“Luật ngầm” vùng biên triệt đường sống tài xế, chủ hàng

Sự kiện: Tin pháp luật

Lợi dụng tình hình ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là nông sản tại các cửa khẩu, “nhà luật” tha hồ tự tung, tự tác chèn ép lái xe, chủ xe, chủ hàng.

Sau hàng tháng trời vạ vật tại cửa khẩu, nhiều lái xe, chủ xe rơi vào cảnh khốn cùng.

Vạ vật sống cảnh màn trời chiếu đất

Ngày 20/1 là tròn 1 tháng 10 ngày tài xế Nguyễn Văn Toàn vạ vật ở bãi xe chờ xuất hàng qua cầu phao tạm Km 3+4 (cảng Thành Đạt), Móng Cái, Quảng Ninh.

Giữa tháng 11/2021, anh Toàn đánh xe đông lạnh chở cá từ Long An đi cửa khẩu Móng Cái để xuất hàng sang Trung Quốc. Những tưởng chỉ trong vài ngày là có thể hoàn thành chuyến hàng nhưng đến nay anh vẫn phải nằm lại đây.

Ngày 20/1, lối mở qua Km 4+3 Móng Cái thông thoáng, không còn cảnh ùn ứ như những ngày trước đó

Ngày 20/1, lối mở qua Km 4+3 Móng Cái thông thoáng, không còn cảnh ùn ứ như những ngày trước đó

“Khi vào tới cảng Thành Đạt, chúng tôi đánh xe vào bãi chờ, chìa khóa xe, giấy tờ đã giao cho “nhà luật” mang đi làm thủ tục. Theo quy định, chúng tôi không được phép ra khỏi khu vực cổng cảng, đành dựng tạm lều bạt, nấu cơm ăn. Qua vài ngày, thực phẩm mang theo cạn kiệt buộc cánh tài xế phải thuê “xe ôm” quanh khu vực ra ngoài mua đồ chuyển vào với giá cắt cổ”, anh Toàn kể.

Tài xế Nguyễn Văn Tường, người kẹt tại bãi xe chờ thông quan ở Lạng Sơn lên tới một tháng 5 ngày vừa quay đầu xe về Bình Thuận chua chát cho biết, đó là quãng thời gian khổ cực nhất trong cuộc đời tài xế của mình.

“Ngủ vạ vật dưới gầm xe, ăn uống tiết kiệm, kham khổ thậm chí tắm, giặt cũng phải hạn chế. Cò mồi “làm luật” ở các bãi khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái nhiều lắm. Thông quan khó chừng nào là cò hoạt động mạnh chừng đó, ra giá là dứt khoát không bớt một xu, mỗi lượt cò mồi bằng anh em chúng tôi gò lưng ôm vô lăng cả năm”, anh Tường cho biết.

Một chủ xe mít tại Cai Lậy, Tiền Giang phản ánh, hợp đồng vận chuyển mít với chủ hàng là 96 triệu đồng, tuy nhiên sau khi xuất hàng trở về, cộng các chi phí, trong đó nặng nhất là “tiền luật”, tiền “tài bo”, anh bị lỗ 90 triệu đồng.

“Thật sự với cung cách này, tài xế, chủ xe đã bị triệt đường sống”, chủ xe bức xúc.

Là một chủ doanh nghiệp vận tải sở hữu hơn 50 đầu xe container lạnh, anh N.V.T ở Vĩnh Long chia sẻ: “Mỗi chiếc xe của chúng tôi giá trị tiền tỷ nhưng tài xế khi đến cửa khẩu bắt buộc phải giao toàn bộ xe, giấy tờ cho “nhà luật”, hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Sau khi xe thông quan, trở về họ vẽ ra đủ mọi khoản chi phí lên tới vài chục triệu mà tài xế, chủ xe, chủ hàng phải cắn răng chấp nhận”.

Anh T. cho hay, theo quy định, trên các xe phải lắp camera, hệ thống giám sát hành trình. Tuy vậy, khi lên biên giới, các tài xế phải tháo ra bởi rất nhiều lần khi giao xe cho “nhà luật”, lúc trở về đều bị “vặt” sạch!

Xử nghiêm vi phạm nếu phát hiện

Vừa trở về sau khi hoàn thành chuyến hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Tài, lái xe container chở mít tâm sự: “Cảm ơn Báo Giao thông, sau loạt bài đăng về tình trạng “làm luật”, tình trạng bắt chẹt lái xe đã giảm hẳn. Như xe của tôi, trước khi giao xe cho “nhà luật”, tôi được thông báo khoản chi phí hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xe trở về, chúng tôi được thông báo các khoản chi phí là gần 30 triệu đồng. Sau hơn một tháng vạ vật ở cửa khẩu, giờ đây tôi đang đánh xe trở về ăn Tết. Không may mắn như tôi, nhiều tài xế vẫn đang mắc kẹt tại cửa khẩu”.

Ngày 20/1, ghi nhận của PV tại các cửa khẩu Móng Cái, không còn tình trạng các xe hàng nối đuôi nhau ùn ứ như trước đó. Tại khu vực cổng cửa khẩu, không còn tình trạng các “cò” lảng vảng chèo kéo.

Trao đổi với PV, các cơ quan chức năng TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khẳng định, sau thông tin Báo Giao thông phản ánh, tỉnh Quảng Ninh huy động nhiều lực lượng vào cuộc, chấn chỉnh nhằm bịt những “lỗ hổng” trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.

Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến việc “chạy lốt” hay bị chèn ép để được thông quan.

Qua thông tin phản ánh của Báo Giao thông về vấn đề “luật ngầm” tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh nhận định, nếu thực sự có chuyện này thì đây là vấn đề nhức nhối, cần phải được điều tra làm rõ. Thực tế sau khi Báo Giao thông phản ánh, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và TP Móng Cái đã nhanh chóng vào cuộc.

“Chúng tôi khẳng định, việc chèn ép, thu tiền của phương tiện vận tải hàng hóa có thể chỉ là do giữa các doanh nghiệp, cá nhân với nhau. Hiện nay, qua nắm bắt tình hình chung, chưa phát hiện có sự liên quan của cán bộ biên phòng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cương quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu kết quả điều tra của lực lượng chức năng phát hiện chỉ ra”, Đại tá Nguyễn Văn Thiềm khẳng định.

Đại diện Chi cục Hải quan Móng Cái cũng cho biết, ngay sau khi Báo Giao thông phản ánh, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyên môn khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình làm thủ tục hải quan.

Quá trình kiểm tra, không có hiện tượng công chức hải quan tham gia hoặc tiếp tay cho việc “bao luật”.

“Thời gian tới để tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, chi cục tiếp tục bố trí cán bộ công chức làm việc 24/7 để giải quyết thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Trường hợp cán bộ, công chức bị người dân, doanh nghiệp phản ánh vì thiếu trách nhiệm, vô cảm, phiền hà, sách nhiễu sẽ bị xem xét xử lý nghiêm”, vị này cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, theo quy định, đối với các xe xuất nhậu khẩu hàng hoá, sau khi đủ các thủ tục thông quan, phương tiện sẽ được đưa vào khu vực chờ thông quan do Bộ đội Biên phòng quản lý.

Tuy nhiên, do thực hiện công tác phòng chống dịch, tài xế, chủ hàng không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ biên phòng mà để thủ tục tại bàn, cán bộ biên phòng tiếp nhận, giải quyết và trả lại thủ tục tại bàn.

Chính vì không tiếp xúc trực tiếp, nên cán bộ biên phòng và chủ hàng, tài xế không thể trao đổi thêm về những vấn đề phát sinh (nếu có), chẳng hạn như bị chèn ép, phải tuân theo “luật ngầm”… hay không.

Chi tiền ”luật ngầm” ở cửa khẩu: “Nhà luật” móc túi cả “tài bo” và chủ hàng

Khoản tiền "tài bo" các "nhà luật" thu của các xe xuất khẩu nông sản lên tới vài chục triệu đồng, trong khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN