Luật sư sao chụp tài liệu vụ án phải trả 1.500 đồng/trang A4?
Theo dự thảo, trường hợp bị can, người bào chữa (Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội...) yêu cầu sao chụp tài liệu tại cơ quan điều tra, VKS thì sẽ phải chịu chi phí là 1.500 đồng/trang A4.
Bộ Tư pháp vừa công bố Tài liệu cho ý kiến về Hồ sơ dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Cần thiết phải ban hành Pháp lệnh chi phí tố tụng
Theo dự thảo tờ trình, TAND Tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo Pháp lệnh) cho biết, Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định: “Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, UBTVQH quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ… chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”.
Tuy nhiên, đến nay văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng; về việc miễn, giảm các loại chi phí tố tụng nêu trên vẫn chưa được ban hành.
Đơn cử như đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.
Ngoài ra, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: Việc áp dụng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại các tòa án còn chưa thống nhất về việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi; mức chi cho Hội thẩm còn thấp… Điều này gây lúng túng trong thực tiễn áp dụng.
Từ đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc xây dựng Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.
TAND Tối cao đề xuất luật sư sao chụp tài liệu trả phí 1.500 đồng/trang A4
Bị can yêu cầu sao chụp tài liệu tại CQĐT, VKS phải trả chi phí
Hiện nay, trong tố tụng hình sự có quy định về quyền sao chụp tài liệu của bị can, người bào chữa nhưng trên thực tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án của bị can, người bào chữa và chi phí cho việc sao chụp hồ sơ vụ án do ai phải chi trả cơ quan tiến hành tố tụng hay bị can, người bào chữa phải chi trả.
Thực tế Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 có quy định về việc chi trả cho việc sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4 nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với việc sao chụp tài liệu tại Tòa án. Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự tại các giai đoạn tiến hành tố tụng như giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố thì khi bị can, người bào chữa yêu cầu được sao chụp hồ sơ vụ án thì thủ tục chi trả như thế nào và ai là người phải chi trả chi phí sao chụp này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng dẫn đến khi áp dụng các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng.
Nhiều vụ án, luật sư phải chụp hàng ngàn trang tài liệu. Trong ảnh: Các luật sư trong phiên tòa chuyến bay giải cứu. Ảnh: PLO
Đặc biệt, theo TAND Tối cao đối với trường hợp bị can đang bị tạm giam thì quyền thực hiện việc sao chụp tài liệu được thực hiện như thế nào và khoản chi phí sao chụp tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng phải chi trả hay người nhà bị can phải chi trả khi sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án để thực hiện quyền bào chữa của mình.
Do đó, tại dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo 3), cơ quan soạn thảo đề xuất trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội thì chi phí sao chụp (1.500 đồng/trang A4) sẽ do Nhà nước bảo đảm kinh phí.
Tuy nhiên, trong trường hợp bị can, người bào chữa (Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.
Theo TAND Tối cao, việc bổ sung những chi phí nêu trên vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh là để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của việc thi hành các quy định về phiên tòa trực tuyến, thực hiện quyền của bị can, người bào chữa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa những chi phí nêu trên vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh vì cho rằng những chi phí này là chi phí trang bị cơ sở vật chất cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc là những khoản chi thường xuyên.
Vì vậy, TAND Tối cao xin ý kiến của UBTVQH về vấn đề này.
Nguồn: [Link nguồn]
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm...