Ly kỳ chuyện "thần" giữ đảo ở Hòn Dấu
Đảo Hòn Dấu (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) chứa đựng biết bao nhiêu kỳ bí của thiên nhiên và những câu chuyện ly kỳ của người dân miền biển.
"Thiên đường xanh" của thành phố Cảng
Cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 5km, chỉ chưa đầy chục phút chạy tàu, là đã đặt chân lên đảo Hòn Dấu (đảo Dấu). Khác biệt với sự ồn ào, hiện đại của thành phố Cảng, đảo Dấu yên bình, mướt mát một màu xanh.
Nơi đây vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, đẹp đẽ của thiên nhiên với rừng nguyên sinh lâu đời kỳ vĩ. Trong đó, có thể kể đến quần thể cây đa, si, sanh… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, từ vài đến chục người ôm không hết, hiếm thấy khắp vùng duyên hải phía Bắc.
Cây lim cổ thụ có tuổi thọ trên 800 năm ở Hòn Dấu
Ông Trần Khắc Kiên, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn tự hào chia sẻ, từ lâu, đảo Hòn Dấu được mệnh danh là "thiên đường xanh".
Quần thể cây đa búp đỏ trên đảo Hòn Dáu là quần thể cây đa cổ thụ nhiều nhất Việt Nam với hàng trăm cây mới được các nhà khoa học phát hiện, trong đó có 45 cây hơn 100 tuổi. Năm 2013, quần thể Đa cổ thụ gồm 35 cây trên đảo Hòn Dấu được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
Có rất nhiều tích xưa kể về sự hình thành của đảo Dấu, có người thì giải thích dựa trên yếu tố tâm linh, nhưng cũng có người cho rằng đảo Dấu được hình thành trong những cuộc chuyển dịch của thềm lục địa từ xa xưa. Khi đó, một phần dãy núi tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, trở thành đảo Hòn Dấu nguyên sinh như ngày nay.
Một trong những cây lim cổ thụ được xác định là cây di sản trên đảo Hòn Dấu
Nằm ngay cạnh cầu tàu Hòn Dấu, sát bên bờ biển và nằm dưới những tán cây cổ thụ, khổng lồ xanh mướt là ngôi đền cổ thờ Nam Hải Thần Vương - một vị thần của đảo.
Ông Trần Khắc Kiên, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn: Quận Đồ Sơn đang tiếp tục bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử của đảo Hòn Dấu cũng như các cây xanh cổ thụ hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi, để phục vụ khách thăm quan cũng như tuyên truyền bảo vệ biển đảo, bảo vệ các giá trị lịch sử của hòn đảo này.
Ngoài ra, quận Đồ Sơn cũng đã thực hiện việc cải tạo các khu vực thăm quan, làm đường giao thông kết nối thuận lợi từ bán đảo Đồ Sơn ra đảo Hòn Dấu và các tuyến đường thăm quan khu vực đảo. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường biển đảo, tạo không khí tốt nhất cho du khách đển thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử hòn đảo này”.
Câu chuyện "thần" giữ đảo chẳng biết có tự bao giờ, nhưng những người dân quanh vùng, những người thường đánh bắt quanh khu vực đảo Hòn Dấu vẫn thường kể lại, nếu chặt cây, nhặt đá hay cầm nhầm vật gì từ đảo về, thế nào cũng có sự lạ, thường là sự không may, trẻ con thì quấy khóc. Sau ra đền làm lễ, hoàn trả đồ vật về đảo lại khỏi ngay.
Các cụ cao niên trông coi ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương xác nhận câu chuyện này và cho biết, đảo Dấu rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây hay một cành gỗ cũng sẽ bị phạt và phải đem trả lại mới yên. Cho nên nhất là dân làng chài, họ tuyệt nhiên không bao giờ dám động đến bất kỳ một thứ gì trên đảo.
Du khách lạ đến đảo cũng thường được người dân địa phương nhắc nhở, nên vì vậy, dù trên đảo có rất nhiều cây hoa đẹp mướt mải, những bãi sỏi cuội trắng xóa mê mẩn... nhưng không một ai hái nhành hoa hay nhặt vài viên sỏi làm kỷ niệm.
Còn những cây gỗ lớn nhiều người ôm không hết cũng không ai dám chặt phá, đốn cành và có những cây cổ thụ bị bão biển quật ngã nằm lăn lóc đến mục bởi cũng chẳng người nào dám mang về.
Quanh đền Cao được bao bọc bởi những cây lim cổ thụ xanh tốt
"Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh - Đừng để lại gì ngoài những dấu chân", dường như lời tương truyền cũng hoà cùng hiện thực, như để nhắc nhở cho du khách gìn giữ, bảo tồn Hòn Dấu giữa cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp của TP Hải Phòng.
"Hàng trăm năm qua, những câu chuyện đồn thổi, những lời truyền miệng từ đời này sang đời khác về sự linh thiêng của hòn đảo cũng như sự giữ gìn, bảo vệ của người dân đã giúp cho Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ, bốn mùa xanh tốt", anh Lê Văn Tuấn - Trạm phó Phụ trách Trạm đèn biển Hòn Dấu (Xí nghiệp Bảo đảm an toàn Hàng hải Đông Bắc Bộ thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc) cho hay.
Những cây lim cổ thụ quanh đền Cao
"Mắt ngọc" của Tổ quốc
Anh Tuấn là người đã gắn bó với đảo Hòn Dấu gần 30 năm. Công việc của anh và các đồng nghiệp là trông coi, vận hành ngọn hải đăng cổ - "mắt ngọc" của Tổ quốc.
Ngọn hải đăng phải được vận hành, phát ánh sáng để ngư dân, thuyền viên xác định được tọa độ hàng hải, biết được vị trí của mình để điều chỉnh tọa độ đi vào khu vực cảng Hải Phòng. Ngoài ra, Trạm còn phải quan sát sự cố môi trường biển tại các khu vực xung quanh đảo, trực canh xem có tàu chìm, đắm…
"Anh em ở trạm trực theo ca, ai nấy đều gắn bó với công việc, dù phải xa gia đình và cũng vất vả đêm hôm, nhất là mỗi lúc mưa bão về, anh em vẫn phải đội mưa gió trong đêm tối, lên kiểm tra đèn...", anh Tuấn kể.
Ngọn hải đăng Hòn Dấu hàng đêm vẫn sáng đèn (Ảnh: Trần Sơn)
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, công việc canh gác ngọn hải đăng trên đảo Hòn Dấu đã "nhàn" nhiều. Trước đây, đảo Hòn Dấu cây cối um tùm, đường đi lại khó khăn, chỉ có con đường mòn lên ngọn hải đăng. Những người công nhân thời kỳ đó hàng tuần phải phát quang bụi rậm bên đường để có thể đi lại bình thường.
Thế rồi sau này, được sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với các ban ngành, đảo Dấu được đầu tư xây dựng, đường xá cũng khang trang, đi lại thuận tiện và trở thành nơi du lịch tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng.
Năm 1996, TP Hải Phòng và địa phương đã cho phép mở cửa cho khách tham quan hải đăng Hòn Dấu cùng với nhà truyền thống trưng bày các loại đèn biển, đèn tín hiệu được sử dụng tại các hải đăng khác trên khắp đất nước qua các thời kỳ.
Còn khuôn viên khu vực ngoài trời trưng bày những quả bom, ngư lôi mà Mỹ đã thả xuống trong những năm tháng đánh phá vùng biển đảo Hải Phòng, trong đó có hải đăng Hòn Dấu. Hòn Dấu nhờ thế mà thêm sức sống, tươi vui hơn khi thường xuyên đón các đoàn khách du lịch đến chiêm ngưỡng, học hỏi di tích lịch sử, vẻ đẹp nguyên sinh của hòn đảo xinh đẹp này.
Nước giếng dùng pha trà ngon hết ý, nước xanh, trà thơm. Ngày hạn, 8 gia đình bơm cùng lúc không cạn. Giếng từng dùng tưới tiêu, phục vụ cho toàn bộ sinh viên Đại học Thủy...
Nguồn: [Link nguồn]