Mặc áo in lá cần sa có bị xử phạt?

Các luật sư cho rằng, để có căn cứ xử phạt hành chính người sản xuất, sử dụng áo in hình lá cần sa thì cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích.

Mặc áo in lá cần sa có bị xử phạt? - 1

Thông tin “mặc áo in hình cần sa sẽ bị phạt 40 triệu” chia sẻ rộng rãi trên facebook.

Vừa qua, một số trang mạng xã hội chia sẻ thông tin “Mặc áo in hình cần sa sẽ bị phạt 40 triệu”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc, người mặc áo in lá cần sa có vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính hay không?

PV đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên thanh) và luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) để tìm câu trả lời.

Theo đó, luật sư Tuấn Anh và luật sư Kiên đều cho rằng, cần sa là mặt hàng bị pháp luật cấm buôn bán, sử dụng vì vậy việc sản xuất sản phẩm thời trang có hình lá cần sa để quảng cáo hoặc sử dụng sản phẩm thời trang có in hình lá cần sa với mục đích quảng cáo sẽ bị cấm.

Tuy nhiên, nếu việc sản xuất sản phẩm thời trang như quần áo in lá cần sa không nhằm mục đích quảng cáo, người sử dụng sản phẩm này không có động cơ quảng cáo cho lá cần sa thì không bị xử phạt.

“Để xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi sản xuất, in ấn, sử dụng áo có hình lá cần sa lực lượng chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của người sản xuất và sử dụng sản phẩm này.

Cơ quan chức năng phải chứng minh được việc sản xuất, hoặc mặc trang phục đó là nhằm mục đích quảng cáo, quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ bị cấm thì mới có căn cứ để xử phạt.

Tuy nhiên, việc chứng minh này là rất khó. Không phải tất cả các hành vi của con người đều có thể phân tích được rõ ràng động cơ. Quyền ăn mặc là quyền riêng tư của cá nhân nên việc chứng minh lại càng khó.”, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.

Luật sư Lê Văn Kiên thì cho biết, nếu cơ quan chức năng có căn cứ chứng minh người sản xuất hoặc sử dụng áo in hình lá cần sa để quảng cáo thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

“Pháp luật hiện hành không có chế tài xử phạt người in lá cần sa lên áo để mặc cho đẹp hoặc sử dụng sản phẩm có in lá cần sa với mục đích làm đẹp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta không nên cổ súy cho việc mặc các trang phục có hình nhạy cảm, dễ dẫn đến hiểu nhầm như việc sản xuất, in ấn, sử dụng áo có hình ảnh lá cần sa.

Về mặt thẩm mỹ chiếc áo có thể đẹp nhưng nếu thật sự nó gây tác dụng xấu với một số người nghiện hút cần sa thì chúng ta nên cân nhắc khi sử dụng”, luật sư Kiên nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN