Lý do nhà thầu sân bay Long Thành trả lương 400 triệu vẫn không tuyển được lao động

Dù nhà thầu dự án sân bay Long Thành đang tuyển vị trí gồm chức danh đại diện nhà thầu, giám đốc và trưởng phòng dự án có mức lương cao nhất đạt 400 triệu đồng/tháng, nhưng hiện vẫn chưa có hồ sơ của người Việt Nam ứng tuyển. Điều này cho thấy cần giải bài toán giải quyết nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao ở nước ta.

Nhân lực trong tình trạng '2 thiếu 1 thừa'

Ngày 25/12, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai báo cáo không nhận được hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí chuyên gia làm việc tại công trường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Vị trí tuyển dụng như đại diện nhà thầu, giám đốc dự án và trưởng phòng dự án cùng nhiều chức danh khác đều có mức lương cao hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình của người Việt, từ 75 - 400 triệu đồng/tháng. Do đó, công việc này đòi hỏi chuyên môn cao, thông thạo tiếng Anh.

Vị trí quan trọng tại dự án xây dựng sân bay Long Thành "khát" người lao động Việt Nam.

Vị trí quan trọng tại dự án xây dựng sân bay Long Thành "khát" người lao động Việt Nam.

Về sự việc trên, chia sẻ với Tiền Phong, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam - đánh giá, ở nước ta vẫn có nhân sự hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo ông Châu, Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam hiện có hơn 500 hội viên là các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật, thiết kế, thi công, khai thác, quy hoạch, hoạch định chính sách về hàng không và khoảng 70% hội viên đã nghỉ hưu.

"Theo tâm lý chung của người Việt Nam, những người ở độ tuổi cao và đạt các thành tựu trong sự nghiệp, có đủ điều kiện khắt khe thường ưu tiên về mặt danh dự. Do đó, họ khó lòng nào tự nộp hồ sơ ứng tuyển các vị trí quan trọng ở sân bay Long Thành trừ khi có lời mời, đề nghị", ông Trần Quang Châu chia sẻ.

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết có một số người đủ khả năng cho vị trí ở sân bay Long Thành hiện đã làm việc cho những đối tác nước ngoài như với mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, người luôn theo dõi sát sao vấn đề nhân lực trong nước - không quá bất ngờ khi những vị trí quan trọng ở sân bay Long Thành chưa thu hút người Việt Nam. Ông Hòa nhận định, cơ cấu nhân lực ở Việt Nam đang ở giai đoạn phân bố không đồng đều.

"Thực trạng nhân lực ở Việt Nam đang trong tình trạng '2 thiếu 1 thừa'. Cái thiếu thứ nhất là nhân công phổ thông, bộ phận người làm ở các khu công nghiệp, xưởng may mặc, không cần đến trình độ cao thiếu rất nhiều. Ngoài ra, không chỉ câu chuyện ở sân bay Long Thành mà còn cả những doanh nghiệp lớn, yêu cầu những vị trí có kỹ năng quản trị, trình độ cao về kiến thức, bắt kịp công nghệ thì nguồn nhân lực ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ. Nếu thực sự dồi dào, việc tuyển dụng người Việt ở sân bay Long Thành sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và không bị ảnh hưởng bởi vấn đề chảy máu chất xám", ông Đinh Việt Hòa chia sẻ.

Giữ chân và nâng chất

Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, duy trì đà tăng tích cực 34,5% và gần như hồi phục hoàn toàn, ở mức 93,6% so với thời điểm trước COVID-19.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam Trần Quang Châu nhận định, ngành hàng không Việt Nam vẫn còn rất non trẻ so với hàng không các nước trên thế giới. Để ngành công nghiệp này phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi nhiều nguồn lực gồm cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cao.

Muốn giải bài toán trên, ông Châu khuyến nghị trường đại học cần đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển năng lực nhân sự. Đây được xem là chìa khoá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Công tác đào tạo, đẩy mạnh chất lượng nhân lực về hàng không cần được xem xét, có lộ trình dài hạn.

Công tác đào tạo, đẩy mạnh chất lượng nhân lực về hàng không cần được xem xét, có lộ trình dài hạn.

Một số chuyên gia cũng nhận định nên đặc biệt chú trọng đến việc bắt tay hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách trong câu chuyện đào tạo ở nhà trường và chất lượng đầu ra thực tiễn. Bởi nếu việc đào tạo không cho ra lượng người lao động đáp ứng đủ nhu cầu, ngay cả khi xuất hiện vị trí với mức thu nhập hấp dẫn cũng khó có thể tìm được lao động Việt phù hợp. Minh chứng rõ nét là sự việc không có người lao động Việt thực sự quan tâm tới chức danh tầm cỡ đại diện nhà thầu sân bay quốc tế, lương 400 triệu đồng/tháng.

"Về phía doanh nghiệp, cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường, văn hoá làm việc chuyên nghiệp, cùng với đó là chế độ chính sách, phúc lợi phù hợp, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc", ông Đinh Việt Hòa nhận định.

Ở bối cảnh thị trường lao động hàng không hiện nay, các chuyên gia đánh giá rằng thu hút nhân sự giỏi đã khó, làm thế nào để thuyết phục và níu chân họ đồng hành cùng doanh nghiệp càng khó hơn. Lương thưởng là điều kiện cần để doanh nghiệp thu hút lao động nhưng chưa đủ để họ quyết định đồng hành với doanh nghiệp lâu dài. Chính vì vậy, ngoài lương thì phúc lợi, đãi ngộ, chính sách đào tạo và cơ hội thăng tiến sẽ trở thành các yếu tố được nhân sự đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, những người có kinh nghiệm về quản trị nhân lực trong nước khuyên rằng mỗi cá nhân cần có ý thức tìm hiểu thế mạnh để có ngành nghề phù hợp. Đối với lĩnh vực cần chuyên môn cao như hàng không, ngoài việc tích luỹ chuyên môn nghiệp vụ, người lao động cần trau dồi ngoại ngữ để đủ khả năng tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế về hàng không để có thêm kinh nghiệm của thế giới, tạo đà cho mục tiêu "đi tắt, đón đầu" trở nên thuận lợi hơn.

Hàng ngàn người thi công xuyên Tết tại sân bay Long Thành

3 ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công xuyên Tết Dương lịch tại dự án sân bay Long Thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Đình ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN