“Mật ngữ” làng Phú Hải

Phương ngữ Quảng Trị vốn gây khó khăn cho những người quen tiếng phổ thông rồi, nhưng cũng ở Quảng Trị lại có một ngôi làng mà ngay cả những người giỏi “Quảng Trị ngữ” nhất vẫn bó tay. Nếu như tình cờ rơi vào một cuộc trò chuyện nào đó của dân làng Phú Hải - xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, bạn sẽ điếc đặc.

Làng Phú Hải là một thôn nhỏ của xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tương truyền cư dân vốn từ đất Thanh Hóa vào lập nghiệp đã hơn 500 năm. Trước làng ở gần phía biển, do nạn cát bay cát lấp nên lùi về phía trong, vốn là vùng đất ruộng. Do diện tích của làng nhỏ hẹp, chủ yếu là ruộng cát, nên dân không sống bằng nghề làm ruộng mà chủ yếu nhờ vào nghề làm hàng mã, thầy cúng và đánh bát âm cổ nhạc cho các đám hiếu. Với sự “lên ngôi” của nghề này trong thời gian qua, đời sống dân làng Phú Hải được coi là khá giả. Có lẽ đặc thù này đã khiến người dân càng “bảo mật” nghề làng bằng những “mật ngữ” như đã kể.

Làng nghề phục vụ... “cõi âm”

Phú Hải nổi tiếng bởi ba nghề truyền thống đều liên quan đến việc hiếu hỉ: nghề làm hàng mã, nghề bát âm cổ nhạc (chuyên phục vụ trống kèn tại các đám ma, đám giỗ...) và đặc biệt nhất là nghề... thầy cúng. Cả ba nghề này vốn liên quan đến nhau khá mật thiết. Những năm sau 1975, trước làn sóng bài trừ mê tín dị đoan, “nghề làng” bị mai một, dân làng đi tha phương, nhưng chừng hơn mươi năm trở lại đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, nghề truyền thống của làng phục hồi và có phần hưng thịnh hơn xưa. Cũng chính từ cái nghề thầy cúng-thầy pháp này mà người Phú Hải có một thứ ngôn ngữ riêng, chỉ những người làng hiểu, cha truyền cho con, ông truyền cho cháu, một thứ “mật ngữ” cực kỳ lợi hại.

“Mật ngữ” làng Phú Hải - 1

Cổng làng Phú Hải

Hơn 20 năm trước, khi còn là sinh viên, đi điền dã về văn hóa dân gian của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, một nhóm sinh viên lớp chúng tôi đã về tại làng này và sau mấy tuần ăn dầm ở dề, vốn liếng thu được cũng chỉ là vài tiếng lóng mà sau một hồi giải thích mới hiểu được mang máng cách “chế tạo” tiếng lóng của dân làng. Ví như đang ngồi với nhau, một nhóm bạn người làng Phú Hải muốn đi trước thì họ sẽ nói một từ “tỏi”, và sau đó chỉ là người Phú Hải mới biết “tỏi” nghĩa là đi, rời khỏi. Vì sao động từ “đi” lại biến thành... “tỏi”? Hóa ra công thức của nó là thế này: tỏi là tên một loại gia vị cùng với hành (hành - tỏi), và hành trong chữ Hán nghĩa là đi, có vậy thôi, nhưng mà “tỏi” chỉ là một từ đơn giản, còn nói cả một câu chuyện bằng thứ mật ngữ được diễn dịch đến vài ba lần thì không dễ dàng chút nào!

Nhờ hai cậu em là dân làng Phương Lang, cùng xã Hải Ba ở cạnh làng Phú Hải dẫn đường cho tôi tìm đến nhà cụ Trần Đức Tranh, một thầy cúng nổi tiếng ở làng, nay đã hơn 80 tuổi. Vừa đặt vấn đề tìm hiểu về “mật ngữ” của làng, cụ Tranh nói ngay: “Các chú muốn tìm hiểu chi cũng được nhưng cái thứ tiếng nói này là bí mật của làng, tui không thể tiết lộ được. Nếu muốn cho các chú biết thì phải hỏi ý kiến hội đồng kỳ mục của làng, các trưởng lão có cho mới được nói. Mà chắc chắn không thể cho vì đây là bí mật, mấy chú tìm hiểu viết lên báo thì cả thế giới biết, còn chi là bí mật của làng nữa, phải không”.

Nếu lý giải về thứ ngôn ngữ là bí mật của làng như cụ Tranh thì quá đúng, nhưng đã đội mưa đội gió về làng, không lẽ về không? Vậy nên chúng tôi đành dùng chiến thuật “trước ở ngoài sân, sau lần vô bếp”, thế nào cụ Tranh cũng hứng khởi mà tiết lộ gì đó...

“Có chấm óc, đáo”...

Vào bất cứ nhà nào ở Phú Hải làm nghề thầy cúng cũng có thể thấy bàn thờ Thái Thượng Lão Quân cưỡi con trâu xanh trang trọng giữa nhà. Ôm một chồng sách xưa in chữ Nho li ti chi chít, cụ Tranh bảo: “Bảy tám chục năm trước, đang để chỏm thì bố tôi đã rước thầy đồ về dạy chữ Hán cho mấy anh em, học chữ Hán cũng chính là để sau này lớn lên mới đọc được những cuốn sách cúng, lịch vạn sự, vạn niên... in bằng chữ Hán được truyền từ mấy đời. Với những kinh sách ấy có thể yên tâm đi kiếm cơm thiên hạ”.

“Mật ngữ” làng Phú Hải - 2

Cụ Trần Đức Tranh, người nắm nhiều bí mật về “mật ngữ” Phú Hải 

Tuy nhiên để trở thành một thầy cúng - thầy pháp tinh thông các nghi lễ kinh sách chữ Hán không phải ai cũng làm được, và có lẽ chính vì cái nghề cúng này cần một chút “u u minh minh” mới thêm phần bí ẩn, tò mò nên chi tự thuở xa xưa, người làng đã sáng chế ra “mật ngữ” của riêng làng, người ngoài không thể biết được.

Sau một hồi hỏi han thuyết phục, cụ Tranh cũng cho chúng tôi vài câu trong những tình huống đơn giản. Ví như đang làm việc gì đó, nếu chủ nhà xuất hiện họ sẽ thông báo cho nhau như sau: “Có chấm óc, đáo”. Đáo, trong chữ Hán là về thì có thể hiểu, nhưng “có chấm óc” tại sao lại gọi là chủ? Và đây là những thao tác mà chắc có là tiến sĩ Hán học cũng không thể diễn dịch nổi: Trong chữ Hán, chữ “chủ” gồm chữ vương (王) và dấu chấm trên chữ vương (主) có nghĩa là chữ “chủ”, “óc” hiểu theo nghĩa thông thường là ở trên đầu (đầu óc), có chấm óc tức là có cái chấm trên đầu-tức là chữ “chủ”, thay vì nói “chủ nhà đang về kìa” thì người Phú Hải sẽ nói “Có chấm óc, đáo!”. Đó là một thứ mật ngữ trộn lẫn giữa chữ Hán và ngôn ngữ bản địa, được diễn dịch qua nhiều tầng nấc như cái từ “đi” nghĩa là “hành” và dân Phú Hải thì gọi là “tỏi” như chúng tôi vừa kể ở trên.

Nhưng ngôn ngữ đặc biệt này cũng không chỉ dựa vào sự diễn dịch, đánh tráo các từ Hán - Việt, có nhiều từ rất lạ mà không thể tìm được mối liên hệ nào với phương ngữ chung của vùng. Ví như nấu cơm thì tiếng Phú Hải gọi là “chử náp”, uống nước thì gọi là “cửa thổi”, nói về người sắp chết thì bảo là “thượng gần uốn” (anh ta gần chết)...

Không xa nhà của thầy cúng Trần Đức Tranh là nhà của thầy cúng trẻ Hồ Duy Chẩn. Khi chúng tôi đến nhà, anh Chẩn đang đi cúng xa, vợ anh, chị Nguyễn Thị Hằng, vốn là dân làng Linh Chiểu ở cạnh làng Phú Hải, tuy đã về làm dâu làng Phú Hải gần 30 năm nhưng khi nghe chúng tôi tìm hiểu về thứ ngôn ngữ kỳ lạ này chị Hằng nói rất thật lòng: “Thì tui cũng nghe cha con nhà này, nói chuyện với nhau vậy chứ tui không biết nói gì. Thỉnh thoảng có khách trong làng đến nhà, năm bảy người tụ tập uống trà, trò chuyện, nhưng chuyện gì thì cũng không biết được”.

Anh Nguyễn Quyết, chủ tịch xã Hải Ba, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về thứ tiếng nói riêng có của dân làng Phú Hải cũng thú nhận tuy là cư dân cùng xã, làm tới chủ tịch xã này nhưng vốn liếng “tiếng lóng Phú Hải” của anh Quyết cũng nằm ở một số từ đếm chưa hết trên đầu ngón tay của một bàn tay, thế mới biết trình độ “bảo mật ngôn ngữ” của dân Phú Hải cao đến nhường nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Đức Dục (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN