Máy bay "cán đinh" tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất: "Đinh" ở đâu ra?

Sự kiện: Tin ngắn

Trong một tuần trở lại đây đã phát hiện 3 vụ máy bay bị các loại ốc vít, đinh mũ găm vào lốp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, 1 vụ máy bay từ Hà Nội sau khi hạ cánh tại Đà Nẵng đã phát hiện cánh quạt động cơ bị mẻ.

Liên quan đến việc máy bay "cán phải đinh" vừa được phát hiện tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong những ngày qua, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong quá trình khai thác bay vẫn thỉnh thoảng xảy ra những sự cố vật ngoại lai (Foreign Object Debris - gọi tắt là FOD) cắm vào lốp máy bay như vậy.

Ảnh minh họa: Dương Ngọc

Ảnh minh họa: Dương Ngọc

Cũng theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, tổng hợp từ báo cáo của các đơn vị thì tần suất phát hiện các FOD không có gì bất thường trong thời gian gần đây.

"Chúng tôi gọi chung đây là vật ngoại lai, thường là ốc vít, các mảnh vỡ cứng... xuất hiện trên đường băng, đường lăn, chứ không phải thực sự là đinh. Công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được Cục chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định"- vị lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.

Các vật ngoại lai trên đường băng (đường cất hạ cánh và đường lăn của máy bay) có thế bao gồm: Dụng cụ, bộ phận và phần cứng rời, vật liệu xây dựng, giấy, kẹp giấy, bút, đồng xu và phù hiệu, các mảnh vỡ vỉa hè, thùng rác, hộp đựng thực phẩm và đồ đựng đồ uống, cây cối, cát và thảm thực vật rời, thẻ hành lý và miếng hành lý, mũ, khăn choàng và găng tay, chim, động vật hoang dã, tro núi lửa...

Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, tốc độ của máy bay ngày càng tăng và tiếng ồn của động cơ ngày càng nhỏ đã làm tăng rủi ro khi gặp chướng ngại vật hoặc động vật trên đường băng sân bay và trong không phận sân bay. FOD có thể gây nguy hại đến sân bay hoặc máy bay. Các thiệt hại tiềm năng mà những vật lạ gây ra bao gồm: Cắt lốp máy bay, gây hỏng động cơ máy bay, kẹt trong máy, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay...

Tuy nhiên, với dòng máy bay kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng đảm bảo máy bay hạ cánh an toàn. Còn với động cơ, nếu tắt 1 động cơ máy bay vẫn hạ cánh an toàn, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc ít khi xảy ra.

Trung tâm Khai thác Khu bay Nội Bài được trang bị các phương tiện quét hút FOD; mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút thì còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được. Ảnh: Phan Công

Trung tâm Khai thác Khu bay Nội Bài được trang bị các phương tiện quét hút FOD; mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút thì còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được. Ảnh: Phan Công

Cục Hàng không đã từng có các chỉ đạo đối với công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.

Theo đó, khi thi công các công trình trong khu bay tại các sân bay, cần tăng cường công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.

Các sân bay thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, vệ sinh sân đường khu bay, ghi chép các nội dung kiểm tra vào sổ nhật ký kiểm tra hàng ngày.

Yêu cầu tuyệt đối tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn khai thác sân bay. Trong đó đặc biệt chú trọng đến: Đăng ký các công cụ, dụng cụ làm việc trong khu bay theo quy định, kiểm tra lại các công cụ, dụng cụ trước khi ra khỏi khu vực làm việc nhằm tránh tình trạng bỏ quên, mất. Nghiêm cấm vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Thu nhặt các vật ngoại lai phát hiện trong quá trình làm việc trong khu bay bỏ vào nơi quy định.

Cuối năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc nghiên cứu và triển khai thiết bị radar giám sát an ninh, an toàn sân bay và hệ thống phát hiện FOD.

Theo đó, ACV có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để triển khai hệ thống phát hiện FOD và radar giám sát an ninh mặt đất nhằm tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các sân bay, đặc biệt là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Hiện đại hóa trang thiết bị kiểm soát FOD; trong đó chú trọng đối với hệ thống di động chạy tuần đường phát hiện FOD trên sân đỗ, đường lăn, nơi xuất hiện đến 95% số lượng FOD đã được thống kê ở các sân bay tại Việt Nam.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết công tác kiểm soát FOD tại Cảng được tiến hành thường xuyên.

Phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay phải được kiểm tra, bảo đảm các đồ vật, dụng cụ mang theo không được rơi, văng ra ngoài; phải có ký hiệu nhận diện của đơn vị quản lý, sử dụng.

Hằng ngày, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài tổ chức kiểm tra, thu gom FOD, vệ sinh sân đường khu bay thường xuyên, định kỳ và bất thường khi có sự vụ.

Trung tâm Khai thác Khu bay Nội Bài được trang bị các phương tiện quét hút FOD; mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút thì còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được.

"Việc thu gom diễn ra gần như 24/7 theo các khung giờ nhất định trong tất cả các vị trí đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh… và khi có vụ việc bất thường nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn bay"- đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định.

Trong các vụ việc phát hiện máy bay bị đinh vít găm vào lốp vừa qua, Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài đã cùng các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống đường băng, đường lăn, sân đỗ theo lộ trình di chuyển của máy bay nhưng không phát hiện vật thể lạ.

Hãng hàng không nói gì?

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy bay "cán phải đinh" như vừa qua, đại diện một hãng hàng không cũng nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu là do vật ngoại lai (FOD- Foreigner Object Debris) như mảnh kim loại, sỏi, đá dăm... cắt vào lốp máy bay khi di chuyển. Nguồn gốc phát sinh vật ngoại lai có thể từ trang thiết bị hoạt động trên khu bay của các hãng hàng không, dụng cụ sản xuất, công trình thi công nâng cấp, cải tạo gần khu bay…

"Dù vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng vẫn ảnh hưởng đến an toàn khai thác của hãng hàng không, gây thiệt hại về kinh tế do các hãng phải sửa chữa, thay lại phụ tùng máy bay. Ngoài ra, khi phát hiện vấn đề ở lốp, các hãng phải sửa chữa, thay thế, ảnh hưởng lịch khai thác của các chuyến bay" – đại diện hãng hàng không này nói.

Một hãng hàng không khác cho biết các cảng hàng không đều xây dựng chương trình kiểm soát vật ngoại lai; kiểm tra định kỳ đường cất hạ cánh bảo đảm an toàn cho khai thác.

"Chúng tôi cũng đã xây dựng chương trình thống kê theo dõi FOD và báo cho các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất biết để tăng tần suất kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường. Như 6 tháng đầu năm hãng có 1 chuyến bị vật ngoại lai gây ảnh hưởng làm lốp chính số 3 bị cắt quá giới hạn. Nhân viên kỹ thuật đã tiến hành thay lốp như thường lệ, máy bay trở lại khai thác bình thường" – đại diện hãng hàng không này kể.

Được biết, nguyên tắc khi phát hiện vết cắt, hãng sẽ phải báo cáo Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không để cho kiểm tra tại sân bay xuất phát và sân bay đến, tìm theo đường lăn của máy bay. Đồng thời, các hãng cũng báo cáo sự việc cho cảng vụ, Cục Hàng không Việt Nam theo dõi.

Có điều, thường không tìm được vật ngoại lai và các hãng chỉ phát hiện sau khi xảy ra sự cố. Và một hãng hàng không nhận định tỉ lệ máy bay "cán phải đinh" là một sự cố rất nhỏ trong mấy triệu lượt máy bay cất hạ cánh và thường các hãng trong quy trình kiểm tra kỹ lưỡng sau mỗi lần cất, hạ cánh thường xử lý, thay thế luôn nên không ảnh hưởng lớn đến an toàn bay.

Máy bay cất cánh khi chưa có lệnh, cả kíp trực không lưu bị đình chỉ

Dù chưa có lệnh vì một máy bay khác đang lăn qua cắt mặt, nhưng tổ bay vẫn cho máy bay chạy đà cất cánh. Sự cố xảy ra tại sân bay Nội Bài - Hà Nội mới đây. Hiện kíp trực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN