Luật quy định thế nào về sở hữu bản ghi âm Quốc ca?
Theo các chuyên gia, ca khúc Tiến quân ca, Quốc ca của Việt Nam, do Nhà nước làm chủ sở hữu và tác phẩm này thuộc về công chúng…
Vào lúc 19 giờ 30 tối 6-12, trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và Lào đã diễn ra trên sân vận động Bishan (Singapore) trong khuôn khổ bảng B AFF Cup 2020.
Trong phần hát quốc ca mở đầu trận đấu, một sự việc khá hy hữu đã xảy ra khi khán giả theo dõi qua kênh YouTube của Next Sports (Next Media - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu trên các nền tảng) không thể nghe được âm thanh trong khi trên sân đang cử hành Quốc ca Việt Nam.
Sử dụng Quốc ca: Phải xin phép Bộ VH-TT&DL?
Cụ thể, màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm”.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thái Cường, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT); Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2009, 2019 thì quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Cụ thể, bản ghi âm tác phẩm Tiến quân ca (Quốc ca) là một đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả.
“Chúng ta cần nắm rõ bài hát Tiến quân ca được kết hợp bởi hai thành phần nhạc và lời. Tùy theo cách phối khuôn nhạc khác nhau có thể tạo ra những âm hưởng khác nhau trên cùng một lời nhạc. Vì thế, bản ghi âm có thể do những chủ thể khác làm nền nhạc khác để lồng vào lời. Loại hình “bản ghi âm” này được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả cho bản ghi âm tương ứng nếu đáp ứng các điều kiện luật định” - TS Cường nói.
Đội tuyển Việt Nam chào cờ, hát Quốc ca trong trận đấu với Lào tối 6-12, trong khuôn khổ giải AFF Cup 2020.
Cạnh đó, bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cần lưu ý, bản ghi âm chỉ được bảo hộ theo quy định với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
“Theo thông tin thì Tiến quân ca đã được tặng cho Nhà nước và công chúng thì sẽ rơi vào trường hợp tác phẩm do Nhà nước làm chủ sở hữu và tác phẩm thuộc về công chúng. Và Luật SHTT quy định rõ là Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng tác phẩm trong hai trường hợp này. Như vậy, nếu Nhà nước không có quy định khác thì việc sử dụng tác phẩm này phải xin phép Nhà nước (Bộ VH-TT&DL) hoặc theo quy định của pháp luật” - TS Cường nêu quan điểm.
Ngày 15-7-2016, tại lễ tiếp nhận ca khúc Tiến quân ca, truy tặng huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức tại Nhà Quốc hội Việt Nam, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca. Văn bản có đoạn: “Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”. Tại buổi lễ tiếp nhận bản Tiến quân ca này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khi đó là ông Vương Duy Biên cho biết Bộ VH-TT&DL được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý ca khúc Tiến quân ca. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng cho biết đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của ca khúc Tiến quân ca cho Cục Bản quyền tác giả. Chứng kiến buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc bài hát vang lên trong lễ tuyên ngôn độc lập, được chọn làm quốc ca nước Việt Nam suốt từ khi thành lập đến nay là niềm tự hào mà chưa có tác phẩm âm nhạc Việt Nam nào có được. “Tiến quân ca đã trở thành bài ca của cả dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam đều hát ca khúc này và sẽ tiếp tục ca mãi như lời hiệu triệu non sông. Tiến quân ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản chung của dân tộc Việt Nam, đúng như tâm nguyện lúc sinh thời của cố nhạc sĩ” - bà Ngân nhấn mạnh. |
Trường hợp đầu tiên tặng cho Nhà nước làm chủ sở hữu
Cùng quan điểm, ThS Ngô Minh Tín, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích thêm: Việc biểu diễn và tạo bản ghi bản chất là thực hiện quyền liên quan đến quyền tác giả (thuộc quyền của chủ sở hữu).
Qua báo chí thông tin, năm 2016, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã tặng bài hát cho “Nhà nước và Nhân dân”; ở đây chúng ta không biết rõ nội dung của việc chuyển giao này là cho Nhà nước hay Nhân dân.
Bởi nếu tặng cho Nhà nước thì Nhà nước là chủ sở hữu theo Điều 42 Luật SHTT, còn nếu tặng cho Nhân dân thì lúc đó thuộc về công chúng theo Điều 43 Luật SHTT. Khi đó, “mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm… nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả…”.
Thông báo được hiển thị trong phần hát Quốc ca của đội tuyển Việt Nam trên kênh YouTube của Next Sport. (Ảnh chụp màn hình)
“Qua cách Quốc hội phân công Bộ VH-TT&DL thay mặt Nhà nước quản lý bài hát thì chúng ta có thể hiểu ở đây thuộc trường hợp đầu tiên là tặng cho Nhà nước làm chủ sở hữu” - ThS Tín nhận định.
Cả hai chuyên gia đều cho rằng pháp luật bảo đảm sự tự do sáng tạo của các chủ thể trong việc sử dụng, khai thác, kinh doanh tác phẩm nhưng với điều kiện là phải xin phép tác giả chủ sở hữu và trả thù lao tương ứng.
Việc không xin phép tác giả, chủ sở hữu có thể rơi vào hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT và pháp luật có liên quan (chế tài cao nhất có thể bị xử lý hình sự).
Cụ thể, nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì cá nhân có thể bị phạt tù đến ba năm, pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng theo Điều 225 BLHS về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Bộ VH-TT&DL cần xác lập quyền liên quan cho Quốc ca Bộ VH-TT&DL cần xác lập quyền liên quan cho nhiều bản ghi âm bài hát Quốc ca chính thức để tiện sử dụng sau này (bằng cách đề nghị các đơn vị chuyển giao lại quyền sở hữu cho Nhà nước các bản ghi âm đã có hoặc làm nhiều bản ghi âm mới) để phục vụ cho lợi ích chung của người dân. Đồng thời, những cơ quan có thẩm quyền nên có những thông báo kịp thời cho các nền tảng số (YouTube…) về việc xác lập quyền này, đảm bảo thực thi pháp luật quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Tóm lại, những quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan là rất phức tạp. Việt Nam là thành viên của khá nhiều công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Việc có những lúng túng trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan là không thể tránh khỏi. Giải pháp tốt nhất là tiến hành thương lượng với các bên có liên quan theo đúng quy định của pháp luật trước khi áp dụng các biện pháp chế tài và có những hướng dẫn cụ thể đối với dạng tác phẩm thuộc về Nhà nước và công chúng. TS NGUYỄN THÁI CƯỜNG, Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM Quốc ca Việt Nam đã có bản chuẩn trên Internet toàn cầu Tối 7-12, trả lời trên chinhphu.vn, TS Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án website Chính phủ (tiền thân của cổng thông tin điện tử Chính phủ hiện nay), cho biết: Website Chính phủ đã được Bộ VH-TT&DL chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng Internet toàn cầu. Theo TS Nguyễn Công Hóa, đây là một trong các dữ liệu chính thức về nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet, gồm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn cũng như các văn bản pháp luật… Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức này trên cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định của pháp luật tại đường dẫn. Đây là bản ghi Quốc ca chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí. Trong thông tin phát đi ngày 7-12, Bộ VH-TT&DL cho biết ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ, phát huy giá trị của quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Về việc phổ biến Quốc ca đã bị ngăn chặn, cụ thể là tắt tiếng trên nền tảng YouTube, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để đưa ra hướng xử lý. Tuy nhiên, có bốn câu hỏi rất cần được Bộ VH-TT&DL trả lời cho công luận: - Quốc ca do Nhà nước Việt Nam là chủ sở hữu, Bộ VH-TT&DL là cơ quan chủ quản quản lý, những đơn vị làm bản ghi có phải xin phép bộ hay không? - Nếu không xin phép thì Bộ có trách nhiệm giải quyết như thế nào? Yêu cầu gì đối với những tổ chức đã đăng ký bản quyền? - Hiểu như thế nào là hành vi cản trở Quốc ca? - Hiện có hai đơn vị nhận có bản quyền bản ghi Quốc ca trên YouTube là BH Media (do Hồ Gươm Audio ủy quyền) và Marco Polo (Mỹ), vậy Bộ có cấp phép cho hai đơn vị này không? VIẾT THỊNH Đại hội thể thao quốc tế lấy bản thu âm Quốc ca Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao Liên quan đến việc bản thu âm Quốc ca Việt Nam được phát lâu nay khi đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế như: SEA Games, Asiad, Olympic… được lấy từ nguồn nào? Trả lời việc này, ông Trần Văn Mạnh - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam nói: "Ban tổ chức các đại hội thể thao quốc tế thường thông qua Đại sứ quán Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tại quốc gia đăng cai đại hội để lấy băng thu âm bản quốc ca Việt Nam. Sau đó ban tổ chức đại hội sẽ gửi cho Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội để nghe và xác nhận lại một lần nữa. Ban tổ chức các đại hội thể thao quốc tế làm việc rất chặt chẽ thông qua con đường ngoại giao và Ủy ban Olympic quốc gia". Còn thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết nhạc Quốc ca sử dụng trong nghi thức chào cờ trước trận tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020 được Ban tổ chức AFF Cup 2020 lấy nguồn từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Đây là nhạc Quốc ca của Việt Nam do VFF cung cấp bản chuẩn, được VFF lấy từ cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chinhphu.vn). |
Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc...
Nguồn: [Link nguồn]