Luật sư nói gì về vụ “không tiêm vaccine phải làm cam kết” ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Những ngày qua, khi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng và phải chịu trách nhiệm nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Nhiều người dân băn khoăn liệu việc làm này có đúng quy định hiện hành?

Theo văn bản về việc tiếp tục thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân của phường Hoàng Liệt, đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Được biết, lý do lãnh đạo phường ban hành văn bản trên là để phường nắm được tại sao một số người dân lại không tiêm vaccine.

Nhìn nhận sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có quy định bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm vaccine phòng Covid-19. Song, nếu tại những khu vực dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan y tế có thẩm quyền yêu cầu người dân ở đó đi tiêm vaccine mà cá nhân nào cố tình trốn tránh, trì hoãn việc tiêm chủng không có lý do chính đáng thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định.

Người già trên 65 tuổi cũng được tiêm vaccine phòng Covid-19

Người già trên 65 tuổi cũng được tiêm vaccine phòng Covid-19

Theo điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 177/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt với vi phạm nêu trên là mức trung bình của khung tiền phạt là 2.000.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá 3.000.000 đồng.

Như vậy, trường hợp từ chối tiêm vaccine Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trừ trường hợp có lý do chính đáng như: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vaccine thì sẽ bị xử phạt.

Ngoài ra, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng nêu rõ, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch. Song thời gian qua, lực lượng chức năng mới chỉ khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe chứ chưa tiến hành xử phạt người từ chối tiêm chủng.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, trường hợp cố tình không tiêm vaccine Covid-19 dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người… làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 -12 năm.

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội sáng 16/9

Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.L ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN