Luật sư nói về vấn đề pháp lý quanh việc tăng cường CSGT cho trung tâm đăng kiểm

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an đã chi viện 50 CSGT để tham gia vào hoạt động đăng kiểm, nhằm giải quyết tình trạng quá tải. Hỗ trợ nhân lực cho các trung tâm đăng kiểm trong thời điểm này là rất cần thiết, song các luật sư cho biết đã có những ý kiến thắc mắc về tính pháp lý liên quan việc này. 

Bộ Công an đã chi viện 50 CSGT để hỗ trợ hoạt động đăng kiểm.

Bộ Công an đã chi viện 50 CSGT để hỗ trợ hoạt động đăng kiểm.

Có ý kiến thắc mắc

Thời gian vừa qua, lực lượng công an đã triệt phá, khám xét hàng loạt trung tâm đăng kiểm, khởi tố, tạm giam trên 400 bị can. Việc này dẫn tới hệ thống đăng kiểm bị thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng và khiến hàng nghìn tài xế phải ăn trực nằm chờ nhiều ngày, nhiều giờ để xếp hàng chờ đăng kiểm. Để ứng phó với thực trạng này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhằm hỗ trợ cho hoạt động đăng kiểm. Ngày 13/3, Bộ Công an đã chi viện 50 CSGT cho một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP HCM.

Tuy nhiên việc CSGT tham gia vào hoạt động đăng kiểm dân sự đã có những ý kiến thắc mắc về tính pháp lý, để rộng đường dư luận, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi nhanh với đại diện cơ quan chức năng và các luật sư về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Cụ thể, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng, hoạt động đăng kiểm xe là một công việc chuyên môn, đòi hỏi các kỹ thuật viên được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn về kiểm định xe.

Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp và đảm bảo chất lượng của hoạt động đăng kiểm, cần có sự phân công, ủy quyền và quản lý đầy đủ, rõ ràng từ phía cơ quan có thẩm quyền, thường là Bộ GTVT hay Bộ Công an. Việc này sẽ đảm bảo rằng các kỹ thuật viên được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn, đồng thời đảm bảo rằng quá trình đăng kiểm xe được thực hiện theo đúng quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng quan ngại về việc sử dụng CSGT làm kỹ thuật viên tham gia vào công tác đăng kiểm dân sự có thể ảnh hưởng đến tính chuyên môn và chất lượng của quá trình kiểm định.

Ngày 13/3, trao đổi với PV Tiền Phong ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nói: "chúng tôi đã tổ chức lễ tiếp nhận và phân công nhiệm vụ cho lực lượng CSGT tham gia vào hoạt động đăng kiểm". PV đề nghị cung cấp văn bản bàn giao và danh sách phân công nhiệm vụ của lực lượng CSGT kèm theo, nhưng hôm nay (14/3) ông Hải vẫn chưa cung cấp.

Luật sư Lâm Thị Mai Anh

Luật sư Lâm Thị Mai Anh

Trong khi đó, nguồn tin của phóng viên cho biết, đến nay Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Cục CSGT, Bộ Công an; Bộ GTVT về việc bàn giao, tiếp nhận nhân sự chi viện cho hoạt động đăng kiểm.

Đại uý Dương Danh Tuấn - cán bộ đăng ký xe PC08 Công an tỉnh Bắc Ninh (được điều động hỗ trợ công việc tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-01V, Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định: “Chúng tôi được tập huấn và cấp thẻ kiểm định viên".

Thiếu tá Bế Ngọc Tú - cán bộ Phòng PC08 Công an tỉnh Cao Bằng (được điều động hỗ trợ công việc tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-01V, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, công việc hằng ngày của anh là làm nhiệm vụ đăng ký, đăng kiểm phương tiện cơ giới trong lực lượng công an nên không gặp phải vướng mắc, khó khăn gì khi thực hiện hỗ trợ cho trung tâm đăng kiểm.

Nêu quan điểm cá nhân, luật sư Lâm Thị Mai Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù chưa hoặc không có văn bản do Bộ GTVT và Bộ Công an ban hành liên quan đến việc tăng cường các chiến sỹ cho hoạt động đăng kiểm, nhưng theo nhận định của tôi, hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý.

Cụ thể, xét dưới góc độ pháp luật, mặc dù Điều 43 Luật tổ chức Chính phủ 2015, đã quy định, phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong Chính phủ, nhưng Chính phủ vẫn làm việc dựa trên sự kết hợp giữa các thành viên trong Chính phủ.

Điều này áp dụng vào việc tăng cường cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ hoạt động đăng kiểm là hoàn toàn hợp pháp. Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới; Bộ Công an cũng đã thực hiện lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ đáp ứng các điều kiện cơ bản, triển khai công tác tập huấn nâng cao cho cán bộ, chiến sĩ và huy động nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động đăng kiểm.

"Xét dưới nhu cầu thực tiễn hợp lý xã hội. Việc tăng cường cán bộ hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm là một yêu cầu cần giải quyết kịp thời. Tính hợp lý thể hiện ở việc áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn đời sống một cách linh hoạt, hiệu quả; đáp ứng, giải quyết các nhu cầu cần thiết của xã hội; đó cũng là cơ chế để bảo đảm ổn định, an toàn xã hội", bà Mai Anh nói.

CSGT cần tuân thủ quy định nào khi 'vào vai' đăng kiểm viên?

Còn theo Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, lực lượng tăng cường cho hoạt động đăng kiểm cần hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, quy định về đăng kiểm xe để đảm bảo công tác đăng kiểm được thực hiện chính xác và đúng quy trình.

Luật sư Bùi Phan Anh.

Luật sư Bùi Phan Anh.

Cụ thể, cần đáp ứng quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới. Khoản 5 Điều 3 quy định về đăng kiểm viên: “Đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm hai hạng: Đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao”.

Tại Khoản 6 Điều 3 của Nghị định, cũng đưa ra quy định về nhân viên nghiệp vụ kiểm định “là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Chứng chỉ nhân viên nghiệp vụ để thực hiện công việc, nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định và in chứng chỉ kiểm định”.

Ngoài ra, Điều 14 Nghị định 139/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Tóm lại, lực lượng tăng cường cho hoạt động đăng kiểm cần tuân thủ đầy đủ các quy định, thủ tục, quy trình đăng kiểm xe và đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, họ cần có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm và đối xử tôn trọng, thân thiện với người dân, giải đáp thắc mắc của người dân về quy trình đăng kiểm và các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhiều quốc gia khác thực hiện thủ tục đăng kiểm qua mạng internet. Những xe còn mới, trên giấy đăng kiểm có ghi “no inspection required” nghĩa là không phải mang xe đi đăng kiểm (xét). Tài xế chỉ cần đóng các loại bảo hiểm bắt buộc là đăng kiểm được. Những xe cũ hơn thì phải đi xét xe tại những nơi sửa xe (có license- những nơi check xe như này có ở khắp mọi nơi). Xét xe xong đóng bảo hiểm là làm đăng kiểm được. Những nơi xét xe mà chứng nhận không chính xác có thể bị thu bằng đóng cửa.

Cảnh sát giao thông làm gì ở trung tâm đăng kiểm?

Lực lượng CSGT được phân công đến trung tâm đăng kiểm để giúp phân luồng giao thông và thực hiện một số công đoạn trong quy trình đăng kiểm như, kiểm tra số khung, số máy,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN