Mali: Nghẹt thở giải cứu con tin, 12 người chết

Đặc nhiệm Mali xông vào khách sạn, giải cứu 4 nhân viên Liên Hợp Quốc và tiêu diệt 4 tay súng Hồi giáo.

Ngày 8.8, các lực lượng an ninh Mali đã tràn vào một khách sạn dành cho các nhân viên Liên Hợp Quốc ở thị trấn Sevare của nước này, giải cứu 4 con tin bị các chiến binh Hồi giáo bắt cóc sau gần 24 giờ bao vây căng thẳng khiến 12 người thiệt mạng.

Những tay súng Hồi giáo này bắt đầu xông vào khách sạn Byblos vào sáng sớm hôm thứ Sáu, và sau đó nổ súng chống trả kịch liệt lực lượng quân đội chính phủ bao vây bên ngoài.

Mali: Nghẹt thở giải cứu con tin, 12 người chết - 1

Lực lượng an ninh Mali bao vây các tay súng bên trong khách sạn

Người phát ngôn phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) cho hay 4 nhà thầu của Liên Hợp Quốc đến từ Nam Phi, Nga và Ukraine đã được giải thoát trong chiến dịch giải cứu con tin do lực lượng an ninh Mali tiến hành lúc rạng sáng. Được biết những người này đã ẩn nấp trong khách sạn nên những kẻ bắt cóc con tin không phát hiện ra.

Tuy nhiên chính phủ Mali xác nhận đã có 3 con tin thiệt mạng trong cuộc tấn công, ngoài ra còn có 5 binh sĩ quân đội chính phủ và 4 tay súng Hồi giáo cũng đã chết trong khi đấu súng. Cảnh sát Mali đã bắt giữ 7 đối tượng tình nghi có liên quan đến vụ tấn công đẫm máu này.

Một người dân sống gần khách sạn cho biết: “Cuộc tấn công diễn ra vào lúc 4 giờ sáng. Chúng tôi không hề nghe thấy những tiếng nổ lớn hay súng hạng nặng. Chỉ có vài tiếng nổ của những loại vũ khí nhỏ”.

Trước đó, quân đội Mali cũng đã thử dùng các loại vũ khí hạng nặng, trong đó có cả súng phóng lựu, nhằm tiêu diệt những tay súng cố thủ bên trong khách sạn nhưng không thành, khiến cuộc bao vây phải kéo dài.

Mali: Nghẹt thở giải cứu con tin, 12 người chết - 2

Đặc nhiệm Mali quyết định tấn công vào khách sạn từ sáng sớm

Một nguồn tin quân đội Mali cho biết lực lượng đặc nhiệm của nước này là đơn vị đã thực hiện cuộc tấn công giải cứu con tin vào lúc rạng sáng. Người phát ngôn quân đội Mali cho hay lực lượng an ninh của Pháp đã hậu thuẫn họ trong cuộc tấn công này, nhưng nhà chức trách Pháp nói rằng binh sĩ của họ không tham gia trực tiếp vào cuộc đột kích.

Một quan chức Pháp tuyên bố: “Chúng tôi chỉ đóng vai trò phối hợp với MINUSMA và lực lượng vũ trang Mali, nhưng đây là vai trò bình thường mà chúng tôi vẫn thường đảm nhiệm”.

Mali từng là thuộc địa của Pháp, và vào năm 2013, một chiến dịch quân sự do Pháp khởi xướng đã đẩy lùi phiến quân Hồi giáo, những kẻ lợi dụng phong trào nổi loạn của người Tuareg và một cuộc đảo chính quân sự để kiểm soát lãnh thổ ở miền bắc Mali.

Liên Hợp Quốc đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới quốc gia này để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phe ly khai Tuareg, tuy nhiên những chiến binh Hồi giáo bị gạt khỏi vòng đàm phán đã phát động một phong trào nổi dậy.

Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác lo ngại rằng những chiến binh Hồi giáo cực đoan có thể biến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh của Mali thành bàn đạp để mở các cuộc tấn công vào lợi ích của phương Tây một khi chúng tập trung đủ quyền lực và sức mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hà (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN