"Mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý"

Không còn khả năng sinh nở, chị H. chỉ còn biết trông vào cách tìm người mang thai hộ. “Nhưng giờ đây, pháp luật vẫn chưa cho phép, chưa có luật bảo vệ, mình lại sợ mất con lúc nào không hay. Mình từng chứng kiến trường hợp đẻ xong, người mang thai hộ không cần lấy tiền nữa, họ bế con chạy mất…”, chị H đau xót nói.

Chế định cho phép mang thai hộ đã được đưa vào Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Hy vọng từ tuyệt vọng

Mỗi lần nhắc tới chuyện luật pháp sẽ cho phép mang thai hộ, chị H. (Hạ Hoà, Phú Thọ) lại lấy đó làm hy vọng để an ủi trước hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình.

Giống như bao bà mẹ khác, khi mang thai, chị H. những mong sẽ sinh ra được đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào ngày trở dạ tại bệnh viện tuyến huyện, trường hợp của H lại là ca sinh khó. Sau khi bà đỡ đưa được con ra thì người mẹ trẻ bị băng huyết phải chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Khi lên được tới nơi đã là quá muộn, các bác sĩ đành cắt bỏ dạ con để cứu lấy tính mạng người mẹ.

"Mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý" - 1

Đẻ mướn không còn là chuyện hiếm (Ảnh minh họa)

Sinh được đứa con trai nhưng chị H. cơ cực không để đâu hết khi cháu bé lên ba mà vẫn bé như cái kẹo, không biết đi chỉ bò lê lết với khung xương toàn thân cong gù, không phát triển được. Vợ chồng chị H. mang con hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, hỏi mãi bác sĩ mới kết luận cháu bị bệnh không hấp thụ Vitamin D, còi xương cấp độ cao.

Giờ đây, tháng nào vợ chồng chị H. cũng phải ôm con xuống Hà Nội để lấy thuốc điều trị lên tới tiền triệu. Trong khi đó, bác sĩ cho biết, nếu may mắn, thì tới năm 19 tuổi, con traichị H. mới biết đi nhưng cũng sẽ rất khó khăn…

Không còn khả năng sinh nở, chị H. chỉ còn biết trông vào cách tìm người mang thai hộ. “Nhưng giờ đây, pháp luật vẫn chưa cho phép, chưa có luật bảo vệ, không chỉ tốn kém mà mình lại sợ mất con lúc nào không hay. Mình từng chứng kiến trường hợp đẻ xong, người mang thai hộ không cần lấy tiền nữa, họ bế con chạy mất…”, chị H đau xót nói.

Theo Luật sư Nguyễn Chiến (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), việc pháp luật cho phép mang thai hộ là cần thiết bởi xuất phát từ nhu cầu bảo tồn nòi giống.

“Trường hợp gia đình có những vị giáo sư, chuyên gia giỏi… nhưng lại không có khả năng sinh con, lại càng cần được cho phép mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý hiếm”, Luật sư Chiến nói.

Ngược lại, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn có nên đưa chế định mang thai hộ vào luật pháp hay không bởi rất khó kiểm soát những trường hợp phức tạp phát sinh, trong khi khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh TAND Tối cao, xây dựng chế định cho phép mang thai hộ sẽ gặp nhiều khó khăn, song không phải vì khó mà cấm mãi. “Có cấm thì người ta cũng vẫn cứ làm. Luật pháp không thể né tránh mãi được, chắc chắn sẽ có chuyện người dân lợi dụng chính sách mang thai hộ để thực hiện mục đích thương mại, song đó lại thuộc về câu chuyện hậu pháp luật”, ông Tưởng nói.

Cho phép, hàng loạt luật sẽ phải sửa theo

Theo Luật sư Trịnh Anh Dũng, pháp luật hiện đang nghiêm cấm hành vi mang thai hộ trong mọi trường hợp.

“Nếu chế định mang thai hộ được thông qua, Quốc hội cần ban hành đồng bộ các luật sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan khác như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… để điều chỉnh lại các nội dung có liên quan đến các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa người mang thai hộ và đứa trẻ”, Luật sư Dũng cho biết.

Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình lần này đã đưa chế định mang thai hộ vào Luật. Theo đó, hành vi mang thai hộ chỉ được phép khi có mục đích nhân đạo.

"Mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý" - 2

Nhiều ý kiến băn khoăn làm thế nào phân biệt mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay vì thương mại

Bà Bùi Thị Thanh Hằng (Khoa Luật- ĐH Quốc gia HN) cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, thiếu tính chuẩn xác. “Quy định chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm vì mục đích thương mại, nhưng Dự thảo lại không giải thích như thế nào là mục đích nhân đạo, như thế nào là mục đích thương mại? Trước mắt có vẻ nhân đạo nhưng sau nhiều năm, người mang thai hộ có thể "đòi" một phần tài sản mà đứa trẻ sẽ nhận được, thì sao?”, bà Hằng phân tích.

Để tránh những rắc rối này, bà Hà Thị Thanh Vân - Phó Ban Chính sách pháp luật, TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam, đề nghị: Đối tượng mang thai hộ cần phải có quy định trước hết phải là người thân trong gia đình, sau đó mới tính tới người khác…

“Tôi đã từng chứng kiến trường hợp gia đình nhờ một cô gái 25 tuổi mang thai hộ. Sau đó, người chồng lại nảy sinh tình cảm với cô gái kia và nhất định không muốn ở với vợ mình. Vậy vấn đề đặt ra là ai sẽ là người có quyền được nuôi đứa bé. Người vợ (người cho trứng) hay người mang thai hộ?”, bà Vân nói.

Ngoài ra, Dự thảo cũng cho phép, trong trường hợp chính đáng, người phụ nữ mang thai hộ có quyền quyết định về việc tiếp tục mang thai hộ hay không. “Trường hợp này, nếu pháp luật không quy định chặt chẽ, người mang thai hộ có thể đưa ra nhiều yêu sách kiểu “tống tiền” đối với bên nhờ mang thai với lý do, nếu không đưa thêm tiền sẽ tìm cách phá thai…”, bà Vân nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN