Lý giải sự bất thường siêu bão Sơn Tinh
Không tuân theo quy luật, siêu bão Sơn Tinh đi từ bất thường này sang bất thường khác khiến chính nhà dự báo cũng bị bất ngờ.
Ngay sau khi cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, 2 cơ quan dự báo là Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã có cuộc họp khẩn nhằm rút kinh nghiệm.
Không thể ngờ tới sức mạnh của bão
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Bùi Minh Tăng, đặc điểm của bão ở nước ta là từ mùa hè tới tháng 8-9 là bão sẽ đổ bộ vào miền Bắc. Từ tháng 10 trở đi, xu hướng là sẽ lệch dần về miền Trung và tháng 11 lệch dần về miền Nam. “Nói vậy không có nghĩa vào tháng 10 không có bão vào Bắc bộ, nhưng thời điểm này mà bão đi vào miền Bắc là khá bất thường. Không chỉ lướt dọc bờ biển, cường độ bão cũng rất phức tạp”.
Cụ thể, ông Tăng cho biết, lúc xuất hiện mới chỉ cấp 8. Từ ngày 23/10 bão đã mạnh lên và đã được cảnh báo sẽ mạnh nhất đạt cấp 12 khi tới Hoàng Sa. Tuy nhiên khi đã vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị thì chỉ trong buổi chiều 27/10 bão đột nhiên“nhảy” từ cấp 12 lên cấp 14. “Trong vòng có 4-5 tiếng thì việc nhảy cấp này không có mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Các đài đều cho rằng bão chỉ đạt cấp 12 sau đó giảm cấp. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh lên” ông Tăng thừa nhận.
Đê biển nối cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ đã bị sóng đánh vỡ (Ảnh: Quốc Nam/Sài Gòn tiếp thị)
Phải cho tới 21 giờ ngày 26/10, cơ quan dự báo mới cập nhật thêm khả năng bão sẽ đi vào khu nam đồng bằng Bắc bộ, báo động rằng vùng gió mạnh sẽ kéo ra tới tận tỉnh Quảng Ninh. “Khi bão đi vào biển Đông, Bộ trưởng Cao Đức Phát có hỏi tôi liệu bão có đi về phía Nam không, tôi đã trả lời bão nhiều khả năng lệch Bắc chứ không lệch Nam” ông Tăng cho biết.
Dự báo chỉ là dự báo thôi!
Cho rằng cơn bão số 8 là cơn bão hiếm có, Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Bùi Văn Đức lý giải, mùa này là mùa bão tập trung vào miền Trung và chủ yếu đi vào phía Nam Trung bộ. Nhưng cơn bão Sơn Tinh xuất phát từ vĩ độ tương đương miền Trung song lại đi ra phía Bắc và vào tới bờ rồi lại quay ra.
“Về dự báo, chúng tôi đã theo dõi bão sát sao, điều chỉnh kịp thời mỗi khi nhận biết được các dấu hiệu thay đổi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình. Còn qua theo dõi chúng tôi cũng biết ở một số địa phương ven biển có thiệt hại lớn là rất đáng tiếc. Tôi nghĩ khi đã có những thiệt hại lớn về người và của thì không ai dám nói là mình đã hoàn thành tốt, nhưng chúng tôi chỉ có thể nói là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình” ông Đức nói.
Lúc 12h, gió bão ở khu vực Hoằng Trường (Thanh Hóa) giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội (Ảnh: Đồng Thành/Khampha.vn)
Trước thông tin hoàn toàn có thể dự báo bão mạnh lên phía Bắc ngay từ 26/10, tại sao lúc đó bản tin phát trên truyền hình vẫn đưa tin bão tiến vào khu vực miền Trung? Ông Đức cũng thừa nhận mặc dù đã phát hiện rãnh gió Tây Nam trên cao nhưng nó còn phát triển và thay đổi chứ không phải như đoàn tàu đi theo một đường cố định. Lúc nó có thể mạnh lên, lúc lại yếu đi.
“Người làm công tác dự báo không thể dám chắc gió Tây xuất hiện thì cơn bão sẽ đi thế này thế kia, và chúng tôi cũng đã tham khảo tất cả các mô hình dự báo khác. Khi chúng tôi phải trình bày trước Ban chỉ đạo PCLB Trung ương thì chúng tôi phải phân tích tất cả khả năng, có thể xác suất rất nhỏ song vẫn phải nói để ban chỉ đạo lường trước được mọi tình huống, nhưng trong bản tin thì chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho dân thì chỉ được chọn một cái, không thể đưa ra nhiều tình huống thì bà con biết đường nào mà chọn. Dự báo chỉ là dự báo thôi”.
Theo ông Đức, người dân cũng có chút hiểu biết về quy luật của khí hậu, như mùa này thì bão dồn vào miền Trung và dần dần vào miền Nam. Chính sự “hiểu” này dần dần làm bà con mình chủ quan khi cơn bão số 8 đổ bộ.