Mâm cúng và bài cúng ông Công ông Táo theo phong tục cổ truyền
Mâm cúng, bài cúng ông Công ông Táo đúng phong tục cổ truyền mang nhiều ý nghĩa về tâm linh đối với gia chủ.
Mâm cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị rất chu đáo. Ảnh minh họa
Theo ông Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), cúng ông Công ông Táo là một trong những nghi thức cúng quan trọng trong năm của người dân Việt Nam. Do đó, vào ngày này, người dân thường chuẩn bị mâm cúng rất chu đáo.
Mâm cúng ông Công ông Táo gồm: một mũ cho nữ và hai mũ cho nam; 3 bộ áo, hài, tiền vàng; Hương thơm, đèn cầy, nến sáng; Hoa tươi, một đĩa ngũ quả, rượu tẻ, thuốc lá, chè; Trầu cau tươi; Thịt lợn luộc, gà luộc, giò nạc, canh măng…
Đặc biệt, phải có thêm 3 con cá chép hoặc nhiều hơn nhưng là số lẻ, vì dân gian quan niệm số lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Cúng xong đem cá phóng sinh ra sông, hồ với ý nghĩa tượng trưng “cá chép hóa rồng” đưa ông Công ông Táo về chầu trời.
Bên cạnh đó, khi phóng sinh cần tránh việc làm có thể trở thành sát sinh. Nên chọn nơi nước không ô nhiễm để phóng sinh cá; không thả cá từ trên cao; tránh thả cá tại nơi có đông người đánh bắt…
Dân gian quan niệm, lễ cúng ông Công ông Táo đẹp nhất là tối 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp, cần được thực hiện trước giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ).
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong xã hội hiện đại ngày nay, ngày 23 tháng Chạp có khi rơi đúng ngày các gia đình phải đi làm, không chuẩn bị được thời gian để cúng đúng giờ Ngọ. Do đó, các gia đình có thể cúng trước ngày 23 tháng Chạp.
Mốc thời gian không ai quy định nhưng thông thường, người dân có thể cúng sớm trước khoảng một tuần, trong khoảng từ rằm tháng Chạp đến 23 tháng Chạp.
Bên cạnh đó, không nhất thiết phải cúng ông Công ông Táo vào lúc giữa trưa, mà có thể cúng vào bất kỳ lúc nào thuận tiện và trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, không được làm lễ sau giờ này.
Về nơi cúng: Người dân có thể cúng trên bàn thờ gia tiên hoặc cúng trong bàn thờ táo quân trong bếp.
Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nguồn: [Link nguồn]
Theo quan niệm dân gian Táo quân là vị thần định đoạt may, rủi, phúc họa cho gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.