dụng hộ chiếu ăn cắp không nhất thiết là những kẻ khủng bố. Ông nói: “Họ có thể chỉ là những tên ăn cắp không hơn không kém. Hoặc đơn giản có thể họ đã mua chúng trên thị trường chợ đen.”
Trước đó, hãng hàng không Malaysia Airlines đã đưa tên công dân Ý Luigi Maraldi, 37 tuổi và công dân Áo Christian Kozel, 30 tuổi vào danh sách hành khách đi trên chuyến bay MH370.
Tuy nhiên sau đó cả hai người này đều xác nhận là mình đang ở Thái Lan và Áo, đồng thời cung cấp thông tin cho biết hộ chiếu của mình đều bị mất cắp tại Thái Lan.
Một quan chức hành pháp khác của Mỹ cho biết cơ quan Cảnh sát Quốc tế Interpol thường xuyên theo dõi, đăng ký các hộ chiếu bị mất cắp và cung cấp cho các hãng hàng không lớn trên thế giới để họ có thể kiểm tra nhanh chóng trước khi hành khách lên máy bay.
Quan chức này nói: “Thật bất thường khi một hành khách có thể lên máy bay của một hãng lớn như Malaysia Airlines bằng hộ chiếu ăn cắp.”
Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ cũng có thể sẽ cử một đội điều tra tới Malaysia để tìm hiểu sự việc vì chiếc máy bay hơn 11 năm tuổi này được chế tạo tại Mỹ.