Lý do đề xuất 5 quảng trường ở khu vực hồ Thiền Quang
Các quảng trường là không gian mở tạo điểm nhấn, chủ đề để làm đa dạng không gian cảnh quan khu vực hồ Thiền Quang, theo đơn vị lập thiết kế đồ án.
Quận Hai Bà Trưng đang lấy ý kiến người dân về đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500, trong đó đề xuất xây dựng quảng trường trung tâm và 4 quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Giải thích lý do đề xuất xây 5 quảng trường, ông Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, cho hay thiết kế đô thị và cảnh quan thường tạo lập không gian mở. Khu vực hồ Thiền Quang có vị trí, cảnh quan đẹp, kết nối mặt hồ với công viên cây xanh và cạnh công viên Thống Nhất.
Trong khu vực lại có cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, cụm tượng đài Công an nhân dân, cung thanh niên tại khu bán đảo và phố đi bộ Trần Nhân Tông... Do đó, đơn vị lập thiết kế cho rằng phải có đồ án thiết kế đô thị riêng cho khu vực này để phát huy vai trò, giá trị, điểm kết nối không gian.
Khu vực nghiên cứu thiết kế đô thị hồ Thiền Quang, trong đó phần bôi đỏ là quảng trường trung tâm. Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Đồ án định hướng quảng trường trung tâm ở phố Trần Nhân Tông sẽ là nơi diễn ra các hoạt động chính của khu vực. 4 quảng trường còn lại bố trí ở bốn góc hồ để tận dụng các khoảng không gian gần nút giao thông và có tầm nhìn đẹp.
Về việc xây dựng 5 quảng trường tại khu vực chỉ rộng 5 ha, ông Quang cho rằng không nên quá chú ý khái niệm "quảng trường" (diện tích rộng) mà quên mất bản chất đây là không gian mở để tạo điểm nhấn, chủ đề. "Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia, nếu thấy chưa hợp lý chúng tôi có thể điều chỉnh trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt", ông nói.
Theo TS. KTS Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội có mật độ dân cư lớn, diện tích đất công cộng hạn chế nên vẫn khuyến khích có các quảng trường nhỏ, không gian công cộng cho người dân. "Diện tích 5 ha không phải nhỏ, có thể bố trí một quảng trường chính và các quảng trường nhỏ cùng không gian đi bộ xung quanh hồ. Quan trọng nhất là không thu hẹp diện tích mặt nước, khối tích nước hồ và không gian cây xanh xung quanh", ông Hải đề xuất.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nơi đây không nên tổ chức quá nhiều sự kiện gây ồn ào, mà tạo thành quảng trường xanh, điểm nghỉ cho người dân thư giãn cuối tuần.
Trước lo ngại cải tạo khu vực hồ và quảng trường ảnh hưởng đến cảnh quan, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang nói đồ án được xây dựng với tiêu chí hạn chế tối đa tác động đến mặt nước, cây xanh. Thiết kế gần như giữ nguyên diện tích mặt nước, duy trì nguyên trạng cây xanh, chỉ bổ sung cây, hoa trang trí và chỉnh trang không gian cho đẹp, hiện đại hơn.
Mô hình 3D minh họa khu vực quảng trường trung tâm (phương án 2). Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Về tên Xuân - Hạ - Thu - Đông, ông Quang cho hay Hà Nội có khí hậu đặc trưng của miền Bắc với đủ bốn mùa nên đồ án chọn tên các mùa đặt cho 4 quảng trường. "Chúng tôi mong muốn nếu người dân và du khách đi trọn vòng hồ Thiền Quang sẽ được tận hưởng cảm giác của các mùa trong năm ở Thủ đô", ông nói.
Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang tỷ lệ 1/500 nằm trong Đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận. Sau khi cải tạo khu vực hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng sẽ mở rộng phố đi bộ quanh hồ. Hiện đã có một số hạng mục được sửa chữa, cải tạo theo đề án không gian đi bộ như cụm di tích ba chùa Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa và nâng cấp Cung Thanh niên tại khu bán đảo, dự kiến hoàn thành trong quý III.
Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu sau khi lấy ý kiến công chúng sẽ hoàn thiện đồ án để trình cấp thẩm quyền vào quý II và được thành phố thông qua năm nay.
Mô hình 3D minh họa khu vực quảng trường mùa Thu. Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 ha.
Theo các kiến trúc sư, quảng trường là không gian công cộng không thể thiếu trong quy hoạch đô thị, với công năng làm nơi sinh hoạt chính trị, mít tinh, vui chơi, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về quy hoạch, diện tích, công năng của quảng trường đối với đô thị.
Theo thống kê của Hà Nội năm 2020, diện tích quảng trường trên số dân của thành phố rất thấp, trung bình khoảng 0,02 m2 mỗi người. Thành phố hiện chỉ có một số quảng trường như: Ba Đình, Đông Kinh Nghĩa Thục, 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (trên đất nhà đấu xảo) và Cách mạng tháng Tám. Trong đó, ngoài Ba Đình, ba quảng trường còn lại đều hình thành từ thời Pháp.
Một số địa điểm có diện tích không gian công cộng lớn như Sân vận động quốc gia Mỹ Đình nhưng chưa được xem là quảng trường do chưa gắn nhiều với các hoạt động cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khu vực phía bắc đồng bằng sông Hồng đã có 3 sân bay (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), song có thể nghiên cứu để quy...
Nguồn: [Link nguồn]