Lương công chức thấp vì tăng biên chế?

Lương thấp, trong khi bộ máy nhà nước lại càng phình to… Đây chính là vòng luẩn quẩn khiến những nhà làm lương đau đầu với bài toán cải cách tiền lương “gọt chân cho vừa giày”!

Cụ thể, thành phố Hà Nội đề nghị HĐND thành phố thông qua và phân bổ biên chế công chức cho các cơ quan đơn vị là 9.293 biên chế và 143.610 biên chế các đơn vị sự nghiệp.

Lý giải cho đề xuất tăng biên chế, UBND thành phố cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có diện tích và dân số lớn, tốc độ đô thị hoá nhanh, với tính chất và mức độ phức tạp ngày càng lớn, cấp bách làm cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp luôn quá tải với công việc được giao.

Tuy nhiên, theo ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, lý do về quy mô và lượng dân số tăng mà Thành phố Hà Nội đưa ra là chưa thuyết phục. Ông Phúc thẳng thắn nhận định, trong khi cả nước đang quán triệt tinh thần tinh giản biên chế bộ máy nhà nước thì người đứng đầu các cấp, ngành địa phương không thể dùng tư duy lạc hậu về phân bổ biên chế “năm sau cao hơn năm trước” như xưa được.

Lương công chức thấp vì tăng biên chế? - 1

Lý do tăng biên chế của Hà Nội được cho là chưa thuyết phục (Ảnh minh họa)

“Ngày trước, chúng ta quen kiểu đề bạt phân bổ biên chế tính theo đầu dân số. Đây là nguyên nhân khiến bộ máy công quyền cứ phình ra theo năm tháng, không cắt giảm được”, ông Phúc cho biết. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để bố trí, sử dụng biên chế hợp lý, cần phải xác định rõ vị trí việc làm chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, ngành để cơ cấu lại bộ máy.

Cách đây không lâu, bạn đọc cả nước cũng bất ngờ trước thông tin Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) chậm trả lương cho cán bộ công chức với lý do “cạn nguồn trả lương” khi doanh nghiệp chậm nộp thuế. Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội Vụ) cho biết, không chỉ riêng Đà Nẵng, trong những năm gần đây, câu chuyện chậm trả lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức viên chức cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác.

Theo ông Cường, chủ trương tinh giản biên chế đã có từ lâu, song thực tế số cơ quan tinh giản được chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với số biên chế tăng lên thì số tinh giản không đáng là bao. “Kinh tế khó khăn, nguồn lực để trả lương cho khoảng 7 triệu cán bộ công chức viên chức hiện đang là gánh nặng của ngân sách. Trong khi đó, những giải pháp chủ yếu như tinh giản biên chế, tách khối hành chính sự nghiệp ra độc lập tự chủ về mặt tài chính… lại vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết, bộ máy công chức phình to, là một trong những nguyên nhân chính khiến lương cán bộ công chức, viên chức thấp. Tiền lương chậm thay đổi khiến cải cách tiền lương rơi vào vòng luẩn quẩn và kéo theo nhiều hệ lụy khác. “Lương thấp thì phải bù bằng việc xin thêm trợ cấp. Nhiều trợ cấp quá thì lại khiến gánh nặng ngân sách tăng thêm, không có nguồn tăng tiền lương chính thức. Và một khi đã quyết định trợ cấp thì rất khó có thể rút lại”, ông Cường lý giải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN