Mất quyền điều hành bay ở Tân Sơn Nhất: Chưa từng có
“Trong thời hiện đại, đài không lưu mà để mất điện gần 1 giờ đồng hồ thì không thể chấp nhận được. Sự cố này cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa an toàn ngành hàng không”.
Sau sự cố mất điện ở Trung tâm Điều hành bay Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) khiến 50 chuyến bay trong nước và quốc tế bị gián đoạn, Trung tá không quân Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay Sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ: “Năm 1955, ở Sân bay Gia Lâm, phương tiện, kỹ thuật còn lạc hậu, chúng tôi mới bị mất điện 15 phút thôi đã được coi là nguy hiểm lắm rồi. Còn trong thời hiện đại, đài không lưu mà để mất điện gần 1 giờ đồng hồ thì không thể chấp nhận được. Sự cố này cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa an toàn ngành hàng không. Trên thế giới cũng chưa từng xảy ra sự cố nào như vậy”.
Máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh minh họa: Người Lao Động)
Ông Sành cho biết, thông thường tại các sân bay, ngoài nguồn điện lưới đều có nguồn điện dự bị là máy nổ. Khi điện lưới bị mất, hệ thống máy nổ sẽ là hoạt động cung cấp điện trở lại. Nguồn điện dự bị này do một nhóm nhân viên quản lý, vận hành.
“Tuy nhiên, sự cố mất điện xảy ra ở Trung tâm Điều hành bay Sân bay Tân Sơn Nhất có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể do hệ máy nổ dự bị gặp trục trặc; bộ phận đảm bảo nguồn điện không có trình độ; cán bộ điều hành, kiểm tra hệ thống này chưa tốt”, ông Sành chia sẻ.
Theo ông Sành, khi xảy ra sự cố mất điện như vậy, những tàu bay đang hoạt động trên không sẽ phải bay ở khu vực chờ. Hoặc những máy bay còn đủ nhiên liệu sẽ phải hạ cánh xuống các sân bay dự bị, hoặc sân bay Biên Hòa, Cần Thơ.
Ở khu vực mặt đất, cán bộ quản lý phải dẹp hết các trướng ngại vật trên đường băng để máy bay hạ cánh. Trên không, tổ bay phải quan sát xem có người, hay chướng ngại vật không, sau đó sẽ tự hạ cánh. Một số tàu bay quốc tế đến Việt Nam cũng phải bay sang các sân bay khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa…
“Lúc này mất điện, hệ thống radar ở khu vực sân bay không hoạt động nên các tàu bay bắt buộc phải chọn những giải pháp trên. Tuy nhiên, tôi cho rằng làm như vậy sẽ rất nguy hiểm, trong trường hợp thời tiết xấu, mưa to thì dễ gây ra tai nạn. Mà tai nạn hàng không xảy ra sẽ ảnh hưởng tới nhiều người”, ông Sành cho hay.
“Năm 1955, ở sân bay Gia Lâm, phương tiện, kỹ thuật còn lạc hậu, chúng tôi mới bị mất điện 15 phút thôi đã được coi là nguy hiểm lắm rồi. Còn trong thời hiện đại, đài không lưu mà để mất điện gần 1h đồng hồ thì không thể chấp nhận được. Sự cố này cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa an toàn ngành hàng không, đe dọa an toàn tính mạng của hành khách”, ông Sành nói thêm.
Ông Sành cho rằng Cục hàng không Việt Nam phải rà soát lại quy trình, kiểm điểm hết sức chặt chẽ đội ngũ vận hành để xảy ra sự cố, các bên liên quan. Như vậy, an toàn hàng không mới được đảm bảo.
Trước đó, trưa 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đều không hạ cánh được vì hệ thống radar mất tín hiệu. Cuối giờ chiều cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vào lúc 11 giờ 5 phút, ngày 20/11/2014 đã xảy ra sự cố mất điện tại khu vực kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Sự cố này đã buộc Công ty Quản lý bay miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu.
Đến 12 giờ 25 phút, về cơ bản, sự cố đã được khắc phục và đến 12 giờ 40 phút cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, công tác điều hành bay trở lại bình thường.
“Sự cố này ảnh hưởng trực tiếp đến 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh, 7 chuyến bay đi sân bay dự bị, một số chuyến bay phải bay chờ và chậm khởi hành từ Sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến một số chuyến bay bị chậm dây chuyền”, Cục hàng không cho hay.
Trong thời gian xảy ra sự cố, có trên 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay TP. Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này đều được theo dõi tại Trung tâm ứng phó của Tổng công ty tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội.
Ngay khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật đã vào ngay Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá, xác định nguyên nhân nhằm ngăn ngừa các sự cố tương tự.