Mang thai hộ: Người không còn tử cung vẫn được làm mẹ

Dự kiến tháng 12.2015, Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ chào đón bé sơ sinh đầu tiên nhờ kỹ thuật mang thai hộ, mang hy vọng có con bằng trứng và tinh trùng của các ông bố, bà mẹ.

Luật Hôn nhân - Gia đình (sửa đổi) cho phép 3 bệnh viện tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Đây là quy định mang tính nhân đạo, đưa những người không có tử cung, từ tuyệt vọng đến hy vọng có con.

Mang thai hộ: Người không còn tử cung vẫn được làm mẹ - 1

Dự kiến tháng 12.2015, Bệnh viện Phụ sản TƯ sẽ chào đón bé đầu tiên nhờ kỹ thuật mang thai hộ.  

Sắp có bé chào đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ

Ngày 17.9 vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) thông tin kết quả ca mang thai hộ đầu tiên tại bệnh viện, trong đó có hai ca thành công, một ca đã có tim thai - song thai.

Trong khi đó, tại miền Bắc, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (một trong 3 đơn vị được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ) đến thời điểm này cũng có rất nhiều người đăng ký thực hiện kỹ thuật này.

Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin, hiện tại Bệnh viện đã thực hiện thành công 20 ca mang thai hộ. Những trường hợp này được các bác sĩ theo dõi trong 12 tuần đầu. Sau 12 tuần, nếu bệnh nhân ở xa, bệnh viện sẽ bàn giao về tuyến tỉnh theo dõi tiếp.

“Dự kiến, khoảng tháng 12.2015 hoặc tháng 1.2016, bệnh viện sẽ chào đón bé đầu tiên nhờ kỹ thuật mang thai hộ”, ông Hoàng thông tin.

Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, các bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ. Do đó, từ khi Luật cho phép, bệnh viện đã bắt tay vào thực hiện. Thực tế, có rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le, không có tử cung đến bệnh viện nhờ thực hiện kỹ thuật này. Bệnh viện cũng giúp họ thắp sáng niềm hy vọng và có cơ hội làm mẹ.

Ông kể: Có người đến bệnh viện xin thực hiện kỹ thuật mang thai hộ không có tử cung. Người này phía ngoài là phụ nữ bình thường, cấu hình phụ nữ, nhiễm sắc thể phụ nữ, có gia đình, có buồng trứng nhưng không có con. May mắn, được chị em đồng ý mang thai hộ. Họ tìm đến bệnh viện với đầy đủ hồ sơ pháp lý. Các bác sĩ bắt tay vào thực hiện. Như vậy, chỉ vài tháng tới, người phụ nữ không có tử cung sẽ được làm mẹ, họ cũng được nghe tiếng gọi “mẹ ơi” như bao người phụ nữ khác.  

“Khi chúng tôi thông báo người mang thai hộ đã đậu thai, cả hai cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đã lặng người vì vui mừng và hạnh phúc. Có người không kìm được cảm xúc, nước mắt trào ra. Cũng có người biểu lộ vui mừng bằng cách đi ra ngoài, nắm tay nhân viên y tế và cám ơn rối rít. Vậy là, ước mơ có tiếng trẻ bi bô trong nhà giờ sắp thành hiện thực”, TS. Lê Hoàng chia sẻ.

Rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực

Cũng theo TS. Lê Hoàng, tỉ lệ thành công khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cao hơn kỹ thuật mang thai trong ống nghiệm. Những người mang thai hộ thường khỏe mạnh, không có bệnh lý, đã sinh con. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều được các bác sĩ tư vấn kỹ về tâm lý.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tại Việt Nam, chi phí cho một ca mang thai hộ khoảng 30-50 triệu trong khi đó tại Singapore khoảng 400 triệu. Tại Thái Lan, chi phí cho một ca mang thai hộ trên 300 triệu, Philippines khoảng 200 triệu.  

Ngoài ra, quy trình mang thai hộ rất đơn giản. Bệnh viện sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Bước tiếp theo, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không.

“Khi các cặp vợ chồng có đủ hồ sơ pháp lý, chúng tôi không để bệnh nhân chờ. Họ đợi là đợi vòng kinh của người nhận và người cho phù hợp. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào sức khỏe của chính người mang thai hộ.”, TS.Lê Hoàng nói.

Sau khi xác định đúng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong đó, cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ được các chuyên gia tư vấn về y tế, pháp luật và tâm lý. Sau các bước trên, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ duyệt hồ sơ và quyết định những trường hợp nào được phép thực hiện mang thai hộ.

“Muốn mang thai hộ phải qua bệnh viện. Nếu chỉ hai người môi giới với nhau, bệnh viện xác định không phải là họ hàng thì không thực hiện. Hơn nữa, ngành y không có quyền thẩm tra lý lịch. Tại bệnh viện, bác sĩ chỉ tư vấn về những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai. Bởi vì mặc dù khoa học tiến bộ nhưng vẫn có những nguy cơ khi mang thai. Đặc biệt ở Việt Nam, việc đẻ ra mà lại bị bế đi nuôi sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý người mang thai hộ”, ông Hoàng cho hay.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký sẽ không được.

Ông Quang khuyến cáo, các cặp vợ chồng phải xác định thực hiện kỹ thuật này vẫn có rủi ro. Do đó, không có con, các cặp vợ chồng vẫn có thể nhận con nuôi để duy trì hạnh phúc gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN