Mất ruộng, mất làng vì vàng tặc
Những cơn lốc vàng thổ phỉ đã đẩy nhiều xã vùng cao của huyện Na Rì (Bắc Kạn) vào bi kịch. Cuộc sống bị đảo lộn, mất đất sản xuất, chỉ còn lại đói nghèo, tệ nạn…
Bi kịch ở tam giác vàng
Nằm dọc theo triền núi rừng Kim Hỷ và dòng sông Bắc Giang, ba xã Lương Thượng, Lạng San, Kim Hỷ được gọi là tam giác vàng thổ phỉ của huyện vùng cao Na Rì. Những bưởng vàng và kể cả nhiều doanh nghiệp mà người dân gọi là vàng tặc hoành hành từ những năm 1980 đến nay khiến rừng tan hoang, đất nương bị cày xới, đến cả ruộng lúa cũng bị lật lên tìm vàng sa khoáng.
Đã có những đợt truy quét, những cuộc họp chỉ đạo của nhiều cấp chính quyền Bắc Kạn nhưng hệ lụy do vàng tặc gây ra nhiều không kể hết. Đất sản xuất nông nghiệp bị đem ra ngã giá, chính quyền ở nhiều xã bảo vệ vàng tặc ra mặt thay vì quyền lợi của người dân.
Ruộng nương tan hoang vì vàng tặc
Xóm Chợ Cũ của xã Lạng San có 54 hộ nhưng bây giờ chẳng còn một tấc đất nào để sản xuất cả. Trưởng xóm Hoàng Văn Thạch nghẹn ngào: Tất cả đều do vàng tặc gây ra.
Trước năm 2007, xóm Chợ Cũ có 20ha đất sản xuất ở cánh đồng bên bờ sông Bắc Giang. Bi kịch ở chỗ, cánh đồng ấy có vàng. Một cuộc chiến cam go giữa chủ các bưởng vàng thổ phỉ và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tranh giành quyền khai thác. Thậm chí đã có những cuộc hỗn chiến đổ máu giữa phe này và phe khác.
Cuối cùng, vàng tặc hoành hành ghê quá, ruộng đồng bị phá tan hoang, người dân không sống nổi nên chính quyền huyện Na Rì và xã Lạng San phải di dời xóm Chợ Cũ sang khu tái định cư lánh nạn.
Bị vàng tặc đuổi khỏi làng, cuộc sống người dân Chợ Cũ liên tiếp rơi vào những tấm thảm kịch không lối thoát. Sang nơi ở mới, đất sản xuất không có, nghề nghiệp cũng không nên người dân phải lên rừng tìm đất canh tác. Cứ chỗ nào có tý đất là họ lại cuốc xới trồng ngô. Trong khi đó cánh đồng quê cũ của họ bây giờ bị vàng tặc khoét sâu đến mức xã Lạng San phải quy hoạch làm hồ trong khu du lịch sinh thái sau khi một doanh nghiệp… hoàn thổ.
Ông Thạch than: "Sống trên mỏ vàng nên dân Chợ Cũ phải đi ăn đong, cấy lúa, trồng ngô trong túi, gạo chợ nước sông. Chính quyền cứ hứa hão, làm khổ người dân quá".
Tìm cái khổ ở Chợ Cũ quá dễ. Ngay ở gia đình trưởng thôn Thạch, có 4 khẩu nhưng không hề có một tấc đất nào. Vợ chồng con cái sống bằng công việc mót xái vàng từ nguồn nước của các bưởng vàng thổ phỉ trên sông Bắc Giang và triền núi Kim Hỷ. Hai năm trước một vụ sạt lở hầm do vàng thổ phỉ khoét hàm ếch khiến 2 người dân địa phương đi mót xái phải bỏ mạng.
Vậy mà số người dân trong xóm theo cái nghề này vẫn cứ phải liều mình. Hàng ngày họ đánh đu với tử thần kiếm gạo. Chẳng biết ông Thạch đùa hay thật khi nói với tôi rằng, khi nào có sạt núi, sập hầm, có người chết thì tôi gọi điện nhà báo lên đưa tin. Nghe nói mà xót xa, mà sợ hãi biết chừng nào.
Chợ Cũ chỉ là một điển hình từ hệ lụy của cơn lốc vàng. Hệ lụy ấy càng nhiều hơn khi mấy năm gần đây vàng thổ phỉ núp bóng các doanh nghiệp để lộng hành. Đất sản xuất đã mất gần hết nhưng ở xã Lạng San vẫn còn một số diện tích ruộng nương mà phường đào vàng ngày đêm nhăm nhe.
Thời điểm chúng tôi đến địa phương này, một doanh nghiệp đang khai thác vàng ở thôn Nà Diệc. Đó là bưởng vàng của Cty Hải Điệp, một Cty có số má đóng tại trung tâm huyện lỵ Na Rì. Trưởng thôn Nà Diệc Phạm Văn Thịnh thẳng thắn: “Cty này được cấp phép khai thác cát sỏi và tận thu vàng sa khoáng trong vòng 7 năm từ 2009 đến 2016 nhưng sự thật không phải thế. Khai thác cát chỉ là cái cớ để qua mặt cấp trên, họ chỉ chăm chăm khai thác vàng mà thôi”.
Ông Thịnh cũng khẳng định rằng, Cty Hải Điệp vừa vượt mốc chỉ giới vừa vượt công suất hoạt động theo cam kết với địa phương nhưng chẳng thấy ai xử lý vi phạm cả. Chỉ có năm 2010 thấy Cty bị xử phạt lỗi rất cỏn con về công nghệ khai thác, dừng được một thời gian rồi sau đó lại thấy làm.
