Mật thư viết trên cánh tay cô gái

Sự kiện: Thời sự

“Biết mang mật thư băng qua vùng địch thì mình có thể bị bắn chết nhưng để tiểu đoàn chủ lực an toàn thì mình có hy sinh cũng chẳng sá gì” - bà Võ Thị Thu Sang, người đưa mật thư trong xuân Mậu Thân 1968 nói.

Câu chuyện xảy ra vào chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, tại hang đá Ông Mọ, trong cánh rừng già xã Nghĩa Thọ nằm ở phía Tây huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nơi Bộ chỉ huy Tỉnh đội Quảng Ngãi đóng quân.

Nhiệm vụ đặc biệt

50 năm đi qua, cựu chiến binh Võ Thị Thu Sang giờ đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng nói đến cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, bà vẫn nhớ như in. Bà Sang kể: Năm đó bà 16 tuổi, làm lính thông tin chuyển công văn của tỉnh đội về các đơn vị chủ lực và các huyện đội hoặc chuyển thư tín của người đi tập kết từ miền Bắc gửi về cho người thân ở phía Tây các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn.

Lúc đó khoảng 14 giờ, cấp trên gọi bà Sang lên. Tỉnh đội trưởng Lương Văn Thử nghiêm giọng: “Cấp trên quyết định cử đồng chí chuyển mật thư hỏa tốc về cho các đơn vị chủ lực ở huyện Đông Sơn. Mật thư này tối quan trọng, nhất định phải chuyển đến các tiểu đoàn trước 17 giờ. Nếu chậm trễ phải tính bằng máu xương của anh em”.

Theo mệnh lệnh của cấp trên, bà Sang vội cải trang thành thường dân, chân mang dép xỏ ngón, đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, bên trong mặc thêm chiếc áo may ô rồi trở lại hầm chỉ huy nhận mật thư. Nhưng bà chẳng thấy phong thư tài liệu nào mà chỉ huy trưởng bảo bà cởi chiếc áo bà ba mặc ngoài, rồi ông kéo cánh tay chiếc áo may ô mà bà đang mặc ở trong lên. Sau đó ông viết mật thư lên cánh tay của bà.

Biết chuyến đi đầy khó khăn, Tỉnh đội trưởng Lương Văn Thử và chính trị viên Tỉnh đội Quảng Ngãi Nguyễn Chức tiễn bà Sang ra miệng hang, rồi dõi mắt nhìn theo cho đến khi bà khuất dạng.

Mật thư viết trên cánh tay cô gái - 1

Bà Võ Thị Thu Sang (bìa phải), người chuyển bức mật thư đặc biệt của Tỉnh đội Quảng Ngãi  xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: VQ

Chạy trối chết băng qua bom đạn

Từ hang đá Ông Mọ, bà Sang băng qua xã Nghĩa Thắng, vòng lên xã Nghĩa Lâm, băng dọc ven sông đến sông Trà Khúc. Dòng sông vào xuân, nước sông Trà trong xanh nhiều quãng khá sâu. Vượt qua được sông Trà, bà Sang thẳng hướng đến Xóm Gò, xã Tịnh Đông, băng qua vùng Tịnh Bắc, Tịnh Bình.

Bà cứ chạy, chạy mệt quá thì đi nhanh. Đi nhanh rồi lại chạy cho kịp giờ. Đến khu vực giáp ranh giữa xã Tịnh Thọ với xã Tịnh Phong, bà gặp nhiều người một đầu gánh con thơ, một đầu gánh gạo ngược đường lên. Có người còn lùa cả trâu bò đi. Thấy cô gái trẻ đi ngược đường chiến sự, nhiều người dừng lại can ngăn: “Dưới đó sắp nổ ra chiến sự, giặc đông nghịt, súng ống nhiều quá chừng. Cháu không được xuống!”. Bà Sang nghe rồi thút thít khóc: “Cháu có chồng ở trên Tịnh Đông, chỉ còn cha sống dưới này. Giờ nghe tin cha mất, dẫu có chết cháu cũng phải tìm về chứ để cha chết một mình sao đành”.

Khi đến ngang quốc lộ 1 thuộc địa bàn thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong, bà Sang nhìn thấy địch nằm mai phục khá nhiều. Bà chạy thật nhanh qua quốc lộ 1A nhằm hướng xã Bình Tân. Bất ngờ địch phát hiện được mục tiêu nên nhằm vào bà mà bắn. Đạn bay chíu chíu xung quanh người bà. Bà chỉ còn biết cắm đầu chạy thật nhanh và may mắn chạy thoát.

Ngất xỉu trong vòng tay đồng đội

Cuộc chạy trối chết của bà Sang trên suốt 25 km trong ba tiếng đồng hồ qua nhiều vùng địa hình khác nhau phải dừng lại ở khu vực Truông Giao, xã Bình Tân, khi bà nghe tiếng hô thật đanh: “Giơ tay lên!”. Bà Sang nhìn quanh, nhận ra bộ đội chủ lực của Tiểu đoàn 48, Tiểu đoàn 83, Tỉnh đội Quảng Ngãi đang trên đường hành quân tiếp cận quốc lộ 1. Bà hoàn hồn, biết chắc mình đã gặp quân ta. Bà vội đưa hai tay lên nhưng dõng dạc nói: “Tôi là Võ Thị Thu Sang, lính của Đại đội thông tin H18, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Các đồng chí nhất định không được tiến lên phía Thế Lợi vì trên đó địch phục kích sẵn rồi. Các đồng chí cho tôi gặp ngay chỉ huy”. Những người lính của Tiểu đoàn 48 lập tức báo cáo với chỉ huy Tiểu đoàn 48, Tiểu đoàn 83. Chỉ huy tiểu đoàn cử người đến nhận mật thư. Bà Sang vén cánh tay lên. Nhìn qua là các anh biết ngay mật lệnh nên nhiều người đã ôm choàng lấy người giao liên và bà ngất đi trong vòng tay của các nữ chiến sĩ tiểu đoàn.

“Mật lệnh năm đó đã giúp các tiểu đoàn 83, 48 không tiến lên phía Tịnh Phong, không rơi vào ổ phục kích của địch mà chuyển hướng hành quân về phía Nam rồi tiến đánh đồi 45 ngay bờ Bắc cầu Trà Khúc, mở đường cho quân ta đánh thẳng vào thị xã Quảng Ngãi” - Đại tá Huỳnh Minh Giữ, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Ngãi, năm 1968 là lính của Tiểu đoàn 48, giờ là chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét. Sau chuyến chuyển mật thư năm đó, bà Sang được cấp trên khen thưởng huân chương Chiến công hạng Ba.

Tình quê, tình người sâu đậm

Bà Sang quê xã Bình Phú thuộc vùng Đông huyện Bình Sơn khô cằn sỏi đá. Cha đi tập kết, bà ở nhà với mẹ rồi xin đi bộ đội. Năm 1975, đất nước thống nhất, bà Sang trở về quê. Làng quê sau chiến tranh tan hoang. Bà gặp lại mẹ mừng mừng tủi tủi. Bà cùng mẹ và bà con đốn tre, cắt tranh dựng lại nhà. Cái đêm đầu tiên khi cha của bà từ ngoài Bắc trở về gặp mẹ, nhà chẳng có chiếc giường để ngủ, bà đành ngả cái nong cho cả nhà ngủ qua đêm.

Đi qua chiến tranh gian khổ cũng nhiều nhưng bà cũng kịp có một mối tình riêng. Đó là chồng bà, trung đội trưởng phụ trách thông tin 2W. Họ thương nhau, cùng nhau nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1976, họ cưới nhau, một đám cưới đơn sơ thời hậu chiến rồi họ có ba mặt con. Chồng bà bị bệnh qua đời năm 2003, giờ bà ở với con gái tại thị trấn Châu Ổ. Kể chuyện năm xưa, bà cười: “Đất nước mình đi qua chiến tranh, mất mát hy sinh nhiều lắm nên cái giá của hòa bình thống nhất mới đắt làm sao!”.

Tri ân những người tham gia Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Ngày 29-1, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư đã đến thăm hỏi và tặng quà các gia đình, cá nhân tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Bà Thư đến tư gia thắp hương tưởng niệm ông Trần Trọng Tân (tức Hai Tân), nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP.HCM. Trong cuộc tổng tiến công, ông Trần Trọng Tân đã trực tiếp chỉ đạo đợt 1 và đợt 2.

Mật thư viết trên cánh tay cô gái - 2

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thăm và tặng quà cán bộ lão thành. Ảnh: sggp.org.vn

Chiều cùng ngày, bà Thư cũng đến thăm hỏi, tặng quà ông Trần Văn Mãnh (tức Hai Văn), nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM, hiện là phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, trưởng Ban liên lạc TNXP giải phóng miền Nam. Cũng trong ngày, bà Thư đến BV Thống Nhất thăm hỏi sức khỏe Thiếu tướng Nguyễn Răng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM (2005-2010), cán bộ hưu trí quân đội. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Nguyễn Răng là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo binh (Biên Hòa).

Chiều cùng ngày, tại Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM, thay mặt đoàn lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, cũng đã cùng các cựu chiến binh ôn lại những mốc lịch sử quan trọng trong chiến dịch Mậu Thân, trò chuyện thân tình về cuộc sống hiện tại của mọi người. Ông cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới câu lạc bộ vẫn sẽ hỗ trợ TP trong những sự kiện lịch sử lớn.

TÁ LÂM - THANH TUYỀN

Xuân Mậu Thân và nhà tình báo “giá 55 lượng vàng“

Thoắt ẩn, thoắt hiện, khi dưới vỏ bọc doanh nhân, lúc vào vai sỹ quan Sài Gòn. Ông đưa người lọt vào hang ổ địch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Quý (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN