Ly kỳ giếng cổ sâu 3m, không bao giờ cạn

Sự kiện: 24h vạn dặm

Nước giếng dùng pha trà ngon hết ý, nước xanh, trà thơm. Ngày hạn, 8 gia đình bơm cùng lúc không cạn. Giếng từng dùng tưới tiêu, phục vụ cho toàn bộ sinh viên Đại học Thủy lợi và Giao thông vận tải về sơ tán. Bên cạnh giếng này còn tồn tại những chuyện ly kỳ về kho báu dưới đáy cùng chuyện trinh nữ và chó đá trấn yểm…

Giếng có từ bao giờ?

Chuyện cái giếng lạ ở xã xóm Chùa (xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang) cứ tưởng là chuyện phiếm, chuyện bịa nhưng hiện nay, mỗi khi gặp gỡ người dân vùng Tứ Sơn (Tứ Sơn là tên gọi của 4 xã Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh - trước đây gọi là Bắc Sơn) vẫn thường kể cho nhau nghe.

Chúng tôi tìm về Vô Tranh để được tận thấy cái giếng nhiều lời đồn thổi này. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được giếng nằm nằm sát đường liên thôn, cạnh góc vườn nhà ông Nguyễn Văn Phụng ở xóm Chùa, thôn Tranh. Thoạt trông, giếng cũng bình thường như bao cái giếng khác: được kè gạch, nền xung quanh được đổ bê tông như giếng “đời mới”, trên có nắp đậy bằng gỗ. Mở nắp đậy, vẫn không có mấy dấu hiệu “cổ”. Thành giếng cao khoảng 3m đều được xây bằng gạch nung kiểu mới, vuông thành sắc cạnh. Duy chỉ có điểm lạ: Mực nước khoảng 1,5m, nước trong vắt, nhìn rõ cả đáy. Xung quanh đáy là các vỉa đá tự nhiên.

Chúng tôi tìm gặp ông Phụng, người có hơn 40 năm dùng nước giếng này. Qua lời kể của ông, những chuyện kỳ bí về chiếc giếng hiện lên trùng trùng điệp điệp. Ông Phụng kể, lúc nhỏ ông đã nghe các cụ già nhất trong làng nói rằng từ khi họ sinh ra, giếng đã có rồi. Ông Phụng cho rằng, giếng có từ rất lâu, còn thời nào thì không ai biết. Trước đây, giếng còn có tên gọi khác là giếng Đình, vì bên giếng có một ngôi đình và cây đa cổ thụ. Vào ngày rằm hàng tháng, người dân vẫn tụ tập họp chợ.

Từ nhỏ, ông Phụng đã được nghe các cụ kể những câu chuyện ly kỳ. Tương truyền sau khi giặc Tàu thua trận, rất nhiều của cải nhưng không mang đi hết được. Vì thế, chúng chôn xuống dưới lòng giếng và trấn yểm để không ai chiếm đoạt được. Để yểm bùa, pháp sư chôn theo một cô gái đồng trinh. Chôn cùng cô gái là con chó đá được “phù phép”. Xuất phát từ việc yểm bùa này, tên gọi giếng Đình còn được gọi là giếng Chợ Bà Cô.

Vớt được chó đá và giai thoại bị thổi phồng

Theo lời ông Phụng, nước giếng trong, mát và ngọt, dù hạn hán kéo dài cũng không bao giờ cạn, dân làng khi đi qua đây vẫn thường ghé vào uống nước. Đặc biệt, người muốn uống nước phải nói câu xin nước rồi lẳng lặng mà uống, không được dùng rửa mặt hay tay chân. Xong xuôi, người uống nước phải lặng lẽ rời đi, không được khen hay chê bất cứ một lời nào.

Chuyện cái giếng bị yểm bùa bằng cô gái đồng trinh và chó đá lại xôn xao khi vào năm 2006, dân làng tiến hành vệ sinh, tu sửa lại giếng lại phát hiện ra chó đá. Ngồi trước mặt chúng tôi, ông Hoàng Văn Triệu, cũng là một người trong thôn xác nhận, chính ông dùng xà beng đào, va vào con chó đá trong tư thế ngồi giữa giếng. Sau đó, 7 - 8 thanh niên buộc dây, đưa được chó đá lên mặt đất, ước chừng chó đá nặng 1,5 - 2 tạ. Ông Triệu miêu tả, chó đá được tạc từ đá xanh liền khối trong tư thế ngồi, 2 tai vểnh về phía trước, lưỡi thè ra như muốn tấn công người đối diện. Cổ chó có đục tràng hạt, đẹp mắt.

Giếng sâu 3 m, mực nước 1,5 m nhưng không bao giờ cạn

Giếng sâu 3 m, mực nước 1,5 m nhưng không bao giờ cạn

Riêng chuyện chó đá cũng lắm ly kỳ. Sau khi được đào lên, chó được đặt cạnh nền giếng, thi thoảng có người đến thắp hương khấn vái. Bẵng đi một năm thì chó đá biến mất vào dịp giáp Tết. Ông Triệu kể, qua Tết, ông gặp một thầy tướng số, người này phán rằng không cần phải đi tìm, khắc có người đem trả. Cuối năm, cũng nhằm ngày giáp Tết, buổi sớm tinh mơ, mọi người lại thấy chó đá ngồi bên giếng với bát hương đang cháy dở và hoa quả, tiền, vàng đốt xung quanh.Ông Phụng, ông Triệu cùng những hộ dân khác sau đó xác định được người lấy chó đá ở xóm Trại Găng gần đó. Cả năm giữ chó đá, gia đình người đó luôn gặp trục trặc, vợ chồng con cái hết tai nạn giao thông lại ốm đau liên miên. Cuối năm 2008, chó đá lại biến mất, đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Sau việc phát hiện được chó đá, càng nhiều người tin rằng dưới giếng có giấu vàng. Mấy năm sau đó, liên tục có các đoàn người từ khắp nơi đổ về. Họ mang theo máy dò kim loại sục sạo quanh giếng. Ông Triệu, ông Phụng và các gia đình xung quanh không ít lần giữa đêm phải thức dậy tri hô dân làng đuổi nhóm người đào trộm giếng. “Theo tôi, vì trước đây có lời đồn giếng thiêng, không ít người đi qua đã vứt tiền xu xuống.Quá trình nạo vét giếng, chúng tôi cũng nhặt được vài đồng tiền cổ chứ không có kho báu gì dưới đó” - ông Triệu nói và cho hay muốn chuyện này chấm dứt để các ông không phải mất công canh giếng.

Tặng phẩm trời ban

Chuyện ly kỳ về giếng Chợ Bà Cô vẫn còn đó và hiện nay, gần chục hộ dân quanh khu vực giếng đều sử dụng nước giếng để nấu ăn, pha chè hay tắm rửa, giặt giũ. Năm 2019, giếng được những hộ dân này cải tạo lại, kè gạch, xây bờ, làm nắp đậy, xung quanh đổ bê tông sạch sẽ. Chúng tôi trở lại giếng, lấy gàu múc nước uống thử,thấy nước mát và ngọt, không hề có mùi lạ.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lục Nam cho hay, giếng ở xóm Chùa, Vô Tranh có từ lâu đời. Chuyện giếng bị yểm bùa bằng cách không có căn cứ xác thực. Trước đây, nhiều người uống nước bị đau bụng có khả năng do giếng ở ven đường bụi bặm, lá cây rụng xuống mục thối gây mất vệ sinh nguồn nước. Việc nạo vét giếng tìm thấy chó đá là thật nhưng có thể trước đây có người thả xuống vì chó đá thường được đặt trước cổng, một số nơi đặt trên bệ thờ để hóa giải điều xấu, ông Đăng cho hay.

Ông Phụng cho biết, tất cả các hộ dân dùng nước không nhà nào phải tốn tiền mua máy lọc nước. “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần mang mẫu nước ra Trung tâm Y tế Dự phòng huyện xét nghiệm và đều đạt tiêu chuẩn nước sạch. Dùng nước giếng này pha chè thì hết ý, nước xanh, trà thơm. Nhiều hộ ở xa thỉnh thoảng lại mang can lấy nước về pha trà” - ông Phụng nói.

Không chỉ dùng trong sinh hoạt, những hộ dân còn dùng nước giếng trong tưới tiêu. Những ngày nắng hạn, cả 8 gia đình thay nhau bơm nước tưới cây nhưng giếng không cạn. Ông Phụng lý giải: “Giếng nằm giữa khe núi, phía Nam là hòn Tam Loan, phía Bắc là dãy đồi cao nên nước dồn về nhiều. Trước đây, nước giếng đủ tưới cho cả cánh đồng của hợp tác xã. Những năm chiến tranh, giếng nước phục vụ cho sinh viên Đại học Thủy lợi và Giao thông vận tải về sơ tán”.

Nước giếng trong văn vắt, mát, ngọt

Nước giếng trong văn vắt, mát, ngọt

Xử phạt đại diện đoàn làm phim tự ý ”trang điểm” cho giếng cổ Đường Lâm

Cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt đại diện đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” vì tự ý dùng màu “trang điểm” cho giếng cổ Đường Lâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hưng ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN