Lý giải nguyên nhân Hà Nội cứ mưa lớn là nước ngập mênh mông, sâu cả mét
Hà Nội cứ mưa lớn là nước ngập mênh mông, sâu cả mét, tràn vào nhà dân… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Điệp khúc mưa to là ngập
Tối 13/6, mưa lớn trút xuống nhiều nơi tại Hà Nội gây ngập nặng cho nhiều tuyến phố. Có đoạn đường ngập sâu hơn 1m khiến người và phương tiện “bơi” trong nước, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản cũng như cuộc sống của người dân.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng sau cơn mưa lớn tối 13/6
Trước đó, chỉ ngay cuối tháng 5/2022, người dân ở Hà Nội cũng 2-3 lần liên tiếp chịu cảnh bì bõm do ngập. Sau mỗi trận mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút đến 1 tiếng, nhiều tuyến phố biến thành “sông”. Nước thải đen ngòm kèm theo rác rưởi nổi lềnh phềnh trên phố…
Ngày 14/6, lý giải về trận ngập tối 13/6, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, đêm 13/6, tại địa bàn ghi nhận nhiều điểm mưa to đến rất to.
Cụ thể: Quận Cầu Giấy lượng mưa lớn nhất thành phố là 155,3mm; Quận Đống Đa là 107,4mm; Quận Hai Bà Trưng là 95,5mm; Quận Hoàn Kiếm 91,1mm… Tính trung bình, toàn thành phố có lượng mưa 155mm/80 phút.
“Do cường độ mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống hiện trạng nên đã xảy ra úng ngập nhiều nơi”, vị đại diện cho hay.
Tình trạng ngập lụt diễn ra với tần suất nhiều hơn trong những năm gần đây khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng
Đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, hệ thống thoát nước được tiêu qua 3 lưu vực chính gồm: lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và lưu vực Long Biên.
Lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2) được đầu tư hoàn chỉnh nhất, có thể chịu được trận mưa trên 300mm/2 ngày. Lưu vực sông Nhuệ (diện tích khoảng 110km2) chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.
Riêng lưu vực Long Biên (diện tích 62km2) có hai dự án tiêu thoát nước cho khu vực là Trạm bơm Gia Thượng và Trạm bơm Cự Khối. Tuy nhiên, cả hai trạm bơm này hiện chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn tự tiêu, tự chảy.
Do năng lực tiêu úng không đáp ứng được lượng mưa trút xuống nên việc ngập úng là điều không tránh khỏi. Vì vậy, giải pháp trước mắt, trước mùa mưa hằng năm, đơn vị này đều nạo vét, khơi thông các hệ thống thoát nước.
Nước mưa tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc và làm đảo lộn cuộc sống người dân
Khi có mưa lớn xảy ra, Công ty Thoát nước Hà Nội huy động nhận lực, phương tiện ứng trực tại một số khu vực trọng điểm ngập úng. Cùng với đó, vận hành hết công suất các cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ… và trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định.
Về lâu dài, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, thành phố cần đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam Hà Nội (lưu vực sông Nhuệ) và phía Long Biên.
Quy hoạch liều lĩnh khiến Hà Nội ngập?
Trao đổi thêm với PV, kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, Hà Nội cứ mưa là ngập do việc quy hoạch bất chấp và liều lĩnh.
Ông cho rằng, Hà Nội đang được xây dựng rất nhanh, tuy nhiên cách xây dựng lại nghiệp dư, vậy nên các khả năng thoát nước là bị triệt tiêu chủ đích cũng có và tùy tiện cũng có.
Không chỉ nội đô, nhiều “điểm đen” về ngập úng xuất hiện cả ở ngoại thành
“Việc mưa lớn liên tiếp xảy ra đó là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Để đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết, các thành phố lớn trên thế giới đều có các phương án, tuy nhiên, ở Việt Nam thì còn rất bị động.
Từ hàng trăm năm trước, khi người Pháp xây dựng các quận nội đô ở Hà Nội họ đã tính tới các phương án xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống tiêu lũ. Bản thiết kế đầu tiên luôn là nét vẽ về hệ thống thoát nước.
Trải qua nhiều năm, hệ thống thoát nước do người Pháp xây dựng dù đã lỗi thời nhưng vẫn vận hành tốt. Các quận nội đô khi có mưa lớn vẫn ngập nhưng nước rút nhanh. Còn đối với các quận mới, tình trạng ngập úng xảy ra trầm trọng hơn”, KTS Ánh chia sẻ.
Ông ví dụ, đầu những năm 2000, hàng loạt khu đô thị mới bám theo hai bên Đại lộ Thăng Long được xây dựng trên nền ruộng trũng vốn là hành lang thoát lũ quy hoạch từ thời Pháp hay là Vành đai xanh trong bản đồ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030.
Các khu đô thị ven đường san lấp tùy tiện không theo cốt nền chuẩn, khu sau cao hơn khu trước, từ đó, mặt đường trở thành nơi thấp nhất nên cứ mưa to phố biến thành sông là chuyện dễ hiểu.
Bên cạnh đó, lấp ao hồ là lấp đi không gian dự trữ, hay bê tông hóa cũng làm triệt tiêu không gian thoát nước, như vậy nước mưa xuống không có chỗ chứa và nước tràn vào nơi sinh sống của người dân.
Để giải quyết tình trạng cứ mưa là ngập tức thời, theo KTS Ánh, Hà Nội cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu…
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội ngập là do quy hoạch nghiệp dư và liều lĩnh
Ngoài ra, cần quy hoạch nhiều điểm giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như các ắc-quy nước, tức là trữ nước lại khi mưa to và sau này sử dụng chính những ắc-quy nước đó để bơm tưới cây, rửa đường…
Về giải pháp lâu dài, KTS Trần Huy Ánh đề xuất, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.
Cùng với đó, Hà Nội đang rà soát lại để tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. Ông mong muốn thành phố quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, không gian lớn như: lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tổng thể, lâu dài, bền vững.
Nguồn: [Link nguồn]
Trận mưa lớn trút xuống khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, nhiều xe sang, chết máy do vì vào vùng ngập sâu.