Malaysia muối mặt vì nhà ngoại giao hiếp dâm thiếu nữ
Báo chí Malaysia đã phanh phui danh tính của nhà ngoại giao bị cáo buộc hiếp dâm ở New Zealand.
Ngày 1/7, Tòa án Tối cao New Zealand đã cho phép truyền thông nước này công bố danh tính của nhà ngoại giao Malaysia có hành vi hiếp dâm một cô gái ở thủ đô Wellington nhưng lại không bị truy tố vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Nhà ngoại giao Malaysia đã có hành vi khiến dư luận New Zealand phẫn nộ trên là Muhammad Rizalman bin Ismail, người đã bị cảnh sát Wellington bắt giữ từ hồi tháng Năm sau khi ông này đột nhập vào nhà một cô gái 21 tuổi với ý đồ hiếp dâm.
Tuy nhiên, Ismail tuyên bố mình có quyền miễn trừ ngoại giao, và cảnh sát đã phải thả ông này ngay lập tức. Chính phủ New Zealand cũng bất lực khi yêu cầu hủy bỏ quyền miễn trừ ngoại giao đối với Ismail bị chính phủ Malaysia bác bỏ.
Trụ sở cơ quan ngoại giao Malaysia ở thủ đô New Zealand
Nhà ngoại giao này sau đó đã rời khỏi New Zealand để trở về nước, và Tòa án Tối cao New Zealand ra lệnh cho báo chí nước này không được phép tiết lộ danh tính của ông này cũng như tên nước chủ nhà.
Tuy nhiên, chính báo chí Malaysia đã khui ra vụ này và công bố danh tính của Ismail. Chính phủ Malaysia cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào chiều nay về vụ việc "muối mặt" trên. Trước tình hình đó, các tờ báo lớn của New Zealand đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa án Tối cao đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm trên, và đề nghị của họ đã được tòa án chấp nhận.
Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully tuyên bố ông ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm công bố danh tính của nhà ngoại giao này.
Ông McCully nói: “Tôi không thấy có lý do nào để duy trì lệnh cấm trên. Thông thường lệnh cấm đó được ban ra để bảo vệ một phiên tòa công bằng, nhưng nhà ngoại giao này lại không hề bị xét xử.”
Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully
Ngoại trưởng New Zealand cũng nhấn mạnh rằng nước này đã yêu cầu Malaysia xem xét nghiêm túc trường hợp của nhà ngoại giao trên, và người này phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Trong khi đó, cha của một cô gái thiệt mạng trong một vụ đâm xe vào năm 1984 do một nhà ngoại giao gây ra đã lên tiếng đề nghị chấm dứt chế độ miễn trừ ngoại giao, vì nó đang bị lạm dụng một cách tràn lan.
Cô Sacha MacFarlane đã chết ở tuổi 20 khi bị một nhà ngoại giao Chile say rượu lái xe lấn làn và đâm vào xe cô. Nhà ngoại giao Luis Felipe Lopez rời khỏi New Zeland mà không bị truy tố vì được hưởng quyền miễn trừ, và phải mất tới 25 năm sau ông này mới đưa ra lời xin lỗi.
Ông Kester MacFarlane, cha của Sacha nói rằng chế độ miễn trừ ngoại giao hiện nay đang bị lợi dụng như một cái cớ để người ta vi phạm pháp luật của nước sở tại. Ông này bức xúc: “Với quyền miễn trừ, họ đứng trên pháp luật, họ không phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.”
Theo Công ước Vienna, các nhà ngoại giao làm việc ở nước sở tại sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, đồng nghĩa với việc họ không bị bắt giữ hoặc truy tố trong trường hợp vi phạm pháp luật địa phương.