Lụn bên dòng vàng trắng
Hàng ngàn hộ dân các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) phải nhường lại những vùng đất giáp nước, luôn cho những bồ lúa đầy để xây dựng các Thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông Hnăng.
Có những công trình thủy điện mà sự yếu kém trong công tác tái định cư (TĐC) làm lụn bại cả cộng đồng dân cư, chủ nhân của vùng đất sinh ra nguồn vàng trắng. Người xưa vẫn nhắc: Được vàng thì lụn. Nhưng họ đâu phải là người "được", sao họ phải "lụn"?
Trống trơn chòi lúa
Ông Nay Hờ Uy (buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) chỉ vào chòi lúa bỏ hoang của nhà mình: "Hồi trước, có thiếu tiền nhưng nhờ làm lúa nên chòi lúc nào cũng đầy, không bị đói. Còn bây giờ phải làm mì (sắn) hoặc đi làm thuê để lấy tiền mua gạo nên nhiều nhà đứt bữa lắm…". Giống chòi lúa nhà Hờ Uy, hầu hết chòi lúa ở buôn Học hiện đã bỏ không, bắt đầu mục nát.
Gia đình Hờ Uy phải bỏ lại 2,3ha đất sản xuất dưới lòng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ; trong đó, 1,3ha đất được đền bù 25 triệu đồng, 1ha còn lại được quy đổi 1,7 sào lúa nước (1.700m2) tại cánh đồng Buôn Lé (Krông Pa). Thế nhưng 3 năm cánh đồng Buôn Lé chưa san ủi xong, đất lại rất xấu, hệ thống thủy lợi không hoạt động... Không có đất, gia đình Hờ Uy phải bỏ ra 40 triệu đồng mua 1ha đất, cách nhà gần 10 cây số trồng mì, chật vật sống qua ngày.
Nhà chứa lúa của Nay Hờ Uy mấy năm nay trống trơn. Ở buôn Học nhiều gia đình đã bỏ nhà chứa lúa.
Gia đình ông Hờ Uy thuộc loại biết tính toán mà cũng khó trăm bề, đa số dân buôn Học nay làm thuê, làm mướn, bữa đực bữa cái. Một số hộ mua được ít đất trồng mì thường xuyên phải "bán mì non", ứng trước tiền để mua gạo và chi dùng, lúc thu hoạch chỉ "từ hòa đến âm".
Thủy điện Sông Ba Hạ đã hoàn thành hơn 3 năm nhưng dự án "hứa" san ủi cánh đồng lúa nước và xây dựng Trạm bơm Buôn Lé vẫn dang dở, thành cái "cục" bức xúc trong dân. Trạm bơm được Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ "vẽ" ra để tưới cho 300ha, với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng, thực tế "đắp chiếu", con mương "tự chảy" thì luôn khô khốc…!
Theo ông Nay Hiếp - Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã (bị thu hồi toàn bộ đất cho Thủy điện Sông Ba Hạ) đang trong tình trạng thiếu đất, thiếu phương tiện sản xuất trầm trọng, đời sống cực kỳ khó khăn, tình trạng khiếu kiện kéo dài do dân thiếu đất phải đi xâm canh vùng khác… Đến nay, bà con vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách nào về đào tạo nghề để chuyển đổi làm sau khi bị thu hồi đất…
Theo UBND huyện Sơn Hòa, tình trạng người dân TĐC vì thủy điện lén lút phá rừng làm rẫy đang nóng bỏng. 3 năm gần đây tình trạng phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai ngày càng phức tạp, và lực lượng kiểm lâm phát hiện 366 vụ với diện tích rừng bị phá khoảng 143ha để trồng mì, mía, bắp… Quá nhiều đề nghị, yêu cầu Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ thực hiện các cam kết với dân, thế nhưng mọi chuyện đều "từ từ rồi tính"(?!).
Đột nhập khu nhà… ma
Qua đò sang phía nam sông Ba, chúng tôi ngỡ ngàng vì 3 khu nhà sừng sững… hoang tàn. Ba khu nhà: Lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, hình thành trung tâm khu TĐC Buôn Chao (xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, Phú Yên) rộng 16ha với hoàn chỉnh hệ thống điện - đường - trường - trạm - giếng nước - nhà dân… Khu TĐC có kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, nhằm bố trí chỗ ở cho 69 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Bầu (Ea Bá) bị mất đất cho công trình Thủy điện Sông Ba Hạ.
Lại gần thấy thêm cái cảm giác rờn rợn, không phải nhà cũ, mái vẫn mới, sơn vẫn son mà sao nghe lành lạnh. Những tòa nhà như bị ám bởi lời nguyền nào đó ngay từ khi xây để sớm trở thành nhà ma. Hoặc như một trận đại dịch đi qua, quét sạch mọi sinh linh… Trạm y tế khá nhất vì còn có… hơi bò. Một số người dân ở buôn Chao tận dụng trạm làm nơi nhốt bò. Phân rác dày đặc trên nền gạch hoa, chính cái mùi không dễ chịu ấy, mang lại… hơi ấm cho khu trung tâm buôn TĐC chục tỷ.
Chờ mãi cánh đồng Buôn Lé chưa cho ăn, người đàn ông này đành sắm chiếc thuyền thúng đi kiếm cá trên hồ thủy điện.
Khu TĐC "hiện đại" ấy chỉ còn duy nhất hộ ông Ma Ách (vốn là Trưởng buôn Bầu) ở lại, các hộ khác đều lần lượt bỏ đi.
Theo ông Ma Ách, khi chính quyền huyện Sông Hinh tổ chức lấy ý kiến xây khu TĐC trên, hầu hết người dân buôn Bầu đều không đồng tình. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng người cần nghe vẫn "bịt tai" để đổ tiền vào nó. Giữa năm 2007, chính quyền huyện Sông Hinh tiến hành di dời dân đến ở thì chỉ có 13 hộ chịu chuyển (đa phần là hộ đảng viên, cán bộ cơ sở). Một năm, hai năm "gương mẫu", lần lượt các hộ quay về dựng nhà sống "chấp chen" cạnh buôn cũ (gọi là buôn Bầu mới).
Ngày 26/3/2013, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên khi đoàn trực tiếp giám sát về đời sống của người dân ở các khu TĐC, ông Đặng Đình Toại - Chủ tịch huyện Sông Hinh khẳng định: Trong số 600 hộ dân phải di dời để xây dựng Thủy điện Sông Ba Hạ, Krông Hnăng và Sông Hinh, có đến 99% số hộ nghèo và cận nghèo (hộ nghèo chiếm 90,97%, cận nghèo chiếm 8,3%). |
Ksor Y Tôn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá là "đầu tàu" đưa dân lên buôn mới cũng đau đớn rút về. Vì cái sự đầu tàu của anh mà vợ chồng không thuận, rồi "nó bỏ mình". Với người Ê Đê, quyền trong nhà vẫn thuộc phụ nữ, Y Tôn bị vợ bỏ, phải về nhà với bố mẹ. Mất người lãnh đạo, các gia đình khác cũng đã "chịu hết nổi" lần lượt kéo nhau quay về ở buôn Bầu mới. Dân buôn Bầu hiểu rõ khu vực TĐC Buôn Chao là vùng đất khó sinh sống, nằm cách xa trung tâm xã, mùa mưa luôn bị chia cắt ... "Nghe Nhà nước vận động thì đi nhưng đến ở thì không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn trăm bề… Nhất là việc di dời từ buôn cũ lên phải đi qua 3 buôn trong xã là điều bà con rất kị: "Nói mãi mà họ vẫn cứ xây…" - Y Tôn kết thúc.
Bí quá, năm 2008, chính quyền địa phương đã phải đầu tư tiếp 5,4 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu dân cư buôn Bầu mới, để tái định cư lại cho 68 hộ dân theo kiểu di vén. Bỏ khu TĐC… khang trang trong hoang lạnh! Để "vớt vát" lãng phí, huyện Sông Hinh đang chỉ đạo xã Ea Bá tiếp tục vận động người dân buôn Chao gần đó đến cất nhà sinh sống, nhưng … chỉ có vài chục con bò được đưa đến “cư ngụ” trong trạm y tế.