Trái với vẻ bức xúc của trưởng thôn Nà Diệc, Chủ tịch UBND xã Lạng San Hoàng Đức Tâm lại vô cùng bình thản trước bi kịch của người dân địa phương. “Đất sản xuất có hoàn thổ được hay không thì người dân chẳng liên quan gì vì họ đã bán cho các doanh nghiệp, các bưởng vàng rồi. Các doanh nghiệp sai phạm hay không thì tỉnh, huyện giải quyết chứ xã chẳng có quyền hành”, ông Tâm nói.
Doanh nghiệp hứa hão
Song song với cuộc đổ bộ của các chủ bưởng vàng thổ phỉ, các doanh nghiệp cũng lao vào vùng tam giác vàng ở Na Rì để kiếm lời. Họ bài bản hơn, có nhiều quan hệ hơn nên lấy đất cũng dễ hơn. Họ công khai thành lập các bưởng vàng chứ không cần lén lút như phường vàng thổ phỉ.
Cách làm có khác, nhưng hệ lụy mà người dân phải gánh chịu thì như nhau. Trước khi lấy đất, các doanh nghiệp đều tung con bài hoàn thổ để thuyết phục chính quyền, nhưng khi mót hết vàng rồi, ruộng nương đều biến thành đất chết thì lời hứa hoàn thổ của các doanh nghiệp cũng chết theo.
Xã Lương Thượng là nơi vàng tặc hoạt động nhiều nhất ở huyện Na Rì. Cũng chính vì “truyền thống” này mà từ chỗ có 60ha đất sản xuất nông nghiệp bây giờ 446 hộ dân chỉ còn vỏn vẹn 30ha. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Cầu "cay cú" đến mức nếu được phép thì ông bắt bọn vàng tặc bỏ tù cho bằng hết.
Không ai thống kê trên địa bàn Lương Thượng có bao nhiêu bãi vàng, nhưng dọc QL 279, những đồng ruộng nằm ven sông Bắc Giang đều bị cày xới tan hoang bởi vàng tặc.
“Trước đây chỉ có vàng thổ phỉ, mấy năm nay các doanh nghiệp cũng nhảy vào, họ lấy đất từ trên tỉnh nên xã không can thiệp được. Hoàn thổ hay không, tiến độ thế nào đều do doanh nghiệp cam kết với tỉnh. Nhưng nói thật nếu hoàn thổ thì cũng không sản xuất được vì đất đã bị rửa trôi, chỉ còn trơ đá với sỏi”, ông Nguyễn Duy Cầu. |
Năm 2006, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp “giấy thông hành” cho các doanh nghiệp đổ bộ vào Lương Thượng với quy định về thời hạn khai thác là 3 năm, sau đó phải hoàn thổ đất sản xuất cho người dân. Ba doanh nghiệp “trúng thầu” là Cty Kim Mỹ Hưng, Cty Sơn Trang và An Thịnh.
Những cánh đồng lần lượt bị máy móc cày nát, dòng sông Bắc Giang lúc nào cũng đục ngầu. Nhiều thửa ruộng đã bị đào rộng từ 2- 4m, khoét sâu từ 8- 10m, xúc đất cho vào bao tải, kéo lên mặt đất rồi rồi vận chuyển ra suối để đãi.
Quá trình khai thác vàng, các Cty đã vượt quá giới hạn đất được thuê, gây sụt lún đất ruộng khiến họ phải bỏ dở canh tác. Nhà cửa ở các thôn Vằng Khít, thôn Pàn Xã bị sụt lún. Các Cty chắp vá bằng cách hứa đền bù thiệt hại hoa màu theo từng vụ.
Chẳng hạn như hộ ông Hồ Văn Vì ở thôn Vằng Khít có 3 sào ruộng ở cánh đồng Bắc Giang bị Cty Sơn Trang đổ đất vào ruộng, ngang nhiên khai thác ngoài chỉ giới. Ông Vì cùng xóm làng kêu hết cửa này đến cửa khác nhưng vẫn vô vọng. Nghe Cty hứa đền bù ông cũng yên tâm, nhưng chờ mãi không thấy gì mới biết bị lừa. Hết thời hạn khai thác, các doanh nghiệp nghỉ thật, nhưng việc hoàn thổ vì thế cũng nghỉ luôn.
Khi thuê đất của người dân để khai thác vàng, các doanh nghiệp trả mỗi mỗi mét vuông đất được 120 nghìn. Mức giá có thể xem phù hợp. Nhưng nhiều hộ nhận tiền xong tiêu hết, đất sản xuất có hoàn thổ cũng không canh tác được nên người dân chỉ có cách lên rừng làm vàng thổ phỉ. |
“Khi cam kết để khai thác, các quy định đều bắt buộc Cty hoàn thổ mặt bằng và phủ một lớp đất màu 30cm mới trả lại cho người dân. Nhưng khai thác xong chẳng có doanh nghiệp nào thực hiện đúng theo quy định cả. Cùng lắm họ chỉ san cho dân mặt bằng rồi thôi, không một mét đất nào có thể sản xuất nổi”, ông Cầu nói.
Hệ lụy từ các doanh nghiệp trên chưa thể khắc phục thì xã Lương Thượng tiếp tục nhận "trát" của cấp trên bắt người dân phải nhường 19ha đất sản xuất cho Cty Đồng Vàng lập mỏ vàng khai thác. Để tránh sự nhiếc móc, chửi bới của người dân như các doanh nghiệp trước, Cty Đồng Vàng vừa khai thác vừa san lấp mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu. Nhưng hết hạn khai thác từ tháng 3, hết hạn hoàn thổ từ tháng 8 mà diện tích đất vẫn chỉ toàn hố sâu hun hút.
Ông Cầu khẳng định rằng, muốn sản xuất lại trên diện tích đất này thì cần ít nhất từ 3-5 năm nữa.