Luật sư của Trịnh Xuân Thanh liên tục "bật" lại HĐXX

Vấp phải phản ứng mạnh của luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, HĐXX đã phải nhắc nhở luật sư cần có thái độ tôn trọng HĐXX, nếu không thì mời luật sư ra ngoài.

Ngày 26-1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và 7 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh luận.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bổ sung thêm, thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần, HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chủ trương từ năm 2009 để thoái vốn ở PV Power (chủ sở hữu 28% vốn của PVP Land trước khi chuyển cho PVC). Chủ trương này đến năm 2010 được giao cho PVC thực hiện.

Luật sư của Trịnh Xuân Thanh liên tục "bật" lại HĐXX - 1

Luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa tại phiên tòa trước đó - Ảnh: TTXVN

Luật sư Quynh cho rằng bị cáo Thanh không thể chỉ đạo việc thoái vốn. Về việc cáo buộc bị cáo Thanh biết giá 52 triệu đồng/m2, luật sư cho rằng việc Thanh biết hay không cũng không ảnh hưởng việc thoái vốn vì PVC và cụ thể là Trịnh Xuân Thanh - người đại diện phần vốn cho Nhà nước - chỉ nắm 28% vốn của PVP Land. Bị cáo Thanh không thể chi phối HĐQT của PVP Land trong việc thoái vốn tại Nam Đàn Plaza.

Quá trình bào chữa, luật sư Quynh cũng đọc một bút lục về dòng tiền trong vụ án nhưng bị chủ tọa yêu cầu dừng, cho rằng không liên quan phạm vi xét xử.

HĐXX cho rằng, phần tiền chi cho bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã được giải quyết trong các bản án trước cho nên không nằm trong phạm vi vụ án này. Luật sư Quynh phản ứng lại, cho rằng bút lục liên quan đến lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình là rất quan trọng trong vụ án này.

Ngay lập tức HĐXX tiếp tục yêu cầu luật sư dừng lại. Luật sư Quynh tiếp tục phản ứng và chủ tọa phiên tòa một lần nữa yêu cầu luật sư dừng lại và nêu rõ: "Tất cả những người trong phiên tòa phải có thái độ tôn trọng HĐXX và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Nếu như luật sư không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa thì mời luật sư ra ngoài"- Chủ tọa nói.  

Theo HĐXX, số tiền 11 tỉ đồng mà bị cáo Duy nhận đã được giải quyết trong bản án trước nên yêu cầu luật sư không nêu lại.

Sau đó, luật sư Quynh phản ứng dữ dội và đề nghị đại diện VKSND thực hành quyền kiểm sát xét xử của mình.

Sau đó, đại diện VKS đã đọc lại quy định trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự và đề nghị luật sư tuân thủ điều hành của chủ tọa. Cụ thể, theo nội quy của phiên tòa, tất cả những người tham gia phiên tòa phải tôn trọng HĐXX, tuân thủ sự điều khiển của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Lưu ý luật sư phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Đáp lại, luật sư Quynh cho rằng bút lục đó chủ tọa đã nói trong phần xét hỏi rằng có thể đọc trong phần tranh luận nhưng đến nay lại không cho đọc, đại diện VKSND cũng không có ý kiến, chỉ nhắc nội quy tòa. Do vậy, luật sư Quynh không có ý kiến gì về việc này.

Theo cáo trạng, ngày 27-3-2010, nhóm 5 cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu tại dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza cho Lê Hòa Bình với giá 20.756,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2. Trong khi 4 cổ đông thực hiện việc chuyển nhượng với giá trên thì cổ đông còn lại là PVPLand - sở hữu nhiều cổ phần nhất (50,5%) - chỉ bán với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho PVP Land 87 tỉ đồng. Các bị cáo thông đồng chuyển nhượng cổ phần giá thấp nhằm lấy tiền chênh lệch chia nhau, tổng cộng 49 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham ô 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng 5 tỉ đồng, Đào Duy Phong 8 tỉ đồng…

Trước đó, trong bản luận tội của VKS nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây lãng phí, thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, lợi ích của xã hội. Các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đinh Mạnh Thắng là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt thành tích trong công tác nhưng vì tư lợi của bản thân, không vượt qua sự cám dỗ của lợi ích vật chất, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của Nhà nước, vi phạm pháp luật. Các bị cáo khác trong vụ án vì lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp nên đã đồng tình giúp sức cho hành vi phạm tội.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh: tù chung thân; Đào Duy Phong, nguyên chủ tịch HĐQT PVP Land: 17-18 năm tù; Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên tổng giám đốc PVP Land: 14-15 năm tù; Đinh Mạnh Thắng (em ông Đinh La Thăng): 11-12 năm tù giam. Những bị cáo còn lại bị đề nghị từ 8 đến 12 năm tù.

Vì sao ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường 60 tỷ?

Theo HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau trong việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ng.Hưởng (Người lao động)
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN