Lý giải nguyên nhân sông Tô Lịch “hiện nguyên hình” đen kịt, cá chết nổi trắng
Nhận hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây nhưng sông Tô Lịch chỉ trong xanh được vài ngày rồi lại chuyển màu đen kịt, cá chết nổi trắng mặt sông, bốc mùi hôi thối.
Sông Tô Lịch trở về màu đen kịt sau vài ngày chuyển màu trong xanh do nhận 1 triệu m3 nước hồ Tây.
Mới đây, từ ngày 9-11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc mở cửa xả này đã làm cho đầu nguồn sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ. Dòng nước thải đen ngòm hằng ngày của sông được thay thế bằng nước hồ Tây xanh biếc.
Thế nhưng, chỉ sau khoảng 2 ngày, nước sông Tô Lịch lại bắt đầu chuyển màu, trở về trạng thái đen kịt như trước đó. Nước rút nhanh khiến nhiều đoạn sông hở cả một khoảng bùn ven bờ, kèm theo đó là rất nhiều cá chết nổi trắng trên mặt nước. Trời nắng, mùi nước sông cùng cá chết bốc lên hôi thối nồng nặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cá chết trôi dạt trên sông Tô Lịch sau khi nước rút.
Lý giải về hiện tượng cá chết nhiều sau khi nước sông rút, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản cho biết, cá chết trên sông Tô Lịch hầu hết là cá rô phi. Cá này chủ yếu xuất phát từ hồ Tây.
“Theo dòng nước cuốn vào sông Tô Lịch, cá bị va đập, kẹt vào tấm chắn rác nên chết trước khi vào sông. Sau đó, xác cá trôi dạt về phía trung tâm xử lý thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch công nghệ Nhật Bản. Còn phía vị trí phường Quan Hoa rất xa so với vị trí xử lý làm sạch nước bằng công nghệ Nano Bioreactor nên cá có thể bị thiếu ôxy nên chết”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Còn PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên), người từng lọc nước sông Tô Lịch để uống cho rằng, sau khi hết 1 triệu m3 nước hồ Tây, sông Tô Lịch sẽ trở về ô nhiễm như cũ bởi lẽ, sông không có nguồn nước liên tục mà kiểu có nước thì xả, không có lại ngưng nên không có tác dụng gì với vấn đề ô nhiễm.
“Hiện Tô Lịch là sông chết, việc xả nước thừa vào là tốt, không có vấn đề gì. Một triệu m3 nước này có pha loãng, đẩy chất bẩn đi xa về cuối nguồn cũng không có vấn đề bởi sông Nhuệ, Đáy, cũng tương tự như Tô Lịch”, PGS. TS Côn nói.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Côn, để sông Tô Lịch hồi sinh cần một bài toán quy hoạch tổng thể chứ “nếu làm cho vui, kiểu giật gấu vá vai thì không ăn thua”.
Ông cho biết thêm, trước đây có phương án xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch và bù bằng nước sông Hồng. Tuy nhiên, lấy nước sông Hồng bù vào hồ Tây thì sẽ thay đổi hệ sinh thái trong hồ do tính chất nước khác nhau.
Tiến sĩ Takeba Akira, cố vấn tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho hay, hiện sông Tô Lịch nhận nguồn nước chủ yếu từ nước mưa và nước thải, tốc độ dòng chảy thấp, 280 chiếc cống ngày đêm chảy vào nên không còn gọi là con sông nữa.
Rất nhiều cá, chủ yếu là cá rô phi chết mắc vào lưới chắn rác trên đường mương dẫn nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch.
Nếu Hà Nội có ý định xả nước thường xuyên vào sông thì nên thực hiện sau khi sông Tô Lịch đã hết ô nhiễm, chất lượng nước được cả thiện, hết mùi, bùn đã phân hủy. Lúc đó nguồn nước cấp vào sẽ không phải là thau rửa, làm sạch con sông mà có ý nghĩa tạo dòng chảy, nâng mực nước lên thì mới đúng nghĩa hồi sinh dòng sông.
Trước đó, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Điều đáng nói là, thời điểm xả nước này gần với thời điểm sắp hết hạn thí điểm công nghệ NanoBioreactor trên sông (16/5-16/7). Nhiều người lo ngại, việc xả nước hồ Tây vào sẽ làm sai lệch kết quả phân tích mẫu nước sông, từ đó sẽ không đánh giá khách quan hiệu quả của công nghệ Nhật Bản.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản cho hay, đơn vị sẽ có đề xuất với chính quyền thành phố xin lùi lại thời gian lấy mẫu nước để phân tích. Khi nào nước sông trở lại bình thường như cũ mới lấy mẫu.
Theo các kết quả JVE công bố, tính từ thời điểm đặt máy Nano Bioreactor (16/5) đến ngày 8/7, độ dày của bùn sông giảm mạnh. Tại điểm B (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m), độ dày bùn giảm từ 91,3cm giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m), độ dày bùn giảm từ 96,7cm xuống chỉ còn 19cm.
Tại khu vực quây rào sắt ngày 17/6, tính đến ngày 4/7 (sau hơn 2 tuần), tại vị trí TL-VT4 (30m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lí bùn), độ dày bùn giảm từ 73cm xuống còn 35cm (giảm 38cm).
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.
Tại vị trí TL-VT3 (tại điểm 25m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lý bùn), độ dày bùn giảm từ 68cm xuống còn 20cm (giảm 48cm).
Đáng chú ý, hàm lượng oxy hòa tan (DO) bên trong khu vực xử lí tăng mạnh đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Hai bên bờ kè sông Tô Lịch đang được hàng chục công nhân ra sức phủ xanh bằng loại cỏ lá tre giúp làm đẹp cảnh quan...