Máy bay A320 rơi: Phi công chấm dứt liên lạc đầy bí ẩn
Trong những phút cuối cùng, kiểm lưu đã cố gắng liên lạc nhiều lần, nhưng phi công không hề trả lời.
Video tái hiện hành trình định mệnh của chiếc máy bay xấu số:
Ngày 24/3, những câu hỏi liên quan đến nguyên nhân khiến chiếc máy bay Airbus A320 chở theo 150 người của hãng hàng không Germanwings vẫn tiếp tục ám ảnh các điều tra viên, trong bối cảnh hộp đen máy bay đã được tìm thấy và đang được gửi đến Paris để phân tích.
Điều khiến các điều tra viên cảm thấy khó hiểu nhất là điều gì đã khiến phi công trong buồng lái không hề phát đi tín hiệu cấp cứu khi chiếc máy bay mất độ cao một cách đột ngột trong vòng 8 phút, nhất là khi viên phi công đó là một người đã có 10 năm kinh nghiệm và đã lái máy bay A320 được hơn 6.000 giờ.
Theo các quan chức hàng không Pháp, trước khi máy bay gặp nạn, tín hiệu liên lạc giữa phi công và đài kiểm soát không lưu đã bị gián đoạn một cách bí ẩn trong suốt 8 phút kể từ lần liên lạc cuối cùng, trong khi chiếc máy bay lao “gần như thẳng đứng” xuống khu vực hẻo lánh thuộc dãy núi Alps ở Pháp.
Quan chức công đoàn Pháp Roger Rousseau cho biết: “Trong thời gian này, đài kiểm lưu đã nhiều lần nỗ lực tìm cách liên lạc với phi công, nhưng đều không được trả lời. Chiếc máy bay không hề phát tín hiệu cầu cứu. Không một cuộc gọi cấp cứu, cũng không có tín hiệu phát đi từ bộ phát đáp – không gì cả”.
Trong khi việc phi công cố tình tìm cách bưng bít thông tin về những gì đang diễn ra trên máy bay là gần như không thể, việc không hề có tín hiệu liên lạc giữa buồng lái với kiểm lưu trong 8 phút định mệnh đó là một bí ẩn rất lớn và làm phức tạp thêm cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Một số người đã đặt câu hỏi liệu có phải công nghệ hiện đại trên máy bay là nguyên nhân khiến cả cơ trưởng và cơ phó đều bị xao nhãng và không để ý đến việc máy bay đang lao xuống. Chuyên gia phân tích an toàn hàng không David Soucie của CNN nhấn mạnh rằng điều này đã từng xảy ra với một chiếc Lockheed 1-1011 ở bang Texas, Mỹ.
Trong vụ tai nạn ở Texas, cả 3 thành viên phi hành đoàn trong buồng lái lúc đó đều bị xao nhãng bởi một chiếc đèn cảnh báo lỗi ở thiết bị hạ cánh mà không nhận ra rằng chức năng lái tự động của máy bay đã bị tắt, khiến họ không hề ý thức được việc máy bay đang bất ngờ hạ độ cao. Đến lúc họ nhận ra sơ suất này thì đã quá muộn.
Chuyên gia Soucie nói rằng tình huống này mặc dù rất hiếm gặp nhưng không phải là không thể xảy ra với chiếc A320 gặp nạn. Các kiểm soát viên không lưu cho hay phi công trên máy bay không hề phát đi tín hiệu cấp cứu. Ông Rousseau cho biết: “Chiếc máy bay cứ thế lao xuống theo quỹ đạo, khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, vì nếu máy bay mất kiểm soát, phi công không thể giữ cho nó bay đúng quỹ đạo như vậy”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider hôm qua, một phi công của Anh cho rằng những yếu tố gây xao nhãng khi máy bay đang ở chế độ tự lái là một vấn đề rất nghiêm trọng, mặc dù chế độ tự lái có rất nhiều tiện ích.
Theo viên phi công này, người cầm lái chiếc máy bay có rất nhiều việc phải làm, chứ không chỉ đơn giản là “lái máy bay”. Thông thường, phi công phải chịu trách nhiệm về định hướng cho máy bay, về hoạt động của nó, về sự vận hành an toàn của các hệ thống cũng như duy trì liên lạc với kiểm lưu qua radio.
Công nghệ tự động đã thực hiện rất nhiều công việc khó khăn cho phi công, thậm chí còn làm tốt hơn và chính xác hơn những gì con người có thể làm, nhưng nó cũng gây ra những thay đổi lớn trong cung cách làm việc của phi công.
Theo viên phi công người Anh, công nghệ hiện đại đã biến cơ trưởng ngày nay thành một “người quản lý hệ thống” hơn là một phi công, và điều đó thể hiện rõ nhất khi mọi thứ trên máy bay đều theo đúng kế hoạch. Thế nhưng phi công chỉ có thể chứng tỏ được khả năng của mình khi xảy ra sự việc bất thường, và lúc này không có công nghệ nào có thể thay thế được kinh nghiệm và kỹ năng của họ.
Hôm thứ Ba, hãng Germanwing xác nhận rằng họ đã phải hủy một số chuyến bay vì các phi công “không muốn bay” sau khi nghe tin về vụ tai nạn, và hãng hàng không “thấu hiểu điều này”.
Các nhà phân tích đều nhất trí rằng trong cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, thứ quan trọng nhất hiện nay là thiết bị ghi âm buồng lái ghi lại những tiếng động cuối cùng trong buồng lái trước khi máy bay gặp nạn.
Chuyên gia hàng không Les Abend của CNN cho biết: “Thiết bị ghi âm buồng lái sẽ ghi lại mọi thứ mà phi công nói ra với nhau và với đài kiểm soát không lưu. Đó là những dữ liệu mà các điều tra viên rất quan tâm để có thể hiểu được điều gì đã diễn ra với chiếc máy bay”.