Luật “khắc tinh” của tin nhắn rác sắp có hiệu lực

Đó là luật An toàn thông tin mạng 2015, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2016.

Luật “khắc tinh” của tin nhắn rác sắp có hiệu lực - 1

Khi nhận phải tin nhắn rác, người dùng có thể chuyển tiếp tới đầu số 456.

Ngày 1.7 tới đây, luật An toàn thông tin mạng 2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực sau hơn 4 năm nghiên cứu, soạn thảo, góp ý xây dựng và hoàn thiện. Đây cũng là lần đầu tiên luật này xuất hiện trong hệ thống pháp luật tại Việt Nam.

Điểm đáng chú trong luật An toàn thông tin mạng chính là 6 hành vi cấm liên quan tới những vấn đề “nóng”, đặc biệt như hành vi phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác,...

Gửi tin nhắn rác là phạm tội

Theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin mạng - đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo luật, các quy định này xuất phát từ những vấn đề rất thực tế.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, thư rác là một vấn nạn mà các cơ quan quản lý đang tìm nhiều giải pháp xử lý. Thư rác gồm thư điện tử và tin nhắn được gửi đến người nhận, mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật.

Trước đây đã có luật Công nghệ thông tin và các nghị định về chống thư rác, nhưng bây giờ, luật An toàn thông tin mạng 2015 ra đời để nhắc lại và nâng mức độ đối với các hành vi bị nghiêm cấm đó.

“Trong xã hội hiện nay, hiện tượng nổi lên nhiều nhất là trao đổi, buôn bán thông tin cá nhân trên mạng, đặc biệt là số điện thoại. Luật này cấm hành vi đó! Các đơn vị thu thập, lưu trữ, sửa hay xóa bỏ thông tin như thế nào cũng phải có sự đồng ý của chủ thể”, ông Hải nhấn mạnh.

“Tôi từng nhận được bảng khảo sát thói quen tiêu dùng, yêu cầu khai báo các thông tin tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, chức vụ,... Đọc kỹ mới thấy cuối bảng khảo sát có dòng ghi chú họ được toàn quyền sử dụng thông tin đấy. Đây là điều cần phải cảnh giác trước khi đặt bút ký vào các văn bản để thông tin cá nhân không bị sử dụng sai mục đích”, ông Hải chia sẻ thực tế gặp phải.

Ông Hải cho biết thêm, cơ quan chức năng và các nhà mạng ở Việt Nam đã xây dựng hệ thống chống tin nhắn rác. Tuy nhiên, tin nhắn rác không đến từ tổng đài cho thuê của nhà mạng mà còn từ các SIM rác trên thị trường. Do đó, ngoài việc trông chờ vào các cơ quan chức năng, người dân cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách giữ kín thông tin cá nhân, cài đặt phần mềm chặn tin nhắn rác.

Trong trường hợp nhận phải các tin nhắn rác dạng SMS, người dùng có thể chuyển tiếp tới Bộ Thông tin & Truyền thông qua tổng đài 456.

“Đừng đưa miếng mồi ngon vào miệng sói”

Liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, ngoài luật An toàn thông tin mạng sắp có hiệu lực, Luật trẻ em 2016 cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 1.6.2017. Theo ông Hải, những luật như thế này đã cho thấy giá trị của thông tin cá nhân và tầm quan trọng của việc bảo vệ những thông tin đó thời mạng xã hội, internet bùng nổ.

“Hiện nay nhiều người chưa ý thức sâu sắc trong việc giữ kín thông tin cá nhân. Nay có luật quy định rõ ràng sẽ giúp người dân ý thức hơn, và cũng khiến cho những ai có ý định sử dụng thông tin cá nhân của người khác sai mục đích phải chùn tay. Tính chất của luật là giáo dục, tuyên truyền nên không nên làm gì, cuối cùng mới là việc chế tài các hành vi vi phạm”, ông Hải nói.

Ông Hải nhấn mạnh thêm, công nghệ chỉnh sửa hình ảnh thời nay rất tinh vi. Một bức ảnh đăng tải lên mạng hoàn toàn có thể bị “chế biến” theo nhiều hướng mà bản thân người có mặt trong bức ảnh không mong muốn. Chưa kể trên môi trường mạng, hình ảnh đó dễ dàng bị phát tán đến hàng triệu người xem.

“Mạng internet cũng như đời sống thật, con người có thể trao đổi, chia sẻ thông tin; nhưng khi một người đăng ảnh con, lịch học của con, tuyến xe buýt nào sẽ đón con, lúc mấy giờ,... thì không khác nào hành động đưa miếng mồi ngon vào miệng sói”, ông Hải nói.

“Với việc bùng nổ công nghệ thông tin cũng như các trang mạng xã hội như hiện nay, việc ban hành luật An toàn thông tin mạng là cần thiết. Trong đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 7 của luật này là các hành vi đã diễn ra trên thực tế suốt thời gian qua.

Trước đây, chúng ta đã có Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, nhưng với luật mới này, các hành vi liên quan đến thư rác đã được quy định cụ thể hơn trong Khoản 4 Điều 7”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM đánh giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN