Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói về đề nghị "khoan hồng đặc biệt" với cựu bí thư Đồng Nai
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, việc đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành là có cơ sở pháp lý
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo gây thiệt hại 152 tỉ đồng tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, luật sư bào chữa đề nghị có bản án thể hiện sự "khoan hồng đặc biệt" để cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành có thể sớm trở về "giáo dục con cháu không đi theo vết xe đổ".
Cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành (trái) và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái. Ảnh: N.A.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TP HCM), là 1 trong 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại phiên toà về đề xuất này.
- Phóng viên: Dư luận bất bình với đề nghị "khoan hồng đặc biệt" đối với cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, luật sư đánh giá sao về vấn đề này?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Dư luận thắc mắc là đúng. Nội dung trong bài bào chữa đề cập việc ông Thành dùng tiền nhận hối lộ đi làm từ thiện hay đề xuất chính sách khoan hồng đặc biệt cho ông Thành về để giáo dục con cháu, không phải là cơ sở pháp lý để đề xuất tòa áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Chức năng của luật sư là bào chữa và biện hộ, trong quá trình này chúng tôi tìm xem có oan sai hay không? Nhìn vào hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, nếu có oan sai thì bào chữa là oan sai. Nhưng mà nếu không oan sai, tức là đúng có tội rồi, thì luật sư bào chữa phải tìm xem có tình tiết gì giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ được không.
Trong vụ án này, ông Trần Đình Thành đã thừa nhận hành vi phạm tội. Do đó, chúng tôi phải đi tìm những cái hồ sơ chứng cứ và đối chiếu với pháp luật hiện hành xem có tiết giảm nhẹ hay không.
- Vậy căn cứ nào để ông cùng các luật sư đề nghị cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt?
+ Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, chứng cứ và kết luận điều tra, cáo trạng, cũng như theo dõi quá trình thẩm vấn trước tòa. Do đó, chúng tôi thấy ông Trần Đình Thành hoàn toàn có thể được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật.
Điều 59 Bộ Luật hình sự 2015 quy định rõ người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp được miễn hình phạt được khoan hồng đặc biệt thì người đó vẫn có tội, tức là vẫn có tiền án nhưng được miễn hình phạt.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm về chức vụ, quy định rất rõ xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt điển hình phạt theo điều 59 của Bộ luật hình sự. Việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt dựa trên điều kiện người người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 1 Điều 54. Bên cạnh đó, người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại tài sản, toàn bộ tài sản chiếm đoạt, phải khắc phục được hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa tại phiên toà khác. Ảnh: NLĐO
Trong khi đó, trong kết luận điều tra, ông Thành có 5 tình tiết giảm nhẹ như: Tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền 14,5 tỉ đồng; Thành khẩn khai báo ăn năn hối cải; tích cực, hợp tác với cơ quan có trách nhiệm; Có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng. Ngoài ra, ông Thành có mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và có 3 người anh là liệt sĩ. Từ đó, căn cứ vào những điểm này các luật sư đã đề xuất chính sách khoan hồng đặc biệt đối với ông Trần Đình Thành.
- Luật sư đánh giá như thế nào nếu ông Trần Đình Thành được tòa cho hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt?
+ Nghị quyết 03 chỉ yêu cầu hoàn trả 3/4 số tiền nhận hối lộ nhưng ông Thành đã hoàn trả toàn bộ. Bên cạnh đó, kết luận điều tra cũng nêu ông Thành thành khẩn nhận tội trước khi có khởi tố và đề nghị có chính sách phân hóa trách nhiệm đối với ông Thành.
Trong vụ án này, hành vi của ông Thành không trực tiếp gây ra thiệt hại cho nhà nước. Tại phiên tòa, Công ty AIC đã xác nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra và tại phần luận tội, VKSND không đề nghị ông Thành phải chịu bất kỳ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường nào.
Thời gian gần đây, chính sách phòng, chống tham nhũng của Đảng, nhà nước là phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, buộc khắc phục tối đa thiệt hại.
Cuối tháng 11-2022, tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Đống Đa (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức có sai phạm thì tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền tham ô, tham nhũng, sẽ được xem xét.
Chính sách của Đảng và nhà nước rất nhân văn, tạo điều kiện cho những người phạm tội mà đã nhận thức được hành vi sai phạm, biết hối cải, ăn năn về lỗi lầm của mình, được khoan hồng, được tạo cơ hội để sửa chữa sai lầm, tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên toà, ông Thành đã thành khẩn xin sự khoan hồng, lượng thứ của pháp luật và xã hội, hứa nỗ lực hết sức để sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp ông Thành không được miễn giảm hình phạt thì ông này cũng có thể mức án nhẹ hơn. Việc này đúng theo đường lối của Đảng và nhà nước, hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Hình sự cũng như Nghị quyết 03.
Theo hồ sơ vụ án, do có quen biết với cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai. Năm 2013, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu, mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định. Cùng với đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định. Từ thủ đoạn nêu trên, Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Nhàn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng. Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng. Cụ thể, bị cáo Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho Thành 14,5 tỉ đồng, Thái 14,5 tỉ đồng và Vũ 14,8 tỉ đồng. Tại phiên toà, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 10-11 năm tù và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bị truy nã) bị đề nghị 16-17 năm tù về tội Đưa hối lộ, 14-15 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt VKSND đề nghị chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, khắc phục 1 tỉ đồng của vụ án, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm được Toà cấp phúc thẩm tuyên giảm 1 năm tù còn phải...