Lương tâm “thoi thóp” trước những món hời qua vụ Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog

Sự kiện: Vụ kẹo rau Kera
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vụ việc đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm đạo đức của những người có sức ảnh hưởng- từ nghệ sĩ, YouTuber, TikToker đến KOLs.

Những ngày qua, cái tên Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục được nhắc đến dày đặc trên mạng xã hội – không phải vì một chuyến thiện nguyện hay hành trình du mục mới, mà vì họ trở thành tâm điểm của một vụ bê bối quảng cáo kẹo rau giả mang tên Kera.

Từng là những gương mặt truyền cảm hứng-  Youtuber Quang Linh, chàng trai xứ Nghệ với hình ảnh gần gũi, thiện lương khi làm từ thiện ở châu Phi; Tiktoker Hằng Du Mục, một bà mẹ du mục trẻ tuổi, truyền cảm hứng sống giản dị giữa thiên nhiên. Họ xây dựng hình ảnh tử tế, gần gũi và được cộng đồng yêu mến, tin tưởng. Chính sự tin tưởng ấy đã bị lợi dụng để quảng bá sản phẩm “kẹo rau” Kera – thứ được thổi phồng là “một viên tương đương một đĩa rau luộc”.

Quang Linh, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên trong một buổi quay phim giới thiệu sản phẩm kẹo Kera

Quang Linh, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên trong một buổi quay phim giới thiệu sản phẩm kẹo Kera

Sự thật phơi bày hoàn toàn trái ngược. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy một hộp 30 viên kẹo Kera chỉ chứa… 0,51 gram chất xơ – quá ít ỏi so với những gì được quảng cáo rầm rộ. Nguy hiểm hơn, sản phẩm chứa đến 33,4% Sorbitol – một chất thường dùng làm thuốc nhuận tràng – nhưng không hề ghi trên nhãn mác. Người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai – bị đặt vào tình thế rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

Từ tháng 12-2024 đến tháng 3-2025, hơn 135.000 hộp kẹo Kera đã được tiêu thụ. Giờ đây, cơ quan chức năng xác định đây là hàng giả và Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng 3 người khác. Họ bị điều tra theo Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự về hành vi sản xuất thực phẩm giả và lừa dối khách hàng.

Vấn đề không chỉ nằm ở một chiến dịch quảng cáo sai sự thật. Vụ việc đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm đạo đức của những người có sức ảnh hưởng- từ nghệ sĩ, YouTuber, TikToker đến KOLs. Trong thời đại số, một lời nói có thể dẫn dắt hàng ngàn người tiêu dùng. Một clip livestream có thể quyết định số phận của một thương hiệu – hoặc của chính người quảng bá.

Thế nhưng, không ít người đã chọn cách “bán danh ba đồng” – đánh đổi uy tín cá nhân lấy lợi nhuận trước mắt, bất chấp hệ lụy xã hội. Họ quên rằng, danh tiếng là tài sản không dễ gì có được nhưng có thể đánh mất chỉ trong một cú click.

Cũng không thể không nhắc đến những “luận điệu” bênh vực mù quáng: “Làm trăm điều tốt không ai nhớ, làm một điều sai bị lên án”. Nhưng sai vẫn là sai và không ai được miễn trách nhiệm vì từng làm việc tốt. Lẽ phải không thể bị đánh tráo bởi cảm tính.

Nghệ sĩ, TikToker, Youtuber đến KOLs- không chỉ là biểu tượng giải trí mà còn nắm giữ quyền lực mềm đáng kể trong việc định hướng người tiêu dùng. Chọn trở thành người của công chúng là chọn gắn danh tiếng cá nhân với lợi ích cộng đồng. Khi đã nhận được sự tin yêu của xã hội, mọi hành động không còn chỉ là chuyện cá nhân. 

Một lời giới thiệu sản phẩm có thể giúp hàng ngàn người sống khỏe hơn hoặc khiến hàng ngàn người rước bệnh vào người.

Câu chuyện Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là một lời cảnh tỉnh không thể rõ ràng hơn. Khi những người từng là hình mẫu tích cực lại trở thành ví dụ điển hình của sự sụp đổ niềm tin, đó là điều đáng tiếc và đáng tiếc hơn nếu chúng ta không rút ra bài học nào từ đây.

Niềm tin, một khi bị phản bội, sẽ không dễ gì lấy lại được. Uy tín, một khi bị hoen ố, sẽ trở thành gánh nặng mà ánh đèn sân khấu không thể xóa nhòa.

Trong thế giới mà một cú share có thể lan truyền triệu lượt xem, đạo đức và lương tâm phải là ranh giới không thể vượt qua – dù chỉ là để bán một viên kẹo.

Cơ quan điều tra xác định bột rau dùng trong sản xuất không được thu mua từ các nông trại VietGAP, hàm lượng từ 0,61 đến 0,75% nhưng công bố là 28%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHẮC HIẾU ([Tên nguồn])
Vụ kẹo rau Kera Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN