Lý giải hiện tượng “Phật quang” trên đỉnh Fansipan
Ánh sáng kỳ ảo xuất hiện gần tượng Phật trên đỉnh Fansipan khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú.
Ánh sáng kỳ ảo xuất hiện trên đỉnh Fansipan (Lào Cai)
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh cùng thông tin xuất hiện hiện tương “Phật quang” trên đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai).
Theo thông tin chia sẻ, hiện tượng này xuất hiện vào khoảng 16h ngày 1/6. “Phật quang” xuất hiện ngay bên cạnh tượng A Di Đà trên đỉnh Fansipan trước thềm lễ Phật đản khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú.
Ngày 2/6, trao đổi với PV, một nhân viên cáp treo trên đỉnh Fansipan xác nhận thông tin trên. Người này chia sẻ, hiện tượng “Phật quang” xuất hiện chiều 1/6 và kéo dài khoảng 9 phút.
Trong quan niệm dân gian, "Phật quang" là một hình thức Phật hiển linh, được xem như điềm lành. Tuy nhiên, xét trên góc độ khoa học, "Phật quang" chỉ là một hiện tượng quang học.
Ánh sáng xuất hiện gần bức tượng Phật A Di Đà
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học và Vũ trụ Việt Nam (VACA) cho biết, đây là hiện tượng quầng 22 độ hay còn gọi là quầng mặt trời.
“Hiện tượng quang học này xảy ra trong khí quyển trái đất ở khu vực lân cận đĩa sáng mặt trời hoặc mặt trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá).
Ánh sáng từ mặt trời hoặc mặt trăng (do mặt trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ quanh đĩa sáng”, ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, đây là hiện tượng này bình thường trong tự nhiên, không liên quan tới tâm linh hay bão lụt như nhiều người vẫn đồn đoán. Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyệt thực đầu tiên trong năm 2023 và mưa sao băng sắp cùng lúc diễn ra trên bầu trời Việt Nam khiến những người yêu thiên văn háo hức.