Mánh khóe tăng giá điện của EVN

Theo ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, những khoản lãi từ các hoạt động khác của EVN là trên 3.300 tỉ đồng. Nếu đưa những khoản lãi này vào cơ cấu giá điện thì giá điện sẽ giảm khoảng 34 đồng/KW.

Những vấn đề liên quan đến việc tại sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục đòi tăng giá điện thời gian qua đã phần nào được hé mở trong cuộc họp báo báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 18/7 tại Hà Nội.

Lỗ nặng nhưng lĩnh lương “khủng”

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy EVN đã đầu tư ra ngoài ngành với số tiền hơn 4.551 tỉ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ. Việc đầu tư này đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Việc quản trị kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới cũng khiến hoạt động đầu tư của tập đoàn này mang lại hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ. Năm 2010, EVN lỗ đến 8.416 tỉ đồng.

Theo con số Kiểm toán Nhà nước công bố, tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản của EVN là 7,83%, hoạt động viễn thông lỗ 1.057,7 tỉ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỉ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008). Nhiều tài sản cố định đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán phải tạm tăng nguyên giá như Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 22.479 tỉ đồng, Công ty Điện lực Hải Phòng 282,8 tỉ đồng.

Mánh khóe tăng giá điện của EVN - 1

Trong khi kỹ sư, công nhân EVN thu nhập không cao thì thu nhập bình quân cơ quan văn phòng EVN lên đến 27,4 triệu đồng/người/tháng. (Trong ảnh: Kỹ sư EVN đang vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 3A)

Trong năm 2009-2010, Công ty Điện lực Hải Phòng huy động và sử dụng vốn sai mục đích, phát sinh vượt so với kế hoạch nên không cân đối được nguồn vốn 300 tỉ đồng, đến ngày 31/12/2010, số tiền mất cân đối là 191 tỉ đồng. Cổ đông của Công ty CP Thủy điện A Vương và Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng chưa góp đủ vốn điều lệ như cam kết với số tiền lần lượt là 527 tỉ đồng và 564 tỉ đồng.

Tuy nhiên, EVN vẫn trả lương cho nhân viên thuộc diện ngất ngưởng so với mặt bằng chung hiện nay. Thu nhập bình quân chung của công ty mẹ EVN năm 2010 là 13,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng trên 27,4 triệu đồng.

EVN hưởng lợi, người dân chịu thiệt

Theo ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, khi xem xét các khoản thu chi của EVN, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng có nhiều khoản thu đã không được tính vào giá thành kinh doanh điện. Thứ nhất là những khoản thu liên quan đến cho thuê cột điện, thanh lý vật tư hàng hóa đã đầu tư cho ngành điện và công suất phản kháng,…

Ông Khái cho biết theo quy chế quản lý tài chính hiện nay, những khoản thu từ việc này phải được tính vào cơ cấu giá điện. Số tiền EVN thu từ hoạt động này, theo ước tính của Kiểm toán Nhà nước, khoảng trên 400 tỉ đồng. Hai là, những khoản thu có lãi từ hoạt động tài chính, hoạt động liên doanh liên kết và lãi sản xuất khác trên 2.900 tỉ đồng cũng không được EVN tính vào cơ cấu giá điện. Theo ông Lê Minh Khái, nếu cơ chế thay đổi và EVN cộng cả những khoản lãi thu được đó vào cơ cấu giá điện thì có thể sẽ giảm khoảng
34 đồng/KW.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu EVN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế tài chính theo hướng các khoản thu liên quan về sản xuất kinh doanh điện nêu trên phải được hạch toán giảm giá thành điện nhưng có tính đến đặc thù của các đơn vị trong ngành điện và phù hợp với từng thời điểm cụ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN