Luật Đất đai 2024: Điểm mới đáng chú ý trong quy định “Đất trồng lúa”
Quy định về “Đất trồng lúa” trong Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013.
Bạn đọc Nguyễn Thái (Hải Dương) thắc mắc: Nông dân được Nhà nước giao đất trồng lúa có trách nhiệm gì? Quy định về “Đất trồng lúa” trong Luật Đất đai 2024 có gì mới so với Luật Đất đai 2013?
Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt. (Ảnh: X.L)
Trả lời thắc mắc trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Quy định về “Đất trồng lúa” được Luật Đất đai 2024 nêu rõ tại Điều 182. Trong đó có quy định, người sử dụng đất trồng lúa (hay còn gọi là nông dân) có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, luật cũng quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
“Những quy định về trách nhiệm của người nông dân và chính sách hỗ trợ của Nhà nước với vùng trồng lúa là những điểm tương đồng giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024.” – luật sư Tuấn Anh nói.
Về câu hỏi, quy định về “Đất trồng lúa” trong Luật Đất đai 2024 có gì mới so với Luật Đất đai 2013? Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết: So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới. Trong đó, luật mới nêu rõ định nghĩa về “Đất trồng lúa” gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Trong đó, đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 2 vụ lúa trở lên.
Đối với trường hợp “người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa”, Luật Đất đai 2013 quy định người được giao đất chỉ phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2024 quy định người được giao đất phải thực hiện nhiều việc hơn. Cụ thể, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải thực hiện các quy định sau đây:
Thứ nhất, có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.
Thứ hai, nộp một khoản tiền theo quy định của pháp luật để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.
Thứ ba, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.
“Đáng chú ý, Luật Đất Đai 2024 có quy định mới là người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đây là điểm mới của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013.” – luật sư Tuấn Anh nói và cho biết Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về Đất trồng lúa.
Luật Đất đai 2024 quy định rõ các loại đất sử dụng ổn định lâu dài và loại đất sử dụng có thời hạn. Trong đó, đất nông nghiệp giao cho cá nhân là đất sử dụng có thời hạn.
Nguồn: [Link nguồn]