"Luật riêng" ở Nghĩa trang Lái Thiêu

Sự kiện: Bình Dương

Doanh nghiệp quản lý Nghĩa trang Lái Thiêu ở Bình Dương công khai đặt ra luật lệ riêng để thu phí với những lý lẽ hết sức mập mờ.

"Bỗng dưng phải oằn lưng "gánh nợ" cho người đã chết, nhiều gia đình bất bình cho rằng mức phí dịch vụ chăm sóc mồ mả phát sinh tại Nghĩa trang Lái Thiêu B (thuộc Nghĩa trang Lái Thiêu - khu phố Đồng An, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) là phi lý". Đó là nội dung lá đơn một bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động với lời yêu cầu khẩn thiết nhờ quý báo làm rõ. Sau hơn 10 ngày thu thập tư liệu và hẹn làm việc với các cơ quan chức năng, hành vi "trấn lột" của đơn vị quản lý nghĩa trang đã dần được làm rõ.

Tự ý hô giá, thu tiền

Sự việc bắt đầu từ dịp Tết Kỷ Hợi 2019, khi đến viếng mộ tại Nghĩa trang Lái Thiêu, nhiều gia đình bất ngờ nhận được thông báo về mức tiền phải đóng mang tên "phí chăm sóc mộ". Theo đó, tùy thuộc vào từng loại mộ phần là mộ tiểu lỡ, mộ trẻ em, mộ cốt; mộ đất; mộ cấp 1, 2; mộ cấp 2 đặc biệt; mộ cấp 3; mộ cấp 3 đặc biệt, người nhà phải đóng số tiền chăm sóc tương ứng từ 300.000 đến 1.300.000 đồng/năm cho đơn vị quản lý là Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương, có trụ sở tại 91 Thích Quảng Đức, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thấy thông báo trên cùng với bảng ghi rõ thông tin, ông Lê Văn T. (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết ông không khỏi bức xúc vì cách làm việc "ngang ngược" trên. Ông kể gia đình ông có người thân chôn cất tại Nghĩa trang Lái Thiêu B đã 30 năm. Hằng năm, gia đình ông đều thuê người dân địa phương thăm nom, dọn dẹp mộ với mức giá thấp hơn nhiều so với bảng giá niêm yết mà công ty yêu cầu gia đình ông phải trả cho họ. "Ngoài thu giá đắt thì việc công ty tự ý đưa ra quy định là việc làm càn quấy. không thể chấp nhận được" - ông T. bức xúc khi nhắc đến vụ việc. Cũng theo ông T., hiện gia đình ông có tổng cộng 12 người thân chôn cất ở Nghĩa trang Lái Thiêu B, điều này đồng nghĩa với mỗi năm gia đình ông phải đóng hơn chục triệu đồng là số tiền quá lớn. Vì vậy, gia đình ông vẫn muốn nhờ người dân địa phương chăm sóc để giảm chi phí. "Thế nhưng chuyện nhờ người dân địa phương chăm sóc giờ không thể thực hiện vì toàn bộ Nghĩa trang Lái Thiêu đã được bao kín như lô cốt" - ông T. nói.

"Luật riêng" ở Nghĩa trang Lái Thiêu - 1

Bảng giá dịch vụ được dựng tại Nghĩa trang Lái Thiêu B. Ảnh: NGỌC HÂN

Đúng như ông T. chia sẻ, đến Nghĩa trang Lái Thiêu, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là toàn bộ nghĩa trang được bao bọc bởi hệ thống hàng rào lưới thép. Cổng chính nghĩa trang không còn hoạt động, thay vào đó là một cổng phụ mở cách đó 200 m. Đây cũng là cổng duy nhất dẫn vào nghĩa trang. Cổng này có trang bị barie chắn đường và đặt một chốt bảo vệ để quản lý người ra vào. Qua khỏi cổng, đập vào mắt người viếng mộ là 4 bảng thông báo giá niêm yết các dịch vụ cho người chết. Trong đó có phí chăm sóc mộ trong vòng 1 năm (không kèm các công việc chăm sóc cụ thể). Theo thông báo, bảng giá này được thực hiện từ ngày 1-1-2018.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc thu phí trên, nhân viên chốt cổng trả lời: "Đây là quy chế quản lý riêng của công ty" và không kèm giải thích gì thêm. Hoạt động thu phí chăm sóc mộ phần cũng được thực hiện tương tự tại Nghĩa trang Lái Thiêu A gần đó.

Lý giải khó hiểu

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Phòng Hành chính Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương, xác nhận có tình trạng tổ chức thu phí dịch vụ chăm sóc mồ mả ở 2 khu Nghĩa trang Lái Thiêu B và A. Theo đó, bảng giá chăm sóc mộ niêm yết là do công ty quyết định, ban hành và điều chỉnh tùy thời điểm.

Vị đại diện này cho biết Nghĩa trang Lái Thiêu B và A vốn là nơi chôn cất tập trung của người dân từ lâu đời, lên tới hàng chục ngàn ngôi mộ. Năm 1988, UBND tỉnh Bình Dương giao cho công ty tiếp quản. Đến nay, công ty đã cổ phần hóa, vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 30%. Theo phương án khai thác kinh doanh nghĩa trang của công ty, các dịch vụ công ty cung cấp gồm bán huyệt mả, đào lấp huyệt, thiết kế, xây, sửa chữa mộ, chăm sóc mộ… Giá dịch vụ nghĩa trang do công ty tự quyết định. Trong đó, chỉ có tiền bán huyệt mả (tức bán đất trong nghĩa trang) công ty trích nộp 100% vào ngân sách nhà nước, các tiền khác công ty giữ lại duy trì hoạt động của nghĩa trang.

"Luật riêng" ở Nghĩa trang Lái Thiêu - 2

Bảng hướng dẫn khách vào nơi đăng ký các dịch vụ ở Nghĩa trang Lái Thiêu A. Ảnh: Ý LINH

Bà Huệ nói thêm: "Việc thu phí chăm sóc mộ đã diễn ra từ lâu nhưng chỉ là vận động chứ không ép buộc". Lý giải vì sao thân nhân một số ngôi mộ phản ánh trước đây không phải đóng tiền cho công ty mà bây giờ lại phải đóng, bà Huệ cho biết trước đây hầu như công ty chỉ vận động khách hàng đóng tiền chăm sóc mộ đối với những ngôi mộ mới xây. Hiện nay, quỹ đất trong nghĩa trang cạn kiệt, mộ xây mới rất ít, trong khi công ty phải duy tu, quản lý nghĩa trang, trả tiền nhân công…nên phải đẩy mạnh vận động thân nhân các ngôi mộ cũ đóng tiền chăm sóc mộ (!).

Vận động sao lại có bảng giá niêm yết cụ thể? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng việc công ty công khai bảng giá niêm yết dịch vụ chăm sóc mộ là cách thức để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra khi nhân viên thu phí không có sự giám sát của cấp trên (!?).

Sở Xây dựng nói gì?

Trước lý giải khó hiểu của bà Huệ cùng những tư liệu thu thập được, chúng tôi đã liên hệ để tìm hiểu câu trả lời đúng sai từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Theo đó, sau hơn 2 ngày nhận được phản ánh từ Báo Người Lao Động, ngày 5-4, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cùng các sở, ngành có liên quan đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương để làm rõ.

Sau cuộc họp, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Xây dựng cho biết nguồn gốc Nghĩa trang Lái Thiêu, ban đầu do cộng đồng người Hoa tạo lập sau đó các đơn vị khác nhau của TP HCM tiếp quản. Từ sau năm 1985, TP HCM bàn giao cho Bình Dương quản lý và tỉnh đã chỉ định đơn vị trực tiếp quản là Công ty Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương (100% vốn nhà nước). Sổ đỏ đất được công ty nhà nước này đứng tên. Năm 2006, công ty này cổ phần hóa. Còn theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, hiện sổ đất của nghĩa trang vẫn là sổ cũ, đứng tên công ty 100% vốn nhà nước chứ chưa chuyển sang tên công ty cổ phần.

"Đối chiếu với Nghị định hiện hành của Chính phủ thì Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương đã sai khi tự ý ra giá rồi thu tiền dịch vụ nghĩa trang trong đó có tiền chăm sóc mộ. Công ty thu bao nhiêu, thu trong thời gian bao lâu, có hóa đơn chứng từ đầy đủ không thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ sau đó báo cáo UBND tỉnh đề ra hướng xử lý" - đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định.

Sẽ đóng cửa Nghĩa trang Lái Thiêu

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo Nghị định về Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang được Chính phủ ban hành năm 2016 thì Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương không được tự ý ra giá dịch vụ (trong đó có giá chăm sóc mộ). Mức giá này phải trình qua UBND tỉnh Bình Dương thẩm định, phê duyệt hoặc chấp thuận với nguyên tắc mức thu phải hợp lý.

Liên quan đến quy định này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho hay đã yêu cầu Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương trong tháng 5 tới phải trình ngay bảng giá dịch vụ nghĩa trang để sở xem xét và trình UBND tỉnh chấp thuận thì công ty mới được phê duyệt giá và tiến hành thu. Sở Xây dựng cũng cho biết dự kiến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ đóng cửa Nghĩa trang Lái Thiêu, không chôn cất thêm mộ mới. Toàn bộ mộ trong nghĩa trang sẽ được di dời đến khu vực mới.

Những sinh linh bị chối bỏ: Nghĩa trang những ngôi mộ vô danh

Nghĩa trang thai nhi Bến Cốc (thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) có hàng trăm ngôi mộ không tên, mỗi ngôi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Linh - Ngọc Hân - Như Phú ([Tên nguồn])
Bình Dương Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN