Mất mạng, mang tật vì cưa bom lấy sắt
Vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội vừa qua khiến nhiều người khiếp sợ. Sự khiếp sợ này không lạ lẫm gì với người dân khu vực miền Trung - nơi còn rất nhiều bom đạn thời chiến tranh sót lại... Nơi đây bom đạn vẫn vùi im trong lòng đất, thỉnh thoảng tiếng nổ chát chúa của nó vẫn lấy mạng người.
Vẫn còn nhiều bom đạn vùi sâu dưới lòng đất được tìm thấy. Ảnh: T.G
Những cái chết đau lòng vì cưa bom lấy sắt
Bây giờ, người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn kể cho nhau nghe chuyện buồn về cái chết oan nghiệt vì nghề tháo bom kiếm sống của hai anh em ruột hồi cuối tháng 7/2013. Hai cái chết đau lòng này đã thành câu chuyện nhắc nhở về sự nguy hiểm của nghề tháo bom bán sắt vụn. Đó là cái chết của hai anh em người dân tộc Vân Kiều, Hồ Li Va (sinh năm 1993) và Hồ Văn Na (sinh năm 1996) trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa.
Ngày 28/7/2013, Va và Na sang Lào tìm thấy một quả bom, hôm sau, họ rủ thêm hai người Lào ở bản May, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) bắt tay tháo bom để lấy kim loại. Bom nổ, hai anh em Va và Na chết ngay tại chỗ, hai người Lào bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
Trong chuyến công tác ở Quảng Trị, chúng tôi gặp ông Nguyễn Xảo, người có đến 3 con trai chết vì cưa bom. Ông Xảo quê ở Đà Nẵng, sau hòa bình, ông đưa gia đình lên vùng rừng núi Hải Thái, Gio Linh làm kinh tế mới. “Con đông, không đủ cơm ăn nên phải ăn sắn luộc chấm muối. Cả gia đình tôi phải lần hồi kiếm ăn từng bữa. Phải đi khai hoang ở Cồn Tiên, lần lượt 3 người con trai của tôi là Nguyễn Xang, Nguyễn Quang, Nguyễn Sáu đã mãi mãi không trở về”, ông Xảo buồn rầu chia sẻ.
Vợ mất sớm, 3 người con của ông cũng lần lượt chết vì tháo bom ở 3 thời điểm khác nhau khiến ông phải sống trong cô quạnh ở tuổi xế chiều. Cho đến tận bây giờ và có lẽ sẽ mãi về sau, bom mìn vẫn sẽ làm tim ông đau nhói.
Cách nhà ông Xảo không xa, hoàn cảnh gia đình ông Trần Nậy còn đau đớn hơn.
Ông Nậy chia sẻ: “Con trai tôi khi mới 15 tuổi đã chết năm 1988 vì vác cuốc theo anh cả lên Cồn Tiên đào bom. Nó đào được quả DKZ, loại này có gắn một đoạn bạc ở chóp đầu. Nó dùng cuốc gõ vào đầu đạn để gỡ ra. Đạn nổ, thằng em chết, thằng anh đứng bên miệng hố nhìn sang thì bị mảnh găm trúng bụng làm đứt nhiều khúc ruột. Năm 1990, thằng anh cả chết trong lúc cố gắng tháo ngòi nổ một quả đạn pháo. Cách đó 5 ngày, bố vợ nó từ dưới Vĩnh Linh lên Cồn Tiên cắt tranh, dẫm phải mìn nổ bay mất xác”.
Đau đớn chưa rời bỏ gia đình ông khi năm 1991, người con thứ ba tên Trần Quốc Sự (17 tuổi) cũng lìa đời sau tiếng nổ từ quả đạn cối.
Bao giờ hết bom?
Phong trào dò bom, mìn lấy sắt vụn không còn rầm rộ như những năm tháng sau giải phóng nhưng ở Quảng Trị vẫn còn nghề tháo bom rà mìn tìm phế liệu mưu sinh. “Làng liều” Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ) sáng sớm vắng hoe, người dân đi nương thì ít, chủ yếu tìm phế liệu ở những ngọn đồi rất xa làng.
Vì quen với nghề rà, phá bom mìn mưu sinh nên có câu cửa miệng nói về người Tân Hiệp là tai họ thính đến độ, chỉ cần nghe trên máy rà kêu tít tè là đủ biết dưới lòng đất có cái gì. Nhiều người dân nơi đây không còn lạ với những hình ảnh tháo bom: Vài ba người đàn ông lực lưỡng mồ hôi nhễ nhại vì ra sức cưa quả bom như cưa... khúc gỗ. Cưa không xong thì dùng búa, dùng dùi để đục, lấy ra thuốc súng, nhôm đồng... và bán tuốt.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi), bị cụt gần hết một bàn tay và hỏng một mắt do đụng phải bom ở Làng Cát (H. Đakrông) lúc mới 25 tuổi. Dù có kinh nghiệm tháo bom hơn 40 năm nhưng ông Mạnh đã phải thừa nhận rằng việc rà mìn và tháo đạn của dân Tân Hiệp chủ yếu là do “quen tay”. “Nghề ni chắc chắn là phải giáp mặt với bom đạn. Nhiều người sợ thì quăng chạy nhưng cũng không ít người liều mạng sờ vào. Họ chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm rất ít ỏi và sự gan lì”, ông Mạnh cho hay.
Khắp trên dải đất hình chữ S, không ai thống kê được còn bao nhiêu quả bom, tấn đạn còn nằm trong lòng đất. Trung tá Võ Văn Ba, Giám đốc Trung tâm bom mìn 20, Công ty 36, Bộ Quốc Phòng cho biết trung bình mỗi năm rà được 4, 5 quả bom phá loại 250 Pao (đơn vị đo lường của Anh) đến 500 Pao; vài quả tên lửa; hàng trăm quả bom, đạn ở Quảng Trị và ở các địa phương khác.
Anh Thái Minh Tuấn, Đội trưởng đội 22 và anh Thái Khắc Dũng Đội trưởng đội 20 đến với nghề rà phá bom mìn bởi một lý do đơn giản, họ không muốn thêm bất kỳ ai phải chịu đau thương đó nữa. Anh Tuấn cho biết: “Nước ta vùng nào cũng có bom mìn còn nằm lại trong lòng đất. Nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực miền Trung. Đặc biệt ở phía tây Nghệ An và Quảng Trị”. Anh Tuấn tâm sự rằng, qua mỗi vùng quê trên lại bắt gặp những trường hợp người dân giữa thời bình bị mù mắt, cụt tay, cụt chân vì tự rà phá bom mìn.
Chưa nghe ai làm giàu bằng nghề rà phế liệu bao giờ. Có chăng là vài câu chuyện quá khứ về ai đó đã từng “trúng” một quả bom đại, bán cho nhà buôn được gần 100 triệu. Hay chuyện về một nhóm dò mìn tìm ra nguyên một hầm pháo, lén lút “khai quật”, tháo kíp... rồi kiếm hơn chục triệu đồng/người. Nhưng đó đều là những câu chuyện rất cũ của thời mới hòa bình. Còn phổ biến vẫn là những câu chuyện về những cái chết thương tâm của những người làm nghề tự rà phá bom bán sắt vụn. Những vụ nổ này đã lấy đi mạng người hoặc gây tàn tật suốt một đời người.