Hết hạn thử nghiệm, vì sao "bảo bối" của Nhật lại cần thêm 2 tháng để hồi sinh sông Tô Lịch?
Cho rằng việc xả nước hồ Tây đã làm trôi toàn bộ hệ sinh vật có lợi do “bảo bối” của Nhật kích hoạt trên sông Tô Lịch nên đơn vị lắp đặt gửi công văn xin thêm 2 tháng thử nghiệm.
Chiều 16/7, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản, Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), 2 đơn vị cung cấp và lắp đặt, vận hành công nghệ Nano-Bioreactor xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch đã gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc xin lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá, công bố kết quả của công nghệ giai đoạn thí điểm.
Sông Tô Lịch cần thêm 2 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi
Trong công văn, đại diện các bên có nêu, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản bước đầu thu được rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân sống cạnh khu thí điểm.
Tuy nhiên, vào ngày 9/7, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch với khoảng hơn 1,5 triệu m3. Nước được xả trực tiếp vào đầu nguồn sông Tô Lịch nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông đang thực hiện.
Đại diện JVE cho rằng, đây là nguyên nhân khách quan và đảm bảo an toàn cho Thành phố trong mùa mưa. Thế nhưng, do dự án thí điểm chỉ dài khoảng 300m đặt ở đầu sông nên lượng nước xả 1,5 triệu m3 (gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch) đã làm trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua.
Hình ảnh sông Tô Lịch ngày 16/7, sau đúng 2 tháng thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản
“Hệ thống máy Nano được gia cố và các bọt khí Nano được tạo ra liên tục nên không bị ảnh hưởng bởi việc xả nước. Tuy nhiên, sau khi chuyên gia Nhật Bản chúng tôi kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa.
Nếu làm trên cả dòng sông, dù hệ vi sinh vật có lợi khuếch tán đi và cả dòng sông có bọt khí nano thì vẫn có thể lấy mẫu thêm ở các vị trí giữa nguồn và hạ nguồn để đánh giá được kết quả, nhưng đây chỉ thí điểm 300m. Do vậy, gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi”, đại diện JVE cho hay.
Thế nhưng, để lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm chính xác, khách quan, 2 đơn vị cung cấp và lắp đặt, vận hành công nghệ Nano-Bioreactor đề xuất lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng, tức tới ngày 17/9/2019.
“Đây là dự kiến, tùy tình hình nếu có thể rút ngắn hơn, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo sau”, đại diện JVE thông tin.
Các đơn vị thực hiện dự án thí điểm cũng đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội cố gắng điều chỉnh việc xả nước từ hồ Tây sau khi thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor hoàn thành, trừ trường hợp bất khả kháng khi bão lũ tràn về gây mất an toàn cho hồ.
Đơn vị lắp đặt cho rằng, việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch đã làm trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua
Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch (300m đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Theo các kết quả JVE công bố, tính từ thời điểm đặt máy (16/5) đến ngày 8/7, độ dày của bùn sông giảm mạnh. Tại điểm B (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m), độ dày bùn giảm từ 91,3cm giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m), độ dày bùn giảm từ 96,7cm xuống chỉ còn 19cm.
Tại khu vực quây rào sắt ngày 17/6, tính đến ngày 4/7 (sau hơn 2 tuần), tại vị trí TL-VT4 (30m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lí bùn), độ dày bùn giảm từ 73cm xuống còn 35cm (giảm 38cm).
Tại vị trí TL-VT3 (tại điểm 25m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lý bùn), độ dày bùn giảm từ 68cm xuống còn 20cm (giảm 48cm).
Đáng chú ý, hàm lượng oxy hòa tan (DO) bên trong khu vực xử lí tăng mạnh đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
“Từ mực nước chết, ô nhiễm nặng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy và có thể phát triển giao thông thủy”.