Lương 10 triệu vẫn có thể đi đánh golf?
“Nếu một tháng đi chơi golf 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng, chưa kể phí làm thẻ 30 triệu đồng mỗi năm”.
LTS: Gần đây, sự việc Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội dùng gậy golf đánh nhân viên phục vụ ngất xỉu được dư luận quân tâm. Điều đáng nói, chơi golf – vốn được coi là thú chơi xa xỉ với người Việt, nhưng vị giám đốc kia cho biết, lương chỉ 10 triệu đồng/tháng. “Để có thể đi chơi golf, tôi phải chọn giờ giảm giá. Mỗi tuần chỉ dám đi một hoặc hai lần, tiền sân golf cho mỗi lần chơi khoảng trên dưới một triệu đồng” - vị TGĐ cho biết. Vậy, chơi golf có thực sự tốn kém và xa xỉ như nhiều người vẫn tưởng không? |
Một thẻ chơi golf gần 1,5 tỷ đồng
Trao đổi với PV, nhân viên sân golf Tam Đảo (Vính Phúc) cho biết, nếu là người chơi lẻ, mỗi lần đi đánh golf người chơi phải trả phí sân 1.722.000 đồng/ngày thường và 2.667.000 đồng/ngày cuối tuần.
Ngoài ra, còn các phí khác như phí caddie (người phục vụ) hơn 500 nghìn đồng; phí xe di chuyển trong sân khoảng hơn 500 nghìn đồng; thuê gậy 504 nghìn đồng/bộ; thuê giày hơn 200 nghìn đồng...
Theo nhân viên kinh doanh sân golf Tam Đảo, nếu trở thành hội viên, người chơi phải bỏ tiền ra mua thẻ tối thiểu một năm 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng). Khi có thẻ, mỗi lần đi đánh golf trả thêm 462.000 đồng phí sân. Riêng ngày cuối tuần 2.037.000 đồng. Đây là mức thẻ thấp nhất của sân golf Tam Đảo.
Ngoài ra, nếu làm thẻ dài hạn, phí ghi danh tối thiểu 25 năm gần 800 triệu đồng và mức 48 năm sẽ là khoảng 1,544 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi hội viên phải nộp hơn 17 triệu đồng phí bảo dưỡng.
Chơi golf – vốn được coi là thú chơi xa xỉ với người Việt
Khác với sân golf Tam Đảo, chị Nguyễn Thị Minh, quản lý sân golf ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, sân golf nơi chị công tác chỉ dành riêng cho các thành viên. Nghĩa là muốn đến đây chơi golf, người chơi bắt buộc phải có thẻ hội viên.
Thời hạn thấp nhất 20 năm với giá 40.000 USD (hơn 800 triệu đồng); thời hạn cao nhất 50 năm, 72.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Theo chị Minh, người chơi golf lâu dài, thực thụ thường làm thẻ thành viên để được hưởng ưu đãi và thuận tiện khi chơi. Ngay cả khi có thẻ hội viên, người đến chơi golf phải trả thêm các cho phí khác như phí phục vụ, xe di chuyển, thuê gậy...
Mỗi năm chơi golf hết 200 triệu đồng
Theo nhân viên tư vấn tại sân golf Tam Đảo, để có thể ra sân đánh golf, người chơi phải trải qua một khóa học lý thuyết và thực hành trên sân tập riêng.
Theo học một khóa học chơi golf ở sân Tam Đảo, người học nộp 8 triệu đồng cho 10 buổi học lý thuyết. Sau đó, các buổi học thực hành trên sân phải trả tiền sân riêng. Cả khóa học hết khoảng hơn 10 triệu đồng.
Người chơi cũng cần trang bị một bộ gậy, tùy vào mỗi người mà chọn gậy cho phù hợp, giá thị trường trung bình 40 triệu đồng/bộ. Ngoài ra, người chơi cũng cần trang bị quần áo, giày dép, bóng...
Golf - môn thể thao chỉ dành cho đại gia (Ảnh minh họa: Huệ Anh)
Anh Nguyễn Xuân Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại những ngày đầu tham gia đánh golf. Anh phải tham gia một khóa học, sau đó tập đánh trên sân thảm, rồi sân tập nhiều buổi mới được ra sân chính thức. Lý do, theo anh Dũng, những người mới tập chơi thường đánh kiểu “phá sân” nên chỉ khi tập thành thạo mới được ra sân đánh chính thức.
Ngoài số tiền hàng chục triệu học phí, anh Dũng còn mua một bộ gậy 50 triệu đồng và quần áo, bóng, giày... tất cả tốn hết gần 70 triệu đồng.
Theo anh Dũng, để chơi golf thuần túy, nếu là thành viên phải trả hơn 30 triệu đồng/năm tiền thẻ hội viên. Ngoài ra mỗi lần đi chơi hết tối thiểu 4 triệu đồng tiền phí sân, phí phục vụ, ăn uống, di chuyển...
“Nếu một tháng đi chơi 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng”. Anh Dũng thừa nhận chỉ có những người “có tiền” mới có thể chơi golf.