Luật HN&GĐ: Xem xét việc mang thai hộ
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có thể sẽ chấp nhận việc chị em ruột trong gia đình được phép mang thai hộ cho nhau.
Thực tế có nhiều, quy định lại cấm
Bị cắt tử cung hoàn toàn để giữ mạng sống sau khi bị phát hiện ung thư tử cung, chị T.T.Q, 32 tuổi ở Hà Nội, gần như sống trong tuyệt vọng vì không còn cơ hội được làm mẹ. Cách đây hơn một năm, nghe có người mách nếu nhờ người khác mang thai hộ, Q. vẫn có cơ hội làm mẹ. Nghe tin này, chị Q. nuôi dần hy vọng.
Nhờ người “dẫn mối”, vợ chồng chị Q. đến gặp một phụ nữ khỏe mạnh, đã có chồng và 2 con, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn vì người chồng bị bại liệt sau vụ tai nạn giao thông. Để chắc chắn đứa con của mình sinh ra khỏe mạnh, chồng chị Q. đã đưa “đối tác” đi khám sức khỏe toàn diện. “Hợp đồng” với nhiều điều khoản cũng đã được hai bên ký kết. Tuy nhiên, đến khi dẫn nhau tới bệnh viện, việc mang thai hộ này đã không được các bác sĩ đồng ý bởi vi phạm pháp luật. Rời bệnh viện, chị Q. chỉ biết ôm chồng mà khóc.
Tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (Ảnh: Ngọc Dung)
Ngoài kênh môi giới với những thỏa thuận ngầm, nhiều người đã lên mạng internet để tìm sự giúp đỡ. “Bị bệnh, không thể có con nên tôi cần tìm một phụ nữ trên dưới 30 tuổi, sức khỏe tốt, ưa nhìn, giúp tôi mang thai hộ, sẽ trả công xứng đáng và chăm sóc tốt, mọi vấn đề sẽ thỏa thuận rõ khi gặp nhau…” - Một nickname có tên monglamme… đã chia sẻ như vậy trên một diễn đàn hiếm muộn.
Vô sinh, hiếm muộn ngày càng phổ biến
TS-BS Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết vô sinh, hiếm muộn ngày càng phổ biến. Trong khoảng 100 cặp vợ chồng, có 10-15 cặp không thể có con. Nguyên nhân không có con do nam và nữ giới là tương đương nhau (khoảng 30%), do cả vợ và chồng là 30% và khoảng 10% còn lại không rõ nguyên nhân. “Tuy nhiên, không phải trường hợp hiếm muộn nào cũng có thể có con qua can thiệp của y học. Với những phụ nữ bị dị tật bẩm sinh, bị cắt tử cung, tử cung có nhiều u xơ, tử cung nhi tính… sẽ không thể có con cho dù được thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm”- bác sĩ Vệ khẳng định. Cũng theo bác sĩ Vệ, với những trường hợp đã cắt tử cung nhưng vẫn còn buồng trứng, phụ nữ vẫn còn hy vọng có con nhưng họ không thể tự mang thai như người bình thường khác mà chỉ có thể gửi trứng nhờ ai đó mang thai hộ.
Theo ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, pháp luật hiện hành cấm hành vi mang thai hộ, đẻ thuê nhưng trong thực tế, niềm khao khát được làm cha, làm mẹ vẫn khiến nhiều người tìm mọi cách để đạt được nguyện vọng ấy. Theo Nghị định 96/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 15/12/2011), hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, do Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 không có quy định cụ thể về vấn đề này nên những hậu quả pháp lý chưa được đề cập. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp về quyền làm cha mẹ, quyền nhân thân, tài sản của đứa trẻ với những người liên quan sẽ rất phức tạp.
Nhiều ý kiến đồng tình Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc chấp nhận hay tiếp tục cấm mang thai hộ để sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình. TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Khoa Luật dân sự (Đại học Luật Hà Nội) - thành viên tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình - cho biết qua các phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nên chấp nhận mang thai hộ. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến chưa đồng tình mở rộng phạm vi người mang thai hộ mà chỉ chấp thuận nếu đó là chị em ruột thịt. “Đây là điều hợp lý bởi sẽ tránh được những vấn đề phát sinh phức tạp về tranh chấp đứa trẻ. Tuy nhiên, chưa thể mở rộng đối tượng những người được phép mang thai hộ bởi điều đó dễ gây phát sinh chuyện hợp đồng, kinh doanh” - TS Nguyễn Văn Cừ phân tích. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết mang thai hộ là vấn đề nhạy cảm, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. “Xưa nay chúng ta vẫn coi người nào mang thai, đẻ ra đứa trẻ là cha mẹ của chúng. Nếu chấp thuận thì khi xảy ra tranh chấp sẽ xử lý ra sao, phải có quy định chặt chẽ may ra mới thực hiện được” - bà Hiền nói. |