Ly kỳ chủ tịch xã gây tai nạn có người nhận tội thay
Sau khi dàn dựng màn kịch để người khác gánh tội thay bất thành, đến sáng 28/3, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên là ông Phạm Văn Thụy, đồng thời cũng là chủ xe BKS 29A-105.65 đã khai nhận chính là người điều khiển xe ô tô đâm 4 học sinh khiến 3 em thương vong.
PV Báo Giao thông làm việc với ông Phạm Văn Thụy (bên trái) ngày 27/3
Trình báo sau 5 ngày phạm tội
Sáng 28/3, 5 ngày sau khi xảy ra vụ việc, tại Công an huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, PV gặp ông Phạm Văn Thụy tại đây.
Thiếu tá Phan Việt Anh, Phó trưởng Công an huyện, Thủ trưởng cơ quan CSĐT xác nhận với PV việc đã tiếp nhận trình báo của ông Thụy về việc điều khiển xe gây tai nạn làm 3 học sinh thương vong. Đối với đối tượng Nguyễn Văn Quyền, cơ quan công an đã có đủ căn cứ chứng minh Quyền không phải là người điều khiển xe khi xảy ra tai nạn nhưng vẫn đang tiếp tục làm việc vì anh này liên quan đến việc che giấu hành vi phạm tội.
Thiếu tá Phan Việt Anh cũng cho biết thêm, theo lời khai của ông Thụy thì lý do bỏ chạy sau khi gây tai nạn là do hoảng loạn; diễn biến sau khi bỏ chạy trùng khớp với lời khai của Quyền trước đó.
Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến thông tin: Lúc xảy ra tai nạn trên xe còn có 3 người khác; vì sao Quyền nhận tội thay, đối tượng Quyền và ông Thụy có bàn bạc gì liên quan đến việc hợp thức hoá vai trò là lái xe của Quyền?..., Thiếu tá Phan Việt Anh cho biết, hiện đang trong giai đoạn điều tra nên chưa thể cung cấp.
Tại UBND xã Trung Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Trần Đăng Khơi cho biết thêm: “Cuối giờ chiều 27/3, sau khi từ cơ quan công an về, Thụy có sang phòng tôi uống nước. Qua chuyện trò, động viên, Thuỵ nói với tôi: “Em là người lái xe lúc tai nạn, sau hoảng quá mới làm như vậy”. Sáng nay, Thụy xin phép nghỉ để lên làm việc tiếp với cơ quan công an, Đảng uỷ xã cũng đã phân công đồng chí phó chủ tịch ủy ban tạm thời điều hành. Theo như Thụy nói thì lúc tai nạn trên xe còn có 3 người nữa”.
Nhận tội thay vì cả nể?
Tại nhà của “người đóng thế” Nguyễn Văn Quyền, thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên, bà Phạm Thị Thừa (55 tuổi), mẹ anh Quyền tỏ ra khá mệt mỏi, nét mặt xanh xao, hốc hác và suy sụp vì nghe tin con trai mấy ngày nay phải ở lại Công an huyện Tiên Lữ phục vụ điều tra vụ TNGT và có thể phải gánh chịu tù tội vì cái tính “cả nể”.
Bà Thừa khóc kể: “Từ khi vụ tai nạn chết người xảy ra, ai cũng đồn thằng Quyền nhận tiền tỷ để đi đầu thú, nhận tội thay. Cả gia đình tôi đang chịu tiếng có đứa con giết người, oan ức quá. Trước ban thờ tổ tiên, tôi thề thằng Quyền không phải làm việc đó vì tiền. Quyền chuyên nghề cung ứng vật liệu xây dựng cho dân ở xã, tính tình hiền lành, thật thà và hay cả nể nên có thể do người ta nhờ nên nó đã nhận tội thay”.
Nhớ lại buổi tối xảy vụ tai nạn (23/3), chị Nguyễn Thị Hiên (33 tuổi), vợ Quyền cho biết: “Sau khi tôi đi dạy ở trường về thì có ghé qua nhà bà ngoại chơi. Khoảng 18h15, tôi chạy xe về nhà, lúc này nghe mọi người nói anh Quyền đang đi đổ vật liệu xây dựng cho khách. Khoảng 19h, anh Quyền cùng cả nhà ăn cơm và nói chuyện với một người bạn tên là Quân. Khoảng 20h, anh Quyền vào phòng nằm nghỉ, chơi điện tử, sau khi có một cuộc điện thoại liền dậy đi”.
“Chờ mãi mà không thấy chồng về, khoảng 1h20 rạng sáng 24/3, tôi gọi điện hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời “đang có việc” rồi anh tắt máy. Đến khoảng 2h, chồng tôi về nhà với nét mặt khá mệt mỏi, gặng hỏi chuyện thì anh Quyền nói “vừa xảy ra tai nạn” rồi đi vào phòng ngủ. Đến 6h sáng không thấy chồng đâu, gọi hỏi mãi thì mới biết anh đi đầu thú ở Công an huyện Tiên Lữ”, chị Hiên kể.
Sau khi nhận tin dữ, chị Hiên đã phải tạm gác lại công việc dạy học để tìm hiểu thực hư. “Tôi tin chồng mình không liên quan gì đến vụ tai nạn và cũng chưa hiểu lý do gì mà chồng phải đi nhận tội thay. Mấy ngày nay, hai đứa con (con trai lớn 10 tuổi, con gái nhỏ 2 tuổi) cứ khóc đòi bố, chúng hỏi bố đi đâu mà tôi không dám trả lời”, chị Hiên nói trong nước mắt.
Về mối quan hệ giữa Quyền và ông Thụy, chị Hiên khẳng định, chồng mình là cháu họ xa gọi ông Thụy bằng chú và thỉnh thoảng có việc gia đình nhà ông Thụy, Quyền vẫn qua lại, còn ông Thụy thì chưa qua nhà Quyền bao giờ.
Những người hàng xóm của gia đình nhà Quyền cũng cho biết: “Quyền là người chăm chỉ, hòa đồng với mọi người. Nó đang làm cung cấp đá, cát để thi công cho tuyến đường của thôn. Nhận tin Quyền gây tai nạn trên chiếc xe của chủ tịch xã chúng tôi không tin đó là sự thật. Chúng tôi nghĩ Quyền được nhờ hoặc vì lý do nào đó để nhận tội thay”.
Sau khi được PV cung cấp thông tin chủ tịch xã đã nhận mình là người lái xe gây tai nạn, cả mẹ và vợ Quyền như trút gánh nặng và đều có chung một mong muốn cơ quan công an làm rõ, động cơ, mục đích của việc này.
Nhờ người nhận tội thay, xử lý thế nào? Căn cứ diễn biến, vụ việc có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự. Nếu bị kết tội, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm trong trường hợp làm chết một người. Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 - 10 năm trong các trường hợp sau: Khi không có GPLX; lái xe trong tình trạng sử dụng rượu bia, nồng độ cồn vượt quá quy định; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không giúp người bị nạn. Trường hợp người nhận tội thay có thể bị xử lý về hành vi khai báo gian dối. Tuỳ theo tính chất, mức độ, mục đích, hậu quả của hành vi khai báo gian dối này thì cơ quan pháp luật có thể xử phạt hành chính hoặc nặng thì truy tố về Tội khai báo gian dối theo Điều 382, Bộ luật Hình sự. Mức phạt có thể từ cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Đặt giả thiết trong trường hợp người phạm tội thuê người khác nhận tội thay, người phạm tội sẽ bị xử lý thêm “Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu” theo Điều 384, Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù. Luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) Gia cảnh nạn nhân tử vong rất khó khăn Chiều 28/3, anh Vũ Văn Giáp (bố cháu Nam, một trong hai học sinh bị thương nặng sau vụ tai nạn) cho biết: “Hiện cháu Nam vẫn hôn mê sâu và đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức. Cả gia đình đã phải tạm gác mọi việc để chăm sóc cháu”. Theo tìm hiểu của PV, gia cảnh của cháu Phát, nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn cũng rất khó khăn khi thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào tiền công làm thợ xây của bố và tiền lương làm công nhân may ít ỏi của mẹ. Hiện gia đình Phát còn một em trai học cấp 2. |
Vị chủ tịch xã ở Hưng Yên lái xe gây tai nạn khiến 4 học sinh thương vong sẽ chịu xử lý thế nào?