Mã số công dân - giải pháp triệt tiêu tham nhũng

Cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân. Liên quan đến vấn đề này, đã có không ít ý kiến bàn về mã số công dân.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài viết "Mã số công dân - giải pháp triệt tiêu tham nhũng" của tác giả Nguyễn Bá Duyên (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Chính phủ) từ quan điểm coi mã số công dân như một giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Dù cách làm khác nhau, nhưng ở nhiều nước phát triển, việc lập mã số công dân - hay số định danh cá nhân theo cách gọi trong Luật Căn cước công dân - đã được thực hiện nhằm quản lý xã hội hiệu quả, đặc biệt là phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ cách đây nhiều năm, ở các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch… để mua được một chiếc ô tô, nhà, tài sản có giá trị, người mua bắt buộc phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp. Khi có hành vi vi phạm pháp luật, cảnh sát chỉ cần quẹt thẻ mã số công dân sẽ biết đủ thông tin về người vi phạm và biết phải xử lý thế nào.

Có thể thấy, các quốc gia phát triển đã có hệ thống quản lý thông tin chặt chẽ nên thông tin cá nhân có thể lưu trữ riêng biệt trên một số loại giấy tờ như hộ chiếu, bằng lái xe và thẻ ngân hàng. Riêng phần thông tin về tài sản cá nhân đã có hệ thống ngân hàng quản lý do tiền mặt hầu như không được sử dụng, nhất là khi giao dịch với số lượng lớn. Gần đây, theo yêu cầu chống tham nhũng, ngay cả các ngân hàng Thụy Sĩ, nơi giữ bí mật thông tin cá nhân vào bậc nhất thế giới, cũng phải cung cấp thông tin tài khoản cá nhân theo yêu cầu của nhà chức trách.

Trong khi đó, với những quốc gia có thói quen sử dụng tiền mặt trong hầu hết các giao dịch như ở Việt Nam thì việc quản lý thông tin về tài sản cá nhân là cực kỳ khó khăn.

Một giải pháp nhằm hạn chế, dẫn đến loại trừ tham nhũng là khai báo tài sản trong thông tin định danh của công dân ngay khi được cấp mã số công dân. Đây là một giải pháp có tính căn bản, mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi sẽ quản lý được tài chính của từng công dân trong cả quốc gia.

Việc thiết lập mã số công dân có thể đi theo quy trình như thế nào?

Mã số công dân là tài khoản riêng của mỗi công dân. Trong đó chứa dữ liệu cơ bản liên quan đến toàn bộ cuộc đời của một công dân, cụ thể là lý lịch, tài sản, thu nhập, cập nhật lý lịch và cập nhật kê khai tài sản hằng năm...

Trước hết, cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, có thể là nghị định của Chính phủ, quy định về lập mã số công dân. Việc khai báo và cập nhật mã số công dân thực hiện tương tự như khai báo mã số thuế thu nhập cá nhân nhưng trên phương diện rộng hơn, kê khai thông tin nhiều hơn.

Tiếp theo là thành lập một Ban chỉ đạo quản lý mã số công dân thuộc Chính phủ. Phần mềm về mã số công dân đã được thiết lập và ứng dụng ở nhiều nước phát triển. Việt Nam có thể mua lại phần mềm đã có sẵn ở các quốc gia có ứng dụng này. Đặc biệt, có thể thuê chuyên gia tại các quốc gia này giúp cho việc thiết lập mã số công dân.

Với ứng dụng công nghệ thông tin hiện tại, theo các chuyên gia về tin học, việc thiết lập trên 90 triệu mã số để quản lý tương ứng với trên 90 triệu hồ sơ công dân (toàn bộ dân số Việt Nam) là hoàn toàn khả thi.

Gần đây, công nghệ tin học phát triển với tốc độ rất nhanh. Hầu hết giới trẻ đã tự thiết lập cho mình các trang thông tin cá nhân trên các mạng xã hội, ví dụ như Facebook, Twitter... Việc thiết lập mã số công dân giống như thiết lập Facebook của mỗi cá nhân, tuy nhiên mã số công dân là thông tin quản lý của Nhà nước, các thông tin đều mang tính pháp luật.

Trước đây, việc kê khai tài sản đã thực hiện đối với một số đối tượng công chức, viên chức nhưng chưa có tác dụng nhiều đối với công tác chống tham nhũng. Còn với mã số công dân, việc kê khai tài sản áp dụng đối với mọi công dân từ khi sinh ra đến khi mất, tức là tài sản của mọi công dân trong quốc gia mới được kiểm soát, không thể “chạy” từ người này sang người khác một cách kém minh bạch.

Vì vậy, để phát huy hiệu quả của mã số công dân, mọi công dân cần phải khởi tạo thông tin công dân và kê khai tài sản một cách thống nhất trên toàn quốc. Khi đã khai báo thông tin trên mã số, công dân phải có trách nhiệm với mọi thông tin đã khai. Thông tin giao dịch về các tài sản đã được thực hiện, lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền, ví dụ như hợp đồng mua bán, cho, biếu, tặng, trúng xổ số… là thông tin do Nhà nước quản lý, cá nhân không thể tự thay đổi được.

Mỗi khi có các giao dịch tài sản có giá trị lớn tại các cơ quan có thẩm quyền, các tài sản công dân phải được cập nhật ngay vào thông tin công dân. Ví dụ, mua nhà đất, xe hơi, giao dịch qua ngân hàng… thì các thông tin này phải được cập nhật thông qua phần mềm quản lý mã số công dân tại nơi giao dịch.

Ngoài ra, công dân cần cập nhật thông tin về các tài sản khác theo định kỳ, mỗi năm một lần. Các tài sản của công dân như tiền mặt, vàng bạc, đá quý, kim loại quý… có giá trị nhỏ hình thành từ các giao dịch trên thị trường mà không thông qua các hợp đồng mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền thì có thể được công dân tự cập nhật thông qua phần mềm thống nhất qua Internet nhằm bảo vệ tài sản này. Nếu tài sản nào không được khai báo thì cơ quan quản lý có quyền xử phạt hoặc áp dụng các chế tài khác khi phát hiện.

Kê khai và công khai

Tài sản cá nhân là bắt buộc phải kê khai. Tuy nhiên, công dân có quyền công khai hoặc không công khai tài sản của mình. Tài sản cá nhân chỉ được công khai khi chủ sở hữu tài sản đó đồng ý. Cá nhân khi kê khai tài sản sẽ quyết định lựa chọn công khai hay không.

Cơ quan có thẩm quyền là người được biết và có trách nhiệm giữ bí mật nội dung toàn bộ kê khai của đối tượng mình quản lý. Công dân thuộc tổ chức quản lý thì người đứng đầu tổ chức quản lý đó được quyền biết tài sản kê khai của cá nhân.

Theo tính toán, với việc trang bị hệ thống máy tính, hệ thống mạng, phần mềm, hệ thống lưu trữ thông tin…, tổng đầu tư ban đầu sẽ vào khoảng 8,5 triệu USD. Các thông tin cá nhân sẽ được cập nhật, lưu trữ trong suốt cuộc đời của công dân, vì vậy các thiết bị lưu trữ cần được hoạch định nhằm bổ sung, dự phòng trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ lưu trữ ngày một tiến bộ nên càng ngày giá thành lưu trữ càng giảm.

Về thời gian, giả sử mỗi công dân cần tối đa 30 phút = 0,5 giờ để nhập thông tin vào máy tính, nếu chỉ sử dụng một máy tính ở mỗi phường, xã thì tổng thời gian cần thiết để thiết lập và khởi tạo mã số công dân là 16 tháng. Nếu sử dụng 2 máy tính ở mỗi phường, xã thì thời gian cần là 8 tháng. Nếu sử dụng 3 máy tính ở mỗi phường, xã thì thời gian cần là 5 tháng.

Mã số công dân được khai báo từ một website riêng do Chính phủ quản lý với chương trình bảo mật tốt nhất. Việc thiết lập mã số công dân không cần phải có đường truyền riêng mà hoàn toàn có thể sử dụng mạng Internet.

Một số bất cập và hướng giải quyết

Tuy nhiên, nhiều bất cập cũng có thể nảy sinh. Một tài sản cố định như nhà cửa, đất đai, ô tô, có thể có chung nhiều người sở hữu, như vợ, chồng, anh em ruột, cổ đông trong doanh nghiệp… cùng sở hữu. Trường hợp này khi kê khai cần phân định rõ, gia đình hay tập thể phải phân định rõ cho từng cá nhân sở hữu bao nhiêu phần trăm giá trị tài sản.

Một số đối tượng không muốn kê khai tài sản do tại thời điểm kê khai, tài sản quá lớn so với thu nhập, vị trí công việc hiện tại, không chứng minh được nguồn gốc tài sản. Vì vậy, cần quy định tài sản kê khai lần đầu theo mã số công dân không cần phải chứng minh nguồn gốc. Vì khi chưa có mã số công dân, chứng minh nguồn gốc tài sản hình thành của mỗi cá nhân là điều không thể làm được. Sau này, khi mỗi cá nhân đều đã có mã số công dân thì việc chứng minh nguồn gốc của tài sản tăng thêm là điều bắt buộc.

Có người không muốn kê khai thì cũng có những người muốn khai khống, “khai trước” nhằm không phải giải trình nguồn gốc các tài sản xuất hiện sau này. Do đó, cần phải xác minh quyền sở hữu tại thời điểm kê khai. Ví dụ, xác định tiền trên tài khoản, tiền mặt và tài sản có giá trị như tiền (chứng khoán, kim loại quý, đá quý). Nhà cửa thì phải có sổ đỏ, ô tô, phương tiện thì có đăng ký chính chủ hoặc có giấy mua bán chuyển nhượng…

Các biến động về tăng, giảm tài sản, thu nhập trong năm cần phải khai báo trung thực. Thời gian kê khai định kỳ cũng cần được quy định. Ví dụ, tài sản tăng thêm sau 12 tháng không kê khai được coi là tài sản không hợp pháp, sẽ phải nộp công quỹ, ví dụ 20% giá trị tài sản/năm. Sau 5 năm không kê khai, Nhà nước sẽ thu toàn bộ. Trường hợp không có tài sản mà khai có tài sản, khi bị phát hiện sẽ phải nộp phạt 20% giá trị tài sản đã khai khống.

Trường hợp có tài sản nhưng khai không đúng giá trị sẽ bị phạt tiền theo từng mức độ vi phạm cụ thể. Các tài sản giao dịch không thông qua hợp đồng tại các cơ quan có thẩm quyền như tiền mặt, vàng bạc, đá quý, kim loại quý với số lượng lớn mà không khai báo có thể bị tịch thu.

Ngược lại, công dân thực hiện đúng pháp luật, thực hiện kê khai đúng mã số công dân, hằng năm sẽ được tích điểm chỉ số tín nhiệm công dân. Chỉ số tín nhiệm cao thì sẽ có quyền lợi trong các giao dịch xã hội: Vay tiền ngân hàng, mua vé máy bay, tàu xe, ưu tiên cấp hộ chiếu, cấp thị thực… Và chỉ số tín nhiệm công dân sẽ được so sánh giữa các công dân khi cần thiết như lựa chọn người làm quản lý, người thay mặt đại diện công dân, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…

Có cần thí điểm?

Nếu mã số công dân chỉ thiết lập thí điểm tại một địa phương, một vài cơ quan, thì sẽ không có giá trị, do nội dung, mục đích và tính chất của mã số công dân sẽ bị sai lệch. Do vậy, sau khi nghiên cứu kỹ mọi khía cạnh của dự án lập mã số công dân thì phải thực hiện đồng thời trong cả nước.

Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh một trong những mục tiêu cấp bách trong thời gian tới là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống. Mã số công dân là việc ứng dụng công nghệ thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Sau khi mã số công dân được thiết lập đầy đủ và thành công sẽ là một bước ngoặt mới trong công tác quản lý Nhà nước. Tệ nạn tham nhũng nhiều khả năng sẽ bị triệt tiêu căn bản.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua dự thảo Luật Căn cước công dân, tuy nhiên vấn đề thiết lập mã số công dân để ngăn chặn tham nhũng chưa được bàn kỹ lưỡng.

Luật cũng quy định công dân đến 14 tuổi mới phải lập mã số, cấp thẻ căn cước thì tác dụng không thay đổi so với sử dụng chứng minh thư nhân dân trước đây, mặt khác chưa ứng dụng nhiều những ưu thế to lớn của công nghệ thông tin. Nên chăng cần có những thảo luận sâu rộng hơn về vấn đề mã số công dân mà một trong những mục tiêu quan trọng là phòng chống tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Bá Duyên (Chinhphu.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